VPBank là một trong số ngân hàng phát hành và nắm giữ trái phiếu nhiều nhất 2021 và 2022. Điều này cho thấy rất nhiều nhà đầu tư đã đổ số vốn lớn vào trái phiếu VPBank. Vậy có nên đầu tư trái phiếu của ngân hàng VPBank năm 2023 không? Cùng Chứng khoán VINA tìm hiểu thông tin về sản phẩm trái phiếu này trong bài viết dưới đây.
Khái quát về Ngân hàng VPBank
VPBank là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng, một trong những ngân hàng lớn của Việt Nam. Kể từ khi thành lập và hoạt động vào năm 1993 cho tới nay, VPBank không ngừng phát triển và lớn mạnh. Hiện tại, VPBank có 1 tòa nhà Hội sở, hơn 200 điểm giao dịch và hơn 7000 cán bộ nhân viên đang làm việc tại Ngân hàng.
VPBank đã đạt được nhiều thành tựu và giải thưởng nổi bật như Thương hiệu ngân hàng giá trị nhất Việt Nam, Nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam, Nơi làm việc tốt nhất Châu Á… Ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ thông tiên tiến để mang tới các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Thông tin về trái phiếu VPBank
Trái phiếu VPBank là trái phiếu do Ngân hàng VPBank phát hành nhằm huy động vốn cho các hoạt động của mình. Trong giai đoạn 2021 – 2022, VPBank là ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều nhất, có giá trị lớn nhất.
Hiện trạng trái phiếu VPBank
Tổng giá trị phát hành trái phiếu VPBank năm 2021 là 22.700 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), chia thành 30 đợt phát hành. Những lô trái phiếu này có kỳ hạn từ 2 – 4 năm, tức sẽ đáo hạn trong 2023 và 2024 tới đây.
Bước sang 2022, do thị trường trái phiếu được “siết chặt”, VPBank phát hành trái phiếu ít hơn, chỉ có 2 đợt với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng. Dịch vụ tư vấn trái phiếu của ngân hàng này cũng vô cùng sôi động, tập trung vào một số trái phiếu doanh nghiệp như Kita, Hải Phát, Becamex TDC, Becamex, Broadway, Jupiter…
Cũng trong năm 2022, nhiều sai phạm trong việc phát hành và sử dụng vốn từ trái phiếu được phát hiện, điển hình là vụ việc của Tân Hoàng Minh. Nhiều ngân hàng thực hiện giảm số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ. Tuy nhiên, VPBank vẫn tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với 2021.
Cuối năm 2022, VPBank đã thực hiện mua trước hạn một số lô trái phiếu vào các ngày 15/12, 16/12, 20/12, 21/12 và 22/12. Những lô trái phiếu này được phát hành vào tháng 12/2021 với thời hạn 3 năm. Tổng giá trị trái phiếu mua vào là 7.970 tỷ đồng. Số lượng trái phiếu mà VPBank nắm giữ giảm còn 21.600 tỷ đồng, vẫn tăng 3.000 tỷ đồng so với 2021.
Lãi suất trái phiếu VPBank
Do giá trị nắm giữ lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro tín dụng dẫn tới thanh toán chậm cả gốc và lãi. Thực tế, VPBank đã gặp vấn đề về dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền ngắn hạn vào cuối 2022. Điều này thể hiện ở việc tăng lãi suất trái phiếu bất thường và các quyết định thu hồi trước hạn.
Ngày 14/10/2022, lãi suất trái phiếu 1 tháng của nhóm Kita và Broadway là 5,8%. Chỉ 5 ngày sau tức ngày 19/10/2022, lãi suất này đã nhảy vọt lên 7,5%. Các mức lãi suất 2 tháng, 3 – 5 tháng cũng tăng lên 1,2%. Tương tự, lãi suất 1 và 2 tháng của nhóm trái phiếu của Becamex, Becamex TDC, Wincommerce, Hải Phát, Downtown cũng tăng thêm 1%.
Tính lãi suất trái phiếu VPBank như thế nào?
VPBank thực hiện tính lãi suất tròn hạn thanh toán và không tròn hạn thanh toán đối với trái phiếu. Từ đó có 2 cách tính lãi suất khác nhau.
Cách 1: Tính lãi suất trái phiếu tròn hạn thanh toán
Trường hợp, bạn nắm giữ trái phiếu đủ tròn 1 năm, 2 năm…, tiền lãi sẽ được tính như sau:
Tiền lãi = Mệnh giá x Lãi suất niêm yết
Ví dụ: Bạn nắm giữ lô trái phiếu 1 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm. Tiền lãi nhận được trong lần tính lãi tròn 1 năm đầu tiên là: 1 tỷ x 7% = 0,07 tỷ = 70 triệu đồng. Tổng số tiền lãi sau 2 năm đáo hạn là 70 x 2 = 140 triệu đồng.
