Thuật ngữ đầu cơ là một khái niệm phổ biến trong lĩnh vực tài chính. Nó được coi như một con dao hai lưỡi, mang đến cơ hội lợi nhuận lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để tránh các sai phạm đáng tiếc, nhà đầu tư cần hiểu rõ về đầu cơ là gì cũng như sự khác nhau giữa đầu cơ và đầu tư.
Đầu cơ là gì?
Đầu cơ là một hình thức đầu tư mà người tham gia tận dụng sự biến động của giá cả trong một thời gian ngắn để thu lợi cá nhân. Đầu cơ thường liên quan đến việc tích trữ các loại tài sản như cổ phiếu, chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa và sau đó bán chúng với giá cao hơn giá mua để kiếm lợi nhuận.
Hiểu một cách đơn giản, đầu cơ là việc mua và bán tài sản với mục tiêu tạo ra lợi nhuận từ sự biến động giá cả. Hành động này đôi khi có thể ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường và tạo ra các biến động lớn. Đầu cơ có thể làm tăng giá cả của các loại hàng hóa và gây khó khăn trong việc ổn định giá cả thị trường từ phía Nhà nước.
Ví dụ, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, nhu cầu mua khẩu trang tăng cao do người tiêu dùng muốn bảo vệ sức khỏe của mình. Điều này đã tạo cơ hội cho một số cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh gom hàng sớm, tích trữ và chờ đợi khi giá khẩu trang tăng cao để bán ra và kiếm lợi nhuận lớn.
Cổ phiếu đầu cơ là gì?
Cổ phiếu đầu cơ có tính chất hai mặt, mang lại cơ hội sinh lời cao nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro, có thể gây mất vốn cho người mua.
Nhà đầu tư đầu cơ thường mua cổ phiếu ở mức giá thấp, dựa vào yếu tố phân tích kỹ thuật hoặc xu hướng dòng tiền để mong đợi rằng giá trị của cổ phiếu này sẽ tăng trong thời gian ngắn, thậm chí có thể tăng mạnh. Đây thường là những cổ phiếu penny hoặc cổ phiếu của các công ty mới niêm yết trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO), khi mà nhà giao dịch hy vọng rằng cổ phiếu sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến hơn và thu hút sự chú ý từ nhiều người.
Đầu cơ tác động những gì lên thị trường tài chính?
Tác động tích cực
Đầu cơ có ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của thị trường, giúp các giao dịch diễn ra dễ dàng và linh hoạt. Điều này cung cấp sự trơn tru hơn cho hệ thống tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư.
Đầu cơ có thể mang đến nguồn vốn lớn cho thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng đầu tư và phát triển sản xuất. Điều này đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế trong nước. Các nhà đầu tư cung cấp nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế.
Tác động tiêu cực
Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ cũng có thể có những tác động tiêu cực lên thị trường tài chính:
- Khiến giá cổ phiếu cao hơn nhiều so với giá trị thực: Đầu cơ thường dựa trên sự kỳ vọng và thông tin không đầy đủ, điều này có thể dẫn đến tình trạng giá cổ phiếu bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị thực tế của nó. Đồng thời tạo ra sự chênh lệch giữa giá trị thực tế của tài sản và giá trị giao dịch trên thị trường, gây ra sự không cân bằng và không ổn định.
- Hoạt động đầu cơ với quy mô lớn có thể khiến thị trường chứng khoán thiếu trong sạch: Khi có quá nhiều hoạt động đầu cơ xảy ra với quy mô lớn, việc thao túng giá có thể xảy ra khiến thị trường chứng khoán có thể trở nên thiếu trong sạch. Các nhà đầu cơ thường tập trung vào việc kiếm lợi nhuận ngắn hạn và thường không quan tâm đến các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến sự tăng cường của các hoạt động giao dịch không công bằng và không minh bạch trên thị trường chứng khoán.
- Tăng nguy cơ rủi ro: Đầu cơ thường đi kèm với mức độ rủi ro cao hơn, có thể gây ra biến động không cần thiết và khó dự đoán trên thị trường. Việc tăng cường hoạt động đầu cơ có thể làm gia tăng nguy cơ không ổn định và thậm chí làm suy yếu sự tin tưởng của các nhà đầu tư.
- Tạo ra các bong bóng tài chính: Hoạt động đầu cơ có thể gây ra các bong bóng tài chính, khi giá trị tài sản tăng quá nhanh và không có căn cứ thực tế. Khi các bong bóng này vỡ, có thể xảy ra sự sụp đổ kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến cả thị trường và nền kinh tế.
Đầu cơ khác đầu tư như thế nào?
