Để được giao dịch trên sàn chứng khoán, các công ty cần đạt đủ những tiêu chuẩn cụ thể để xét duyệt, trải qua một đợt IPO. Tuy nhiên IPO là gì và tại sao các doanh nghiệp cần phải phấn đấu để thực hiện IPO? Cùng VNSC tìm hiểu về thuật ngữ này nhé!
IPO là gì?
IPO là thuật ngữ chỉ việc phát hành ra công chúng lần đầu, tức hoạt động phát hành cổ phiếu và lên sàn chứng khoán lần đầu tiên đối với các công ty cổ phần.
Các công ty thực hiện IPO sẽ thuê một tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán như ngân hàng đầu tư, các công ty chứng khoán thực hiện các hoạt động như định giá cổ phiếu IPO hay thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán của mình. IPO sẽ cho doanh nghiệp một cơ hội để huy động nguồn vốn lớn thông qua việc phát hành chứng khoán qua thị trường sơ cấp.
Mục đích thực hiện IPO của doanh nghiệp là gì?
Như đã hiểu về khái niệm, IPO chỉ những lần phát hành chứng khoán của doanh nghiệp ra công chúng lần đầu. Vậy thì mục đích và lợi ích mà IPO sẽ mang lợi cho doanh nghiệp là gì?
- Huy động vốn
Mục đích lớn nhất của IPO là để các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ công chúng. Bên cạnh số vốn đến từ các cổ đông lớn, IPO sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn gấp nhiều lần từ công chúng. Một điểm đáng chú ý là số vốn này sẽ được coi như vốn chủ sở hữu, từ đó giảm đi áp lực thanh toán các khoản nợ, lãi vay cho doanh nghiệp
- Nâng cao hiệu quả hoạt động
Khi là một công ty IPO, doanh nghiệp sẽ hoạt động trên sàn giao dịch chứng khoán vì thế mọi thông tin và các báo cáo tài chính cần phải được minh bạch và rõ ràng. Do đó, doanh nghiệp bắt buộc phải nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sản xuất để tăng trưởng lợi nhuận.
Ngoài ra trước khi tiến hành IPO, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo được các quy định nghiêm ngặt về năng lực tài chính cũng như là kết quả hoạt động doanh nghiệp phải luôn có lãi và đến thời điểm đề nghị IPO doanh nghiệp không bị lỗ. Vì thế việc thực hiện IPO sẽ là động lực để công ty vừa nâng cao hiệu quả hoạt động và vừa đạt mục tiêu IPO của mình.
- Tăng giá trị tài sản
Khi thực hiện IPO thành công, giá trị doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể, những giá trị này không chỉ dựa trên sổ sách như thông thường mà còn dựa vào giá trên thị trường chứng khoán. Sau khi IPO, doanh nghiệp sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là cơ hội lớn nếu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, nguồn vốn lớn từ công chúng có thể đổ vào doanh nghiệp, qua đó giúp gia tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp.
- Xây dựng thương hiệu
Thương hiệu là một dấu hiệu nhận biết một doanh nghiệp đối với công chúng nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh sau này. Việc thực hiện IPO sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, xây dựng uy tín cũng như chất lượng trên sàn giao dịch chứng khoán với các công ty cùng ngành trên thị trường. Từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh, tăng cường nhận diện thương hiệu và tăng doanh thu lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Nền tảng mua bán sáp nhập
Một mục tiêu sâu xa cho việc thực hiện IPO thì đây cũng là đòn bẩy để doanh nghiệp có thể thực hiện các vụ thâu tóm, sáp nhập sau này. Những công ty sau IPO khi đã có vị thế đủ lớn thì họ sẽ có cơ hội mua lại các công ty hoạt động không hiệu quả để từ đó gia tăng vị thế cho toàn bộ công ty mẹ.
Điều kiện để doanh nghiệp tiến hành IPO
Theo Luật Chứng khoán Việt Nam, để được niêm yết trên sàn chứng khoán thì công ty phải đảm bảo điều kiện như sau:
- Tính từ thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu trên thị trường, số vốn điều lệ mà công ty cần phải có dựa trên giá trị sổ sách tối thiểu là 10 tỷ đồng
- Hoạt động của những năm trước khi đăng ký IPO phải có lãi và đến năm đăng ký IPO phải không được lỗ
- Các phương án phát hành và sử dụng vốn từ IPO phải được Đại hội đồng Cổ đông thông qua
- Tối thiểu 100 nhà đầu tư (không phải cổ đông lớn) sở hữu ít nhất 15% lượng cổ phiếu biểu quyết của doanh nghiệp.