Cách 2: Tính lãi suất trái phiếu không tròn kỳ hạn thanh toán
Trường hợp này, trái chủ không nắm giữ trái phiếu đến các mốc tròn hạn thanh toán như 2 tháng, 3 tháng, 1 năm… khi mua đi bán lại trên thị trường hoặc ngân hàng mua lại trước khi đáo hạn. Số tiền lãi được tính như sau:
Tiền lãi = Mệnh giá trái phiếu x Lãi suất trái phiếu niêm yết x (số ngày nắm giữ/ 365)
Ví dụ: Giả sử bạn nắm giữ lô trái phiếu VPBank trị giá 1 tỷ phát hành ngày 15/7/2022 với lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 2 năm. Đến ngày 15/12/2022, VPBank mua lại trái phiếu, tiền lãi bạn nhận được là:
1 tỷ x 7% x (153/365) = 0,029 tỷ đồng = 29 triệu đồng
Cách mua trái phiếu Ngân hàng VPBank qua App VPBank NEO
Nhà đầu tư có thể dễ dàng mua trái phiếu VPBank qua App VPBank NEO. Trước tiên, bạn cần đăng ký Dịch vụ Chi hộ tự động theo 3 bước sau:
- Bước 1: Đăng nhập App > Chọn Dịch vụ tư vấn đầu tư > Chọn Trái phiếu.
- Bước 2: Tiếp tục chọn “Đăng ký chi hộ tự động” > Nhập mã khách hàng của bạn tại VPBank Securities (Nếu bạn chưa có tài khoản tại VPBank Securities hãy liên hệ Chăm sóc khách hàng hoặc đến địa chỉ VPBank gần nhất để đăng ký).
- Bước 3: Nhập mã OTP và hoàn tất đăng ký.
Sau khi đăng ký Dịch vụ Chi hộ thành công, nhà đầu tư có thể thực hiện mua trái phiếu qua App VPBank NEO như sau:
- Bước 1: Bạn đăng nhập App > Chọn Dịch vụ tư vấn đầu tư > Chọn Trái phiếu > Chọn Chi tiết Thông tin trái phiếu.
- Bước 2: Chọn Tiếp tục > Chọn Đồng ý để xác nhận chuyển sang hệ thống của Công ty Chứng khoán.
- Bước 3: Bạn đăng nhập bằng mật khẩu do Công ty Chứng khoán cung cấp.
- Bước 4: Chọn Đầu tư mới > Chọn loại trái phiếu muốn mua.
- Bước 5: Chọn Tiếp tục để ký hợp đồng > Nhập giá trị và thời gian đầu tư.
- Bước 6: Kiểm tra và xác nhận thông tin Lệnh mua (giới hạn giao dịch 1 ngày là 10 tỷ đồng).
- Bước 7: Xác thực bằng mật khẩu > Kiểm tra hợp đồng giao dịch được gửi qua Email đã đăng ký với VPBank Securities > Chọn Thoát.
Có nên mua trái phiếu VPBank không?
Nhiều nhà đầu tư, nhất là nhóm nhà đầu tư cá nhân thường lựa chọn trái phiếu theo lãi suất. Tuy nhiên, cách này tiềm ẩn rủi ro vì lãi suất trái phiếu cao có thể doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính. Do vậy, ngoài lãi suất, để ra quyết định có nên mua trái phiếu VPBank hay không, nhà đầu tư cần cân nhắc một số yếu tố chính sau:
- Uy tín doanh nghiệp: VPBank đã hoạt động được 30 năm, là một trong những ngân hàng lớn và đang trên đà phát triển lớn mạnh tại Việt Nam. Đồng thời, VPBank được công bố là Tổ chức phát hành trái phiếu nước ngoài tốt nhất Châu Á bởi Tạp chí Asset, là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam phát hành thành công trái phiếu bằng USD. Nhà đầu tư có thể yên tâm về uy tín của doanh nghiệp.
- Kết quả hoạt động VPBank 2022: Lợi nhuận đạt 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7% so với 2021, nằm trong top 5 ngân hàng lãi cao nhất. Tổng tài sản đạt 631.074 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
- Tiềm năng phát triển: Nhà nước ban hành nhiều quy định mới, giúp nâng cao tính minh bạch và an toàn cho thị trường trái phiếu. Đây là cơ hội để trái phiếu nói chung và trái phiếu VPBank phát triển. Thị trường trái phiếu sẽ phục hồi từ cuối 2023 đến hết 2024, mở ra chu kỳ phát triển mới vào năm 2025. Nhà đầu tư có thể giảm phát lo ngại thị trường trái phiếu đi xuống như nửa cuối 2022.
- Thách thức: Nhiều lô trái phiếu VPBank sẽ đáo hạn vào nửa cuối 2023 và 2024, tạo áp lực tài chính lớn cho ngân hàng. Lạm phát còn tăng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi mua trái phiếu, giá trái phiếu có thể biến động.
Có thể thấy, năm 2022 với nhiều biến động bất ngờ nhưng VPBank vẫn hoạt động hiệu quả và lọt top ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong ngành. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, với tiềm lực tài chính lớn mạnh, chiến lược kinh doanh hiệu quả, đây vẫn là loại trái phiếu doanh nghiệp đáng cân nhắc đầu tư.
Trên đây là những thông tin về trái phiếu VPBank nhà đầu tư cần lưu ý. Với nhiều ưu điểm nổi bật, trái phiếu do ngân hàng VPBank phát hành là lựa chọn bạn nên tham khảo, lựa chọn để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Chứng khoán VINA hy vọng những thông tin này có thể giúp nhà đầu tư lựa chọn và đưa ra quyết định đầu tư trái phiếu hiệu quả trong tương lai.