Thực trạng bảo lãnh phát hành chứng khoán ở Việt Nam là một yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm. Vận dụng kiến thức về bảo lãnh phát hành chứng khoán sẽ hỗ trợ bạn trong việc tìm kiếm cơ hội và ra quyết định đầu tư tốt hơn. Trong bài viết này, hãy cùng VNSC tìm hiểu cụ thể về thực trạng bảo lãnh phát hành chứng khoán ở Việt Nam hiện nay cũng như các quy định hiện hành.
Bảo lãnh phát hành chứng khoán là gì?
Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc một tổ chức bảo lãnh giúp tổ chức phát hành chứng khoán thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán ra thị trường cũng như, tổ chức việc phân phối và giúp bình ổn giá chứng khoán.
Bảo lãnh cho hoạt động phát hành chứng khoán không chỉ là nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng/các ngân hàng thương mại nữa, mà còn là nghiệp vụ của các tổ chức được phép hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành chứng khoán của mình; nghiệp vụ của chủ sở hữu chứng khoán phát hành và phân phối chúng.
Hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán có khả năng đem lại rất nhiều lợi ích đối với bản thân ngân hàng trong tư cách là người bảo lãnh – doanh nghiệp phát hành chứng khoán có thể bán ra các cổ phiếu hiệu quả – nhà đầu tư có nhu cầu trên thị trường, … Tuy nhiên, tại Việt Nam nghiệp vụ này chưa thật sự phổ biến do nhu cầu bảo lãnh của doanh nghiệp chưa nhiều, bản thân các ngân hàng cũng còn dè dặt đối với nghiệp vụ này.
Rủi ro trong bảo lãnh phát hành chứng khoán ở Việt Nam
Như đã nói ở trên, để có thể thực hiện được nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán thì bản thân các ngân hàng thương mại phải là các ngân hàng có hoạt động kinh doanh mạnh, có uy tín trên thị trường. Đây là điều kiện tiên quyết để các ngân hàng có thể đứng ra đảm nhận nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán. Việc này tồn tại khá nhiều yếu tố rủi ro mỗi khi cổ phiếu phát hành ra thị trường nhưng không có người mua.
Một số rủi ro nổi bật trong việc bảo lãnh phát hành chứng khoán tại Việt Nam:
- Rủi ro về giá: Rủi ro này xảy ra khi cổ phiếu được bảo lãnh phát hành có chiều hướng suy giảm ngay khi phát hành ra thị trường. Nguyên nhân có thể là do: Các đánh giá công ty phát hành cổ phiếu không chính xác làm định giá cao hơn so với giá trị thực, hoặc do ảnh hưởng từ thị trường chung/ xu hướng đầu tư thay đổi.
- Rủi ro về pháp lý: Rủi ro khi tổ chức phát hành rơi vào những tranh chấp, kiện tụng với đối tác – là những doanh nghiệp trong quá trình đang giao dịch. Nguyên nhân là do công ty bảo lãnh đã không tuân thủ quy định của pháp luật và không dung hòa được quyền lợi với đối tác.
- Rủi ro về vốn: Để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán thì đơn vị phát hành cần nguồn lực tài chính lớn và dài hơi. Nếu thị trường chứng khoán có nhu cầu cổ phiếu/ trái phiếu thấp, doanh nghiệp sẽ khó thu hồi vốn gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh khác.
- Rủi ro về tính thanh khoản: Nếu sau khi thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán nhưng nhu cầu của thị trường không cao, tính thanh khoản thấp thì bên bảo lãnh sẽ bị ảnh hưởng do chịu ràng buộc một số điều khoản về việc cam kết bán một phần/ toàn bộ chứng khoán ra thị trường.
- Rủi ro về lãi suất: Các biến động từ thị trường kinh tế khiến lãi suất ngân hàng tăng. Điều này bất lợi nếu tổ chức đang thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, lợi nhuận doanh nghiệp thu được có thể thấp hơn so với số vốn bỏ ra.
Quy định về bảo lãnh phát hành chứng khoán ở Việt Nam
Hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán được quy định cụ thể và nghiêm khắc trong luật pháp của Việt Nam nhằm đảm bảo tính minh bạch và ổn định của thị trường.
Đối với tổ chức doanh nghiệp bảo lãnh phát hành chứng khoán: Để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đơn vị bảo lãnh phải được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận hoạt động. Tại điều 72, Luật chứng khoán năm 2019, đơn vị bảo lãnh cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Yêu cầu về vốn: Doanh nghiệp thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán có vốn điều lệ là 165 tỷ đồng, nghiệp vụ môi giới chứng khoán 25 tỷ đồng và nghiệp vụ tự doanh chứng khoán 50 tỷ đồng. Công ty chỉ được cấp phép bảo lãnh phát hành khi có giấy phép hoạt động tự doanh và môi giới chứng khoán. Yêu cầu doanh nghiệp cần thực hiện xin giấy phép theo thứ tự (môi giới chứng khoán – tự doanh chứng khoán – bảo lãnh phát hành chứng khoán).