Đầu tư và đầu cơ chứng khoán có những điểm tương đồng và khác nhau. Trong nhiều trường hợp, sự phân biệt giữa đầu tư và đầu cơ chứng khoán không rõ ràng, dẫn đến hiểu lầm. Dưới đây là so sánh sự khác nhau giữa đầu tư và đầu cơ mà bạn cần hiểu rõ:
Tiêu chí | Đầu cơ | Đầu tư |
Mục đích | Muốn tạo ra lợi nhuận lớn trong một thời gian ngắn | Muốn lợi nhuận ổn định và bền vững trong một thời gian dài |
Thời gian | Nhà đầu cơ nắm giữ tài sản hoặc hàng hoá trong một thời gian ngắn | Nhà đầu tư nắm giữ tài sản hoặc hàng hoá trong một thời gian dài (>1 năm) |
Vấn đề quan tâm | Biến động của thị giá của cổ phiếu | Quan tâm đến giá trị thực sự của tài sản |
Rủi ro | Đây là hoạt động đen lại rủi ro cao và thích hợp với những người ưa thích mạo hiểm | Rủi ro thấp hơn đầu cơ và phù hợp với những người ưa cẩn trọng, chắc chắn |
Tâm lý | Nhà đầu cơ có khả năng nắm bắt tâm lý đám đông lẫn tin tức thị trường | Nhà đầu tư thường tập trung vào đầu tư bền lâu nên sẽ có tâm lý thận trọng, kiên nhẫn |
Lợi nhuận | Khó dự đoán bởi có thể siêu lãi hoặc siêu lỗ | Có thể dự đoán được biến động trong kiểm soát |
Ví dụ | Cổ phiếu A đang có mức 10.000đ/cổ phiếu. Các đối tượng đầu cơ sẽ nắm bắt tình hình thị trường lúc đó để dự đoán giá cổ phiếu A và mua một số lượng lớn cổ phiếu, cuối cùng là bán ra và ăn chênh lệch lợi nhuận từ cổ phiếu A. | Cổ phiếu A hiện đang được giao dịch trên thị trường với giá 10.000đ/cổ phiếu. Nhà đầu tư sẽ tiến hành dự đoán dựa trên đánh giá tiềm năng tăng giá của cổ phiếu A từ doanh nghiệp. Nhờ đó, nhà đầu tư quyết định mua cổ phiếu A với hy vọng rằng trong tương lai dài hạn, giá cổ phiếu A sẽ tăng lên. |
Các quy định hiện nay về tội đầu cơ
Yếu tố cấu thành
Yếu tố cấu thành tội đầu cơ chứng khoán được chi tiết quy định trong Điều 196 của Luật Hình sự 2015. Trong lĩnh vực chứng khoán, tội đầu cơ sẽ được cấu thành khi có các điều kiện sau:
- Lợi dụng tình trạng khan hiếm hoặc tạo tình trạng khan hiếm giả để đẩy giá chứng khoán và thu lợi bất chính. Số lượng hàng hóa (cổ phiếu/trái phiếu) phải đủ lớn để đáp ứng tiêu chí cấu thành tội. Gây ra hậu quả nghiêm trọng là một dấu hiệu cấu thành tội cơ bản. Mức độ hậu quả có thể được thể hiện qua các tác động như rối loạn thị trường, đẩy giá tăng vọt vượt quá khả năng kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán và ảnh hưởng đến uy tín của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
- Hành vi tác động tới hoạt động quản lý và gây ảnh hưởng tiêu cực cho trường chứng khoán và các chính sách kinh tế – xã hội.
- Đối tượng phạm tội thực hiện hành vi cố ý. Việc mua bán chứng khoán với mục đích cố tình đẩy giá và thu lợi bất chính sẽ cấu thành tội. Tuy nhiên, trong trường hợp mua vào số lượng lớn nhưng không có ý định thu lợi bất chính, thì không sẽ không bị cấu thành tội.
- Chủ thể của tội đầu cơ có thể là cá nhân hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân và năng lực trách nhiệm hình sự.
Mức phạt
Luật Hình sự năm 2015 quy định mức phạt cho tội đầu cơ theo ba khung:
- Khung 1: Mức phạt từ 30 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, áp dụng cho các hành vi đầu cơ gây thiệt hại giá trị như sau: giá trị hàng hóa từ 500 triệu đến 1.5 tỷ đồng và thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng.
- Khung 2: Mức phạt tiền từ 300 triệu đến 1.5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 đến 7 năm, áp dụng cho các hành vi sau: đầu cơ có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan/tổ chức để đầu cơ; giá trị hàng hóa đầu cơ từ 1.5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng và thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; hay hành vi đầu cơ chứng khoán ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
- Khung 3: Mức phạt tiền từ 1.5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 đến 15 năm, áp dụng cho các hành vi sau: giá trị hàng hóa đầu cơ từ 3 tỷ đồng trở lên và thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
- Ngoài ra, tùy theo mức độ và trường hợp cụ thể, có thể áp dụng hình phạt bổ sung theo Khoản 4, trong đó mức phạt có thể từ 20 triệu đến 200 triệu đồng và bị cấm đảm nhiệm chức vụ.
Nhìn chung, đầu cơ chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng nó cũng đi kèm với rủi ro cao. Việc dựa vào thông tin không chính xác và tạo nhu cầu nhân tạo có thể tạo ra sự không ổn định và biến động trên thị trường chứng khoán. Do đó, khi tham gia đầu cơ chứng khoán, cần có sự nắm vững về kiến thức và tìm hiểu kỹ về rủi ro liên quan để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư. Nội dung chia sẻ có thể đã cũ do yếu tố thời gian. Vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.
VNSC by Finhay – Tích lũy và đầu tư từ đây
Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006