Những thông tin theo chính sách mới nhất liên quan đến quy định về quỹ đầu tư chứng khoán (QĐTCK) sẽ giúp bạn có hiểu biết rõ ràng hơn về hình thức này. Cùng tham khảo ngay về chủ thể QĐTCK, hoạt động hay cách thức quản trị quỹ trong bài viết sau đây.
Các văn bản pháp luật quy định về quỹ đầu tư
Bất kể quỹ đầu tư nào cũng được thành lập, hoạt động và giám sát theo đúng quy định của pháp luật tại nước sở tại, ở đây là Việt Nam. Hiện có nhiều văn bản luật có hiệu lực liên quan đến quy định về quỹ đầu tư chứng khoán. Tùy theo tình hình kinh tế xã hội mà luật sẽ được sửa đổi, bổ sung qua nhiều năm.
Nội dung chi tiết các văn bản pháp luật về quỹ đầu tư bạn có thể tham khảo trực tiếp tại cổng thông tin của UBCKNN. Tên một số văn bản nổi bật gồm:
– Văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật 54 năm 2019 quy định về thị trường chứng khoán (trước đó là Luật 70 năm 2016).
Những nghị định hướng dẫn thi hành luật do Chính phủ ban hành:
- Nghị định 153 vào năm 2020: Quy định thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở trong nước và tại nước ngoài.
- Nghị định 155 vào năm 2020: Hướng dẫn thi hành chi tiết một vài điều khoản trong Luật Chứng Khoán.
- Nghị định 156 vào năm 2020: Nêu mức xử phạt các lỗi vi phạm hành chính với những hoạt động chứng khoán, thị trường chứng khoán.
- Nghị định 158 vào năm 2020: Quy định liên quan đến chứng khoán phái sinh và hoạt động của thị trường CK phái sinh.
Những thông tư hướng dẫn thi hành Luật và nghị định do Bộ tài chính ban hành:
- Thông tư 99 năm 2020: Hướng dẫn liên quan đến hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.
- Thông tư 98 năm 2020: Hướng dẫn liên quan đến hoạt động và quản lý QĐTCK.
- Thông tư 96 năm 2020: Hướng dẫn chi tiết về công bố thông tin trên thị trường CK.
- Thông tư 121 năm 2020: Quy định liên quan hoạt động của công ty CK.
Những chủ thể theo quy định của quỹ đầu tư chứng khoán
Nhà đầu tư (NĐT)
Theo khoản 16 điều 4 của Luật chứng khoán 2019 nêu rõ nhà đầu tư là tổ chức hoặc cá nhân tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư chuyên nghiệp cần có năng lực tài chính hoặc trình độ chuyên môn về chứng khoán. Họ mua chứng chỉ quỹ hoặc cổ phần quỹ để góp vốn vào QĐTCK và hưởng những quyền lợi liên quan.
Các quỹ đầu tư uy tín luôn có chính sách và quy định rõ ràng, minh bạch cho các nhà đầu tư tham khảo đầy đủ. NĐT được chia cổ tức, thu nhập khác từ hoạt động đầu tư của quỹ theo tỷ lệ vốn hoặc theo thỏa thuận với công ty quản lý quỹ.
Quỹ đầu tư chứng khoán (QĐTCK)
QĐTCK hình thành bởi sự góp vốn của các nhà đầu tư với mục tiêu chính là kiếm lợi nhuận thông qua chứng khoán hay những dạng tài sản khác, bao gồm cả bất động sản. NĐT sẽ không có quyền tham gia kiểm soát trực tiếp mà mọi hoạt động sẽ được lên chiến lược bởi các chuyên gia của công ty quản lý. Khi bạn tham gia vào quỹ sẽ nhận được chứng chỉ quỹ do công ty quản lý quỹ phát hành, có giá trị xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT.
Công ty quản lý quỹ (CTQLQ)
Theo khoản 2 điều 71 của Luật chứng khoán 2019 thì công ty quản lý quỹ được tổ chức theo hình thức công ty TNHH hoặc công ty CP theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Nhưng hình thức chủ yếu là công ty cổ phần vì dễ dàng huy động vốn đa dạng và nhanh chóng hơn.
Công ty quản lý quỹ đầu tư là bên có trách nhiệm quản lý các danh mục đầu tư của quỹ đã được công bố trước. Là bên đóng vai trò trung gian và trung tâm của quỹ đầu tư, việc mua bán của quỹ vẫn phải thông qua công ty chứng khoán. CTQLQ phát hành Điều lệ quỹ, quyết định và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và phát hành bổ sung chứng chỉ quỹ ra thị trường.