- Trước khi tiến hành IPO, cổ đông lớn phải cam kết giữ tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành trong ít nhất 1 năm kể từ ngày cuối cùng chào bán
- Cần có công ty chứng khoán tư vấn về phát hành cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán
- Cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
Quy trình thực hiện IPO
Hiện nay trong Luật chứng khoán năm 2019 đã ghi rõ về các yêu cầu liên quan đến quy trình thực hiện IPO, trong đó có cần điều luật siết chặt để loại bỏ những doanh nghiệp nhỏ chưa đủ điều kiện để tham gia IPO. Nhìn chung, về quy định được ghi trong Luật chứng khoán năm 2019 thì quy trình thực hiện IPO có thể được kể đến như sau:
Bước 1: Đầu tiên, tổ chức cần phải lấy ý kiến đóng góp từ đại hội đồng cổ đông về việc phát hành cổ phiếu ra chúng. Nội dung cụ thể cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu cần liệt kê rõ và chính xác những ý như: mục đích huy động vốn, số lượng vốn huy động, số lượng cổ phiếu được phát hành, đối tượng mà tổ chức muốn huy động vốn.
Bước 2: Sau khi tổ chức đã thống nhất ý kiến của Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề liên quan đến IPO, tổ chức phát hành sẽ lập hồ sơ và gửi đến Ủy ban chứng khoán nhà nước. Hồ sơ chuẩn bị sẽ theo như khoản 1 điều 16 luật chứng khoán 2019 như sau:
- Các giấy tờ liên quan đến hoạt động của công ty: Điều lệ, báo cáo tài chính trong 2 năm gần nhất của tổ chức phát hành
- Giấy tờ liên quan về nội bộ doanh nghiệp về IPO như: Quyết định của Hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị về những vấn đề liên quan đến IPO, Bản cáo bạch của doanh nghiệp, Giấy đăng ký chào bán …
- Các bản hồ sơ thông tin giữa doanh nghiệp và đơn vị chịu trách nhiệm bảo lãnh phát hành chứng khoán (nếu có): Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, Cam kết bảo lãnh phát hành cổ phiếu ra công chúng…
Về chi tiết, bạn có thể tham khảo thêm tại khoản 1 Điều 16 Luật chứng khoán năm 2019.
Bước 3: Hồ sơ tổ chức phát hành chuẩn bị sẽ được gửi lên Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp nhận và xem xét hồ sơ
Bước 4: Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho tổ chức phát hành trong 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.
Bước 5: Khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trong thời gian 7 ngày làm việc, tổ chức phát hành phải công bố bản thông báo phát hành trên báo điện tử hoặc báo giấy trong 3 số liên tiếp.
Yếu tố để thực hiện IPO thành công?
Một trong những yếu tố quan trọng để giúp các doanh nghiệp thực hiện thương vụ IPO thành công chính là việc lựa chọn các tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Bảo lãnh phát hành chứng khoán là một trong những nghiệp vụ chính của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán, bên cạnh các nghiệp vụ chính như môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán hay tự doanh chứng khoán.
Đối với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, tổ chức bảo lãnh sẽ cam kết với tổ chức phát hành sẽ thực hiện các thủ tục trước khi phát hành chứng khoán như nhận mua một phần, hoặc toàn bộ số chứng khoán được phát hành để bán lại hay hỗ trợ phân phối số lượng chứng khoán đến với công chúng.
Mục đích chính của bảo lãnh phát hành chứng khoán là đảm bảo thương vụ phát hành của doanh nghiệp thành công, giảm khả năng thất bại vì định giá không thành công (xảy ra khi doanh nghiệp muốn giá cao hơn trong khi, nhà đầu tư thường dè dặt vì muốn giá thấp hơn thị trường để lời nhiều hơn), ngoài ra khi lựa chọn các tổ chức bảo lãnh phát hành có danh tiếng, thì công ty sẽ càng tăng thêm uy tín và thu hút thêm các nhà đầu tư.
Trên đây là những thông tin quan trọng về IPO mà những nhà đầu tư có thể nên biết. Khi hiểu được IPO là gì, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định sử dụng số tiền của mình một cách hiệu quả. Mong rằng các đọc giả đã có một kiến thức mới về thị trường chứng khoán và đừng bỏ lỡ những bài viết tiếp theo về tài chính của VNSC nhé!
Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư. Nội dung chia sẻ có thể đã cũ do yếu tố thời gian. Vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.
VNSC by Finhay – Tích lũy và đầu tư từ đây
Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006