So với đầu năm, giá trị hai cổ phiếu đã tăng hai chữ số phần trăm.
Giữa những sóng gió của thị trường chung, bội đôi cổ phiếu ngành nhựa NTP – Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và BMP – Nhựa Bình Minh lại “dắt tay nhau” cùng lên đỉnh lịch sử. Thị giá NTP leo lên mức 70.800 đồng/cp, trong khi BMP bốc đầu chạm tới vùng giá 144.400 đồng/cp. So với đầu năm, giá trị cổ phiếu NTP đã tăng thêm hơn 13% trong mã BMP tăng hơn 10%.
Vốn hóa thị trường của Nhựa Tiền Phong hiện đạt gần 10.100 tỷ đồng, thấp hơn giá trị vốn hóa của Nhựa Bình Minh là 11.820 tỷ đồng. Tuy nhiên khoảng cách đang ngày một được thu hẹp trong vài năm trở lại đây.
Thực tế, NTP và BMP là những đối thủ truyền thống trong ngành nhựa. Cả hai đều là các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất nhựa của Việt Nam. Cách đây hơn thập kỷ, cả 2 doanh nghiệp đã tạo ra hàng nghìn tỷ doanh thu mỗi năm. Trong suốt nhiều năm, doanh thu của Nhựa Tiền Phong luôn cao hơn cho đến trước khi bị Nhựa Bình Minh bắt kịp và vượt qua vào năm 2020.
Cục diện lại thay đổi vào năm 2021 khi đà tăng của Nhựa Bình Minh bị chặn đứng bởi tác động từ Covid, trái ngược Nhựa Tiền Phong bất ngờ tăng trưởng cao. Sang năm 2022, sau khi trở lại trạng thái bình thường, doanh thu của Nhựa Bình Minh đã tăng vọt trở lại và tiếp tục so kè sòng phẳng với Nhựa Tiền Phong. Giá vốn tốt hơn giúp Nhựa Bình Minh ghi nhận lợi nhuận cao hơn.
Tới năm 2024, trong khi Nhựa Bình Minh tỏ ra hụt hơi, doanh thu giảm 10% xuống 4.679 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận trước thuế giảm 5% xuống còn 1.241 tỷ đồng, tình hình lại tích cực hơn tại phía đối thủ. Nhựa Tiền Phong ghi nhận doanh thu cả năm đạt hơn 5.656 tỷ đồng, tăng hơn 9%. Giá vốn tăng chậm hơn giúp công ty tích lũy thêm 14% lợi nhuận gộp, đạt gần 1.770 tỷ đồng. Kết quả, NTP có khoảng 888 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 35% – mức cao nhất trong lịch sử 65 năm hoạt động và là năm thứ 6 liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng.
Sang quý đầu năm 2025, tình hình kinh doanh của 2 doanh nghiệp đều tương đối khởi sắc, qua đó trở thành động lực lớn thúc đẩy đà đi lên của giá cổ phiếu. Theo BCTC quý 1 Nhựa Tiền Phong vừa công bố, doanh thu thuần đạt hơn 1.269 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, Nhựa Tiền Phong lãi gộp hơn 358 tỷ đồng, tăng gần 31%.
Doanh thu tài chính tăng vọt 135% lên gần 37 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng lãi tiền gửi, tiền cho vay. Kết quả, Nhựa Tiền Phong lãi sau thuế gần 212 tỷ đồng, tăng 94% so với quý 1/2024.
Với Nhựa Bình Minh, doanh thu quý 1 của doanh nghiệp đạt 1.383 tỷ đồng tăng 38% so với cùng kỳ. Cùng với đó, giá vốn tăng 37% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí khác, Nhưa Bình Minh báo LNST đạt 287 tỷ đồng tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2025, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 5.362 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.055 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 6% so với thực hiện trong năm trước. Như vậy công ty đã hoàn thành 27% mục tiêu.
Ở khía cạnh khác, một trong những mối lương duyên giữa NTP và BMP phải kể tới sự hiện diện của cổ đông người Thái The Siam Cement Group (SCG). Năm 2012, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd – thành viên của SCG gây bất ngờ khi trở thành cổ đông lớn của cả Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Cuối năm 2017, bước ngoặt đến khi Nawaplastic quyết định thoái toàn bộ gần 24% vốn của NTP, kết thúc gần 6 năm đồng hành. Ngược lại, tổ chức này nhảy sang “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC thoái vốn trong đợt đấu giá cổ phần tháng 3/2018 và nhanh chóng tiến đến chi phối tại Nhựa Bình Minh.
Hiện Nhựa Bình Minh vẫn được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho người Thái với cổ tức tiền mặt đều đặn mỗi năm bên cạnh lợi nhuận từ kinh doanh cũng như đà tăng trưởng của giá cổ phiếu.