Các chủ thể khác
– Chuyên gia hoặc nhà tư vấn đầu tư: Họ là người lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp với mục tiêu của quỹ, nghiên cứu và phân tích tài chính, dự đoán xu hướng và chọn thời điểm đầu tư thích hợp. Nếu được ủy thác họ cũng là người chuyển lệnh giao dịch chứng khoán tới sở giao dịch CK. Thanh toán của chuyên gia dựa trên % giá trị tài sản ròng bình quân của quỹ trong một năm hoặc dựa theo số tiền tư vấn.
– Nhà bảo lãnh phát hành: Là chủ thể thực hiện phát hành cổ phiếu của quỹ dựa trên cơ sở huy động nguồn vốn tối đa cho quỹ đầu tư theo những điều kiện thuận lợi nhất. Quy định trong hợp đồng ghi rõ về phương pháp, phí bảo lãnh, trách nhiệm thực hiện và quyền lợi liên quan. Theo đó, phí bảo lãnh sẽ cao nhất trong đợt phát hành đầu tiên bởi rủi ro cao khi phân phối chứng khoán.
Quy định về hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán
Hoạt động huy động vốn
Qũy ĐKCK phát hành cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ để thu hút vốn đầu tư. Với chứng chỉ quỹ, người mua có thể chọn loại ghi danh, vô danh và chuyển nhượng đơn giản như cổ phiếu.
Cách thức phát hành
Quỹ đầu tư có thể quảng cáo để nhiều người biết đến hơn nhưng cần nêu rõ mục đích đầu tư và không được phép cam kết về lợi nhuận sẽ nhận được. Có 2 cách thức phát hành gồm:
– Phát hành riêng lẻ dành cho nhóm nhỏ NĐT, có sự chọn lọc trước.
– Phát hành công khai tới toàn bộ công chúng
Cách thức chào bán:
Hiện có 2 cách thức chào bán đến nhà đầu tư gồm:
– Chào bán thông qua các tổ chức bảo lãnh phát hành.
– Chào bán trực tiếp đến nhà đầu tư không qua trung gian.
Hoạt động đầu tư của quỹ
Đây là hoạt động quan trọng nhất của quỹ đầu tư chứng khoán, cần thường xuyên phân tích, đánh giá tình hình để đa dạng hóa danh mục theo từng thời kỳ của thị trường. Bất cứ quỹ nào cũng muốn đạt mục tiêu cơ bản như:
– Nâng cao thu nhập của quỹ.
– Lãi từ vốn làm tăng giá trị vốn ban đầu qua đánh giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư và lãi vốn.
Quy định về quỹ đầu tư chứng khoán đảm bảo tính công khai và minh bạch trong các chính sách của từng quỹ. Các nhà đầu tư lựa chọn theo quỹ phù hợp với nhu cầu, khả năng chịu rủi ro của bản thân dựa trên những thông tin được công bố.
Quy trình đầu tư với quỹ phát hành ra công chúng lần đầu:
- Bước 1 – Tìm hiểu các tài liệu: NĐT cần tìm hiểu và nghiên cứu chi tiết những thông tin về quỹ như giấy phép, bản cáo bạch, điều lệ quỹ…
- Bước 2 – NĐT tiếp nhận tư vấn: NĐT được tư vấn trực tiếp tại công ty quản lý quỹ, công ty CK hoặc đại lý phân phối.
- Bước 3 – Đăng ký để tham gia quỹ: Điền đầy đủ thông tin trong phiếu đăng ký mua chứng chỉ quỹ, nộp theo các điểm tại bước 2.
- Bước 4 – Tiến hành thanh toán: Nếu mua tại CTQLQ bạn cần nộp tiền vào tài khoản phong tỏa của quỹ đầu tư tại ngân hàng giám sát. Nếu tại công ty CK cần mở tài khoản tại công ty đó và nộp tiền vào.
- Bước 5: – Nhận giấy xác nhận quyền sở hữu: NĐT nhận giấy xác nhận quyền sở hữu chứng chỉ quỹ, làm thủ tục tái lưu ký tại nơi đang mở tài khoản. Sau khi chứng chỉ quỹ được niêm yết trên sàn thì bạn có thể giao dịch bình thường.
Quy trình đầu tư với quỹ niêm yết và giao dịch trên sàn:
- Bước 1 – Mở tài khoản giao dịch: NĐT cần có tài khoản chứng khoán hoặc tạo tài khoản mới theo đúng quy định.
- Bước 2 – Tìm hiểu thông tin: Biết về những thông tin liên quan đến quỹ như bản cáo bạch, điều lệ, báo cáo NAV kỳ gần nhất,…
- Bước 3 – Tư vấn: NĐT nhận được tư vấn từ các chuyên gia/chuyên viên tài chính tại công ty CK, đại lý phân phối nếu có nhu cầu.
