Niêm yết chứng khoán là mục tiêu mà hầu như các doanh nghiệp nào cũng đều hướng tới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà các doanh nghiệp đều hướng tới, việc niêm yết này cũng có một số nhược điểm. Vậy thì cụ thể ưu điểm và nhược điểm mà niêm yết chứng khoán mang lại cho những tổ chức phát hành chứng khoán là gì? Hãy cùng VNSC tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Niêm yết chứng khoán là gì?
Theo khoản 24 điều 4 luật chứng khoán năm 2019, niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán đã đạt đủ điều kiện vào giao dịch trên hệ thống giao dịch công khai.
Tức là theo quy định của Luật Chứng khoán, khi cổ phiếu, trái phiếu của một công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo luật đã đưa ra, thì mã cổ phiếu của những doanh nghiệp này sẽ xuất hiện trên sàn giao dịch chứng khoán đại chúng, nhằm thực hiện việc huy động vốn.
Vai trò của việc niêm yết trên sàn chứng khoán
Việc niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch đại chúng đánh dấu một cột mốc mới về tài chính và truyền thông cho doanh nghiệp. Bởi cổ phiếu được niêm yết trên sàn cũng đồng nghĩa rằng công ty sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư lớn hơn. Đồng thời, về khía cạnh truyền thông, doanh nghiệp cũng tạo được một hình ảnh tích cực hơn với công chúng.
Việc niêm yết chứng khoán cũng là một động lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả. Bởi niêm yết trên sàn đòi hỏi doanh nghiệp phải là một doanh nghiệp tốt, tiềm năng thì các nhà đầu tư mới sẵn sàng rót vốn, đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tích cực hoạt động, minh bạch về tài chính và pháp lý
Ngoài những vai trò của việc niêm yết chứng khoán đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp, thì đây cũng là một hình thức làm giàu và thúc đẩy nền kinh tế thị trường của quốc gia. Khi càng có nhiều doanh nghiệp được niêm yết, thị trường chứng khoán cũng thêm phần phát triển, gia tăng nguồn vốn cho các doanh nghiệp, cũng là góp phần gia tăng sản xuất, kích cầu tiêu dùng Việt Nam, gia tăng GDP của nền kinh tế.
Các hình thức niêm yết chứng khoán
Việc niêm yết chứng khoán có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh doanh của công ty cũng như kinh tế của một quốc gia. Để có thể niêm yết trên sàn giao dịch, doanh nghiệp cũng cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tương ứng với các hình thức niêm yết chứng khoán khác nhau. Dưới đây là một số hình thức niêm yết chứng khoán phổ biến.
- Niêm yết lần đầu (Initial Listing) Các công ty phát hành chứng khoán được niêm yết lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán đại chúng sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về niêm yết chứng khoán theo điều 109 nghị định 155/2020/NĐ – CP
- Niêm yết bổ sung (Additional Listing): Khi doanh nghiệp muốn phát hành thêm cổ phiếu, nhằm huy động thêm nguồn vốn, hay khi doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đối các trái phiếu thành cổ phiếu thì họ sẽ làm đơn đề nghị niêm yết bổ sung đến Sở Giao dịch chứng khoán
- Thay đổi niêm yết (Change Listing): Hình thức thay đổi niêm yết này sẽ xảy ra khi doanh nghiệp phát hành muốn thay đổi tên, giá cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu phát hành
- Niêm yết lại (Relisting): Sau khi bị từ chối niêm yết lần đầu vì không thỏa các điều kiện niêm yết thì doanh nghiệp sẽ tiến hành niêm yết lại.
- Niêm yết toàn phần và từng phần (Dual Listing and Partial Listing): Niêm yết toàn phần là niêm yết toàn bộ cổ phiếu của công ty trên sàn, trong khi đó niêm yết từng phần là niêm yết một phần chứng khoán trên sàn và phần còn lại được giữ lại và chưa được niêm yết.
Ưu và nhược điểm của việc niêm yết chứng khoán
Rõ ràng chúng ta đã nắm được vai trò của niêm yết chứng khoán, cũng như là các hình thức niêm yết chứng khoán phổ biến. Vậy thì ưu và nhược điểm của hình thức huy động vốn này là gì?
Ưu điểm
Tạo động lực để doanh nghiệp phát triển
Bởi vì mục đích quan trọng nhất của niêm yết chứng khoán đó chính là thu hút nguồn vốn đổ vào công ty. Do vậy ngay khi niêm yết chứng khoán thành công, huy động được nguồn vốn thì doanh nghiệp đã có đủ nguồn lực để tăng cường sản xuất kinh doanh, tích cực nâng cấp các sản phẩm cũ, sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng vừa thu được lợi nhuận, vừa thu hút thêm nhiều nguồn vốn mới đổ vào.
Đa dạng nguồn vốn huy động
Khi đã niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch đại chúng, thì ngoài nguồn vốn từ các cổ đông chính của công ty góp vào một nguồn vốn có giới hạn, thì giờ đây doanh nghiệp đã có thể có thêm được nhiều nguồn vốn hơn từ các nhà đầu tư đại chúng, tăng thêm vốn cho công ty phát triển.
Truyền thông cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán luôn thu hút sự chú ý của truyền thông hơn. Do đó, tận dụng nguồn tài nguyên này sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng được một hình ảnh tốt hơn trước công chúng, tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới truyền thông.
Nhược điểm
Đòi hỏi sự minh bạch về tài chính
Khi niêm yết trên sàn chứng khoán đại chúng, đồng nghĩa với việc mọi thông tin, hoạt động của doanh nghiệp đều sẽ được công khai. Mọi nhà đầu tư đều mong muốn nhận thông tin minh bạch và công khá từ công ty. Việc này lại thành trở ngại cho doanh nghiệp, khi toàn bộ doanh thu, lợi nhuận, tình hình kinh doanh lãi lỗ cũng phải được công khai minh bạch đến cho công chúng.
Trong trường hợp lãi thì nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục rót thêm vốn vào cho doanh nghiệp. Nhưng nếu lỗ, thì có thể với tâm lý FOMO của thị trường, nhiều nhà đầu tư sẽ rút vốn, đẩy giá cổ phiếu của doanh nghiệp giảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp sau này.
Phát sinh thêm các chi phí
Ngoài việc phát sinh thêm các chi phí để phục vụ sản xuất kinh doanh thì giờ đây khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, doanh nghiệp phát hành còn phải chịu thêm những khoản phí như phí niêm yết lần đầu, niêm yết bổ sung; phí quản lý thành viên lưu ký; phí quản lý niêm yết chứng khoán hằng năm;… Đặc biệt với thời đại công nghệ số như hiện nay, thì khi các công ty muốn đăng ký giao dịch trực tuyến thì phải trả thêm phí kết nối lần đầu khi được Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận làm thành viên giao dịch trực tuyến.
Nhìn chung việc niêm yết trên thị trường chứng khoán vẫn sẽ đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích cũng như thách thức. Điều doanh nghiệp cần ưu tiên là phát triển kinh doanh, đưa ra những chiến lược phù hợp để vượt qua những thách thức này. Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về ưu nhược điểm của việc niêm yết chứng khoán, qua đó hiểu hơn về hoạt động này của doanh nghiệp.