Quỹ thành viên là hình thức đầu tư chứng khoán giới hạn chỉ dành cho một số nhà đầu tư chuyên biệt. Vì lý do này mà đây vẫn là một thuật ngữ khá xa lạ với nhiều người. Vậy quỹ thành viên là gì? Những điều kiện nào để thành lập quỹ thành viên? Người tham gia quỹ thành viên cần tuân theo những nguyên tắc nào? Cùng tìm hiểu với VNSC trong bài viết dưới đây
Quỹ thành viên là gì?
Quỹ thành viên là một quỹ đầu tư chứng khoán có từ 02 đến 99 thành viện và chỉ chấp nhận thành viên là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trong đó, nhà đầu tư chuyên nghiệp được hiểu là những cá nhân có chuyên môn về đầu tư chứng khoán, có tài chính. Cụ thể, cá nhân được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp nếu đáp ứng được một trong các điều kiện:
- Sở hữu chứng chỉ hành nghề chứng khoán
- Danh mục đầu tư giá trị từ 2 tỷ
- Có thu nhập phải chịu thuế trong năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng
Đặc điểm quỹ thành viên
Danh mục đầu tư của quỹ thành viên
Điều 5 Thông tư 98/2020/TT-BTC có quy định về danh mục đầu tư của quỹ thành viên như sau:
+ Gửi tiền vào ngân hàng thương mại theo quy định của luật ngân hàng.
+ Đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ và công cụ chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
+ Đầu tư công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.
+ Đầu tư cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu có niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán và chứng chỉ quỹ đại chúng.
+ Quyền phát sinh gắn với chứng khoán mà quỹ nắm giữ.
+ Các loại hình chứng khoán khác theo quy định của Pháp luật Việt Nam
Quỹ thành viên phân phối lợi nhuận như thế nào?
Nguyên tắc phân phối lợi nhuận trong quỹ thành viên được quy định như sau:
Thứ nhất, Quỹ áp sử dụng tiền hoặc chứng chỉ quỹ là hình thức phân chia lợi tức. Trong đó, Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm thông báo đến địa chỉ liên hệ đã đăng ký ban đầu của nhà đầu tư về mức lợi tức trước tối thiểu 15 ngày so với với ngày phân phối lợi tức. Thông báo phải đảm bảo các nội dung theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 98.
Thứ hai, nguyên tắc chi trả lợi tức bao gồm:
– Lợi tức phân phối cho nhà đầu tư được lấy từ lợi nhuận trong kỳ hoặc lợi nhuận lũy kế sau khi quỹ đã hoàn tất mọi nghĩa vụ thuế và tài chính theo quy định pháp luật.
– Mức chi trả lợi tức phải phù hợp với chính sách của quỹ, được quy định tại Điều lệ quỹ do Đại hội nhà đầu tư thông qua.
– Sau khi chi trả lợi tức, quỹ vẫn phải đảm bảo giá trị tài sản ròng không thấp hơn 50 tỷ đồng và vẫn có đủ nguồn vốn để thanh toán đủ các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
– Trong trường hợp phân phối lợi tức bằng chứng chỉ quỹ, quỹ phải đảm bảo có đủ nguồn vốn đối ứng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, đánh giá dựa trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất đã được kiểm toán hoặc soát xét.
Thứ ba, mọi thông tin về hoạt động phân chia lợi tức của quỹ sau khi thực hiện phải cập nhật đầy đủ tại Bản cáo bạch sửa đổi, bổ sung.
Chuyển nhượng vốn góp quỹ thành viên
Thành viên góp vốn được tự do chuyển nhượng phần vốn góp vào quỹ (trừ trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định). Những nguyên tắc cần đảm bảo trong việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ phần vốn góp tại quỹ phải bảo đảm:
+ Bên nhận chuyển nhượng cần đáp ứng được các quy định liên quan tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 98.
+ Sau khi hoàn tất quá trình chuyển nhượng, quỹ vẫn đáp ứng những điều kiện cơ bản là có từ 02 đến 99 thành viên góp vốn và thành viên phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trong thời gian 15 ngày kể từ khi chuyển nhượng hoàn tất, công ty quản lý quỹ gửi thông báo kết quả giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo mẫu thông báo kết quả giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp quỹ thành viên tại phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 98.
Trong trường hợp giao dịch chuyển nhượng chiếm 5% vốn điều lệ quỹ trở lên, công ty quản lý quỹ phải gửi kèm hợp đồng chuyển nhượng giữa các thành viên góp vốn được công ty quản lý vốn xác nhận.
Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm lưu trữ thông tin của các thành viên đăng ký góp vốn cũng như các thông tin chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên.
Thành lập quỹ thành viên cần làm gì?
Quỹ thành viên được thành lập bởi các thành viên góp vốn trên cơ sở hợp đồng góp vốn. Việc thành lập quỹ thành viên phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Quỹ thành viên cần có tổng vốn góp tối thiểu 50 tỷ đồng.
- Có từ 02 đến 99 thành viên góp vốn và chỉ tiếp nhận thành viên là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
- Được quản lý bởi 01 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
- Tài sản của quỹ thành viên được lưu ký tại 1 ngân hàng lưu ký độc lập với công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Các quỹ thành viên uy tín tại Việt Nam
Có thể nói, các quỹ thành viên tại Việt Nam có quy mô tương đối lớn, nhiều quỹ có tổng số vốn từ vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng. Vậy những những quỹ thành viên nào đang hoạt động phổ biến tại Việt Nam?
Quỹ đầu tư thành viên SSI (SSI Investment Member Fund – SSIIMF)
Quỹ SSIIMF được cấp phép thành lập vào năm 2010 với tổng vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, quỹ đã có hai lần thay đổi số vốn, lần đầu tiên vào năm 2012 nâng mức vốn lên 390 tỷ đồng, lần hai là lần giảm vốn còn 343 tỷ đồng vào 2018. Quỹ hoạt động dưới sự quản lý của công ty cổ phần quản lý quỹ SSI.
Mục tiêu thành lập của quỹ SSIIMF là giải ngân vào sáu dự án bất động sản tại Mỹ, có gia trị tương đương khoảng 14 triệu USD.
Quỹ Đầu tư khám phá giá trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VVDIF – VietinBank Value Discovery Investment Fund)
Quỹ VVDIF được thành lập với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng từ năm 2015, mục tiêu của quỹ là tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là đơn vị quản lý quỹ của VVDIF, được giám sát bởi Ngân hàng BIDV.
Quỹ VVDIF được thành lập nhằm tận dụng lợi thế của ngân hàng công thương Việt Nam cũng như các thành viên góp vốn để tìm kiếm các cơ hội đầu tư tiềm năng.
Định hướng của quỹ VVDIF là đầu tư trung hạn và dài hạn vào các doanh nghiệp đã phát hành ra công chúng, các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn và các doanh nghiệp niêm yết.
Công ty Quỹ đầu tư Việt Nam (Viet Nam Investment Fund – VIF)
Là một trong những quỹ lâu đời nhất ở Việt Nam, quỹ được cấp phép thành lập từ năm 2006 với mức vốn điều lệ lên tới 1349 tỷ đồng và được Công ty Liên doanh quản lý quỹ đầu tư BIDV thực hiện quản lý – VietNam partner, do Ngân hàng HSBC chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh giám sát.
Quỹ Đầu tư Japan Asia MB Capita (JAMBF)
Thành lập vào năm 2010 với số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, quỹ JAMBF ra đời dựa trên sự hợp tác giữa MB Group và Japan Asia Group, trong đó các nhà đầu tư Nhật Bản có mức vốn chiếm đến 49%.
Chiến lược của quỹ là hướng đến các doanh nghiệp có giá trị, hoạt động quản trị hiệu quả, tiềm năng tăng trưởng lớn và đang được thị trường định giá thấp hơn so với giá trị thực.
Ngoài ra, quỹ JAMBF cũng tập trung đầu tư trung và dài hạn để đảm bảo độ an toàn cũng như tốc độ tăng trưởng cao.
Công ty quản lý quỹ của Japan Asia MB Capita là Công ty CTCP QLQ Đầu tư MB. Giám sát bởi ngân hàng thương mại cổ phần MTV Standard Chartered Việt Nam.
Trên đây là những thông tin về đặc điểm và cách vận hành của một quỹ thành viên, những nguyên tắc và quy định của quỹ luôn phải tuân thủ theo pháp luật quy định để đảm bảo tính minh bạch. Hy vọng với những thông tin này, quý vị độc giả có thể tìm hiểu thêm về các quỹ thành viên uy tín để đưa ra lựa chọn phù hợp với mong muốn đầu tư của bản thân.
Hiện nay, VNSC đã trở thành đối tác phân phối quỹ của nhiều đơn vị uy tín. Để biết thêm về việc đầu tư quỹ, bạn có thể truy cập liên kết bên dưới để tìm hiểu thêm.