- Yêu cầu về thành viên góp vốn, cổ đông: Bao gồm các cá nhân, tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp, có lãi 2 năm liên tiếp liền kề trước đó.
- Yêu cầu về cơ cấu cổ đông, thanh viên góp vốn: Có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập là tổ chức với tỷ lệ góp vốn tối thiểu 65% vốn điều lệ. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc ngân hàng thương mại sở hữu tối thiểu 30% vốn điều lệ.
- Yêu cầu về cơ sở vật chất: Tổ chức thực hiện phát hành chứng khoán cần có trụ sở địa chỉ rõ ràng, đầy đủ cơ sở vật chất để đảm bảo việc thực hiện nghiệp vụ.
Tổ chức bảo lãnh phát hành phải đáp ứng các tiêu chí an toàn tài chính theo quy định pháp luật.
- Đơn vị bảo lãnh phát hành không có mối liên hệ nào với doanh nghiệp phát hành chứng khoán. Yêu cầu này nhằm đảm bảo hoạt động của thị trường chứng khoán diễn ra công bằng, minh bạch, tránh sự liên kết lợi ích để chuộc lợi từ thị trường và từ nhà đầu tư.
- Đơn vị bảo lãnh thực hiện sẽ cam kết mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành tùy theo loại hình bảo lãnh. Giá trị chứng khoán được bảo lãnh phát hành không được phép lớn hơn vốn chủ sở hữu và không được vượt quá hiệu số 15 lần giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn (dựa trên báo cáo tài chính của quý gần nhất).
Thực trạng bảo lãnh phát hành chứng khoán ở Việt Nam
Thông qua hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, các doanh nghiệp có thể huy động vốn và dẫn vốn cho nền kinh tế, tuy nhiên tại Việt Nam, thực trạng bảo lãnh phát hành chứng khoán ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế:
- Thị trường bảo lãnh còn khá ảm đạm: Xu hướng thị trường chứng khoán với nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lớn: Bất động sản, hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng, …. Các mảng bảo lãnh chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp lớn như Công ty chứng khoán Vietcombank, Công ty chứng khoán Techcombank, …
- IPO đóng vai trò quan trọng: Để có thể huy động được nguồn vốn cho mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc thực hiện phát hành riêng lẻ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn là thực hiện IPO (phát hành lần đầu ra công chúng), đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu muốn IPO, doanh nghiệp phải có một sự chuẩn bị nhất định trong thời gian dài vì sự khắt khe của thị trường chứng khoán hiện tại.
- Lượng vốn huy động thấp: Thực tế mỗi năm thị trường chứng khoán chỉ huy động được vài chục nghìn tỷ đồng, còn số vốn thực mà doanh nghiệp huy động từ thị trường chứng khoán thấp hơn so với nguồn vốn vay ngân hàng.
- Phí bảo lãnh thấp: Thông thường ở các thị trường phát triển, mức phí bảo lãnh phát hành sẽ chiếm từ 2-7% trên tổng giá trị vốn huy động. Trong khi đó tại Việt Nam theo thống kê số tiền phí mà công ty chứng khoán thực hiện bảo lãnh phát hành có giá trị khá thấp, nhỏ hơn nhiều so với mức tối thiểu 2%. Với quy mô phát hành cổ phần mỗi năm năm vào khoảng vài chục ngàn tỉ đồng trong khi số tiền phí bảo lãnh phát hành chỉ vào khoảng một trăm tỉ đồng là quá thấp. Điều này khiến các doanh nghiệp không quá mặn mà với nghiệp vụ bảo lãnh so với hoạt động môi giới hay tự doanh chứng khoán.
- Nhiều rủi ro: Hoạt động bảo lãnh phát hành sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro như: Công ty phát hành hoạt động không hiệu quả, biến động của thị trường chung khiến việc phát hành không thành công, giá cổ phiếu suy giảm,…
Hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, thực trạng bảo lãnh phát hành chứng khoán ở Việt Nam hiện nay chưa thật sự sôi động và còn gặp nhiều khó khăn. Là một nhà đầu tư, việc cập nhật thêm nhiều thông tin về thị trường sẽ giúp bạn vận dụng và quá trình ra quyết định đầu tư. Đừng quên theo dõi các bài đọc thú vị khác về đầu tư tài chính tại VNSC bạn nhé!