Với mong muốn gia tăng nguồn thu dịch vụ và năng lực cạnh tranh, HĐQT Sacombank trình ĐHĐCĐ chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán để trở thành công ty con của ngân hàng.
Theo tờ trình bổ sung tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, Sacombank (mã STB) đã hé lộ kế hoạch góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán.
Theo đánh giá của Sacombank, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cao cấp, một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả thông qua việc sở hữu các công ty chứng khoán.
Do đó, Với mong muốn gia tăng nguồn thu dịch vụ và năng lực cạnh tranh, HĐQT Sacombank trình ĐHĐCĐ chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán để trở thành công ty con của ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ/cổ phần tại công ty chứng khoán trên 50%, tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, chưa rõ mục tiêu Sacombank nhắm đến là công ty chứng khoán nào. Tuy nhiên, ngân hàng này thực tế cũng đang là cổ đông lớn nhất tại CTCP Chứng khoán SBS (mã SBS) với tỷ lệ sở hữu gần 13,8%. CTCK này hiện có vốn điều lệ gần 1.500 tỷ đồng và vốn hoá thị trường khoảng 700 tỷ đồng.
SBS tiền thân là Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, được thành lập ngày 29/9/2006. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ ngày 28/01/2010. Ngành nghề kinh doanh: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của SBS ở mức 300 tỷ đồng. Đến tháng 8/2007, CTCK này tăng vốn lên 1.100 tỷ đồng, trở thành cái tên có vốn điều lệ lớn nhất ngành chứng khoán Việt Nam thời điểm đó. Sau hai lần tăng vốn vào năm 2011 và 2022, SBS đã nâng vốn điều lệ lên gần 1.500 tỷ như hiện nay. Con số này khiêm tốn hơn nhiều so với các công ty cùng ngành.
Ngày 28/4 tới đây, SBS sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại TP.HCM. Mục tiêu cơ bản kinh doanh năm 2025 của SBS trong điều kiện tiếp tục nỗ lực duy trì hoạt động công ty trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, biến động khó lường. Cụ thể, doanh thu thuần khoảng 100 – 120 tỷ đồng, giảm 4-20% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khoảng 8 – 10 tỷ đồng, khả quan hơn đáng kể so với kết quả lỗ trong năm 2024.
Tính đến cuối quý 1/2025, tổng tài sản của SBS ở mức 286 tỷ đồng, giảm 44% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu nằm ở 139.5 tỷ đồng cho vay, 56,9 tỷ đồng phải thu khác và 50 tỷ đồng tài sản FVTPL. So với đầu năm, danh mục tài sản FVTPL của SBS giảm 85,8 tỷ đồng (theo giá trị hợp lý). Công ty đang chịu lỗ hơn 16 tỷ đồng với danh mục này, toàn bộ đều là cổ phiếu. Tại ngày 31/3/2025, SBS có vốn chủ sở hữu 228 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.490 tỷ đồng.
Phiên giao dịch ngày 22/4 vừa qua chứng kiến biến động “lạ” của 2 cổ phiếu STB và SBS. Bất chấp thị trường đỏ lửa, SBS vẫn tăng kịch trần (+13,6%) lên mức 5.000 đồng/cp, với thành khoản đột biến gần 9,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, cổ phiếu STB có thời điểm giảm chạm sàn nhưng đã đảo chiều chóng mặt để kết phiên tăng nhẹ 0,5% lên 40.650 đồng/cp, cao nhất lịch sử.