- Bước 4 – Nạp tiền và đặt lệnh mua: NĐT nạp tiền vào tài khoản giao dịch của mình đã lập và đặt lệnh mua chứng chỉ quỹ theo quy định.
- Bước 5 – Xác nhận mua chứng chỉ quỹ: Sau thời gian của chu kỳ T+2.5 (T là ngày mua), NĐT có quyền sở hữu chứng chỉ quỹ hợp pháp.
Hoạt động cung cấp thông tin cho NĐT
Quy định về quỹ đầu tư chứng khoán yêu cầu các quỹ cần cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư để đánh giá đúng thực trạng danh mục đầu tư, mức lợi nhuận và mức độ rủi ro. Việc này cần tuân theo quy định của Nhà nước, CTQLQ hoặc Hội đồng quản trị thực hiện đến nhà đầu tư.
Nội dung cần công bố bao gồm: báo cáo tài chính, tình hình tài chính, những báo cáo liên quan đến CTQLQ…Hình thức là gửi trực tiếp đến người nắm giữ chứng chứng chỉ quỹ và các chủ thể liên quan.
Cách thức quản trị quỹ ĐTCK
Tại Việt Nam, CTQLQ sẽ quản lý toàn bộ các hoạt động đầu tư và chịu sự giám sát của ngân hàng giám sát được chỉ định. Tuy nhiên, theo quy định về quỹ đầu tư chứng khoán tại Luật chứng khoán cho phép triệu tập đại hội nhà đầu tư với tư cách là cơ quan có quyền quyết định cao nhất.
Đại hội NĐT có một số quyền theo pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của NĐT và tăng hiệu quả hoạt động của quỹ. NĐT thực hiện quyền bầu, miễn nhiệm, bổ nhiệm chủ tịch hay thành viên ban đại diện QĐTCK. Hình thức tổ chức đại hội như sau:
– Đại hội NĐT lần đầu tiên được tổ chức khi quỹ mới thành lập, CTQLQ triệu tập sau khi đợt phát hành chứng chỉ quỹ kết thúc.
– Đại hội NĐT thường niên do ban đại diện của quỹ triệu tập sau 4 tháng khi kết thúc 1 năm tài chính.
– Đại hội NĐT bất thường được triệu tập bao gồm CTQLQ, ban đại diện, ngân hàng giám sát hoặc nhóm NĐT đại diện cho tối thiểu 10% vốn điều lệ trong thời gian 6 tháng liên tục. Trường hợp này xảy ra tuỳ thuộc vào quy định riêng của từng quỹ đầu tư.
Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư khi tham gia quỹ đầu tư
Nhà đầu tư khi tham gia vào quỹ đầu tư sẽ có những quyền và nghĩa vụ nhất định cần tuân theo. Dù quỹ là một kênh an toàn và khá ổn định lợi nhuận nhưng bạn cũng nên hiểu rõ những điều mình được hưởng và cần làm để có kết quả tốt nhất.
Các quyền và nghĩa vụ của NĐT được quy định tại điều 101 của Luật chứng khoán 2019. Theo đó, quyền lợi gồm:
– Hưởng lợi nhuận từ các chiến lược đầu tư của QĐTCK tương ứng theo tỷ lệ góp vốn vào quỹ.
– Hưởng các tài sản được chia tách hợp pháp trong trường hợp thanh lý tài sản của QĐTCK.
– Có quyền yêu cầu tổ chức quản lý quỹ mua lại chứng chỉ quỹ mở.
– Nếu các bên liên quan đến QĐTCK như công ty quản lý, ngân hàng giám sát quỹ hoặc tổ chức liên quan xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của bản thân thì NĐT có quyền khởi kiện.
– Có thể thực hiện chuyển nhượng chứng chỉ quỹ theo đúng quy định của Điều lệ QĐTCK.
– Quyền và lợi ích khác theo quy định về quỹ đầu tư chứng khoán.
NĐT cần thực hiện các nghĩa vụ sau:
– Nhà đầu tư vào quỹ cần chấp hành theo quyết định đã được thống nhất từ Đại hội nhà đầu tư.
– Thanh toán đầy đủ khoản tiền dùng để mua chứng chỉ quỹ.
– Thực hiện nghĩa vụ khác được quy định theo pháp luật.
Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ tổng quát quy định về quỹ đầu tư chứng khoán mới nhất hiện nay. Mong rằng các nhà đầu tư đã hiểu rõ hơn về cách thức và hoạt động của QĐTCK để có kế hoạch tài chính thành công nhất.