Ngày 15/05, Quy hoạch điện VIII được thông qua là một tin khá tích cực đối với các doanh nghiệp điện nói riêng và toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nói chung.
Tổng quan về Quy hoạch điện VIII
Quy hoạch điện VIII đề ra hướng phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên, cùng ngành công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả việc liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Điểm mới trong dự án này là ưu tiên phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện. Năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện, dự kiến sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 31%-39% trong sản xuất điện của hệ thống. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 67,5% – 71,5% vào năm 2050.
Đối với điện than, chỉ các dự án đã được đưa ra trong Quy hoạch điện VII mới được thực hiện. Từ năm 2030 trở đi, sẽ không xây dựng thêm nhà máy điện than mới. Các nhà máy nhiệt điện than sẽ dừng vận hành sau khi đạt tuổi thọ kỹ thuật (khoảng 40 năm), và sẽ xem xét chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac trước năm 2050.
Cơ cấu sử dụng điện than sẽ giảm xuống. Đến năm 2050, điện than sẽ không còn được sử dụng để cung cấp cho lưới điện quốc gia nữa. Thay vào đó, đề xuất sử dụng các nguồn điện thay thế như điện gió và điện sinh khối.
Trong lĩnh vực điện khí, Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển các dự án sử dụng nguồn khí từ mỏ khí trong nước. Các nhà máy điện khí tự nhiên sẽ dần chuyển sang sử dụng nguồn hydro sau 10 năm. Đến năm 2050, phần lớn các nhà máy điện khí tự nhiên sẽ chuyển sang sử dụng hydro.
Đối với nhiệt điện khí LNG nhập khẩu, theo định hướng đến năm 2050, sẽ dần chuyển sang sử dụng hydro, chiếm tỷ lệ sản lượng điện tương đương 9,4% – 11,25% tổng sản lượng.
Về điện mặt trời và điện gió, Quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên phát triển mạnh các dự án điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi. Đồng thời, ưu tiên phát triển không giới hạn công suất điện mặt trời từ hệ thống mái nhà và điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu.
Tổng quan, Quy hoạch điện VIII có tác động lớn đến ngành điện bằng cách thiết lập ưu tiên và định hướng phát triển cho các nguồn năng lượng khí, hydro, điện mặt trời và điện gió. Các công ty hoạt động trong các lĩnh vực này có thể hưởng lợi từ dự án.
Doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi từ Quy hoạch điện VII?
Quy hoạch điện VIII có tác động tích cực giúp cắt giảm sử dụng điện than và giảm phát thải. Điều này được cho là sẽ gây ảnh hưởng lớn tới ngành điện. Trong ngắn hạn, điện than vẫn sẽ chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nguồn phát điện, nhưng trong dài hạn, triển vọng của nguồn này sẽ bị ảnh hưởng do không còn được phát triển và đối mặt với sự cạnh tranh từ các nguồn phát điện khác.
Ngược lại, các nguồn điện khí sẽ là mũi nhọn phát triển trong giai đoạn từ 2022 đến 2035. Với quyết định thông qua Quy hoạch điện VIII, ta có thể kỳ vọng sự phát triển mạnh mẽ của nhiều dự án điện khí trong tương lai gần. Điều này cho thấy định hướng của quy hoạch điện VIII trong việc khai thác và sử dụng nguồn điện khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước.
Trong nhóm năng lượng tái tạo, điện gió là điểm nhấn chính và dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn năm từ 2023 đến 2050, đặc biệt trong giai đoạn sau năm 2030. Theo đó, điện gió được dự đoán rằng sẽ chiếm khoảng 18% tổng công suất hệ thống vào năm 2030 và tăng lên tỷ trọng cao nhất là 29,4% vào năm 2050. Với định hướng rõ ràng từ Chính phủ và giảm chi phí đầu tư, điện gió trở thành một lĩnh vực hấp dẫn cho đầu tư trong ngành điện.
Những doanh nghiệp có tài chính mạnh và kinh nghiệm trong phát triển và vận hành dự án năng lượng tái tạo sẽ có lợi thế khi tham gia các đấu thầu. Quản lý hiệu quả và tiết kiệm chi phí thông qua việc huy động nguồn vốn lớn với chi phí thấp là yếu tố quan trọng. Một số doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, như PC1, REE, GEG, HDG,… có tiềm năng và có thể được xem là những lựa chọn hợp lý trong việc đầu tư vào ngành điện và năng lượng tái tạo.
PC1 được coi là cổ phiếu đứng đầu trong lĩnh vực xây lắp điện và có thể sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ các hợp đồng xây lắp điện của EVN. Với định hướng phát triển lưới điện từ chính phủ trong tương lai, PC1 sẽ có nhiều cơ hội để ký kết các hợp đồng mới và tận dụng tiềm năng tăng trưởng.
Đối với POW, triển vọng của doanh nghiệp này đến từ việc xây dựng hai nhà máy điện khí LNG là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với tổng công suất 1500 MW. Thông tin này mở ra nhiều cơ hội phát triển cho POW khi tiềm năng của điện khí LNG được chính phủ đặt trọng tâm vào năm 2030.
Một cái tên đáng chú ý khác là GEG – một doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào năng lượng tái tạo cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ định hướng của Chính phủ.
Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư. Nội dung chia sẻ có thể đã cũ do yếu tố thời gian. Vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.
VNSC by Finhay – Tích lũy và đầu tư từ đây
Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006
- Website: https://vnsc.vn
- Hỗ trợ trực tiếp: m.me/finhayvn
- Group Cộng đồng Finhay: https://www.facebook.com/groups/finhay/