Chỉ số ROCE (Return on Capital Employed) là công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp đánh giá hiệu quả sử dụng vốn dài hạn. Hiểu rõ ROCE sẽ giúp bạn có cái nhìn chính xác hơn về khả năng sinh lời của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp. VNSC sẽ giải thích chi tiết ROCE là gì, cách tính, ý nghĩa và cách sử dụng chỉ số này trong bài viết dưới đây.
Chỉ số ROCE là gì?
ROCE (viết tắt của Return on Capital Employed) là chỉ số thể hiện tỷ suất sinh lời trên vốn dài hạn mà doanh nghiệp đang sử dụng. Đây là chỉ số quan trọng giúp đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn, bao gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu, để tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
Hiểu đơn giản, ROCE trả lời cho câu hỏi: “Doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận từ mỗi đồng vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh?”. Chỉ số này không chỉ tính đến vốn chủ sở hữu mà còn cả nợ dài hạn, từ đó mang lại cái nhìn tổng quát hơn về hiệu suất sử dụng vốn.
Đối tượng sử dụng ROCE:
- Nhà đầu tư muốn tìm hiểu hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
- Nhà quản lý doanh nghiệp cần đánh giá mức độ sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
- Các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng muốn đánh giá khả năng sử dụng vốn vay của doanh nghiệp.
Công thức tính chỉ số ROCE
Công thức tính ROCE như sau:
ROCE = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT)/Tổng vốn sử dụng (Capital Employed)
Trong đó:
- Lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT): Phản ánh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, chưa tính các chi phí lãi vay và thuế. EBIT có thể tính bằng 3 công thức sau:
- EBIT = Tổng doanh thu – Chi phí hoạt động
- EBIT = Lợi nhuận trước thuế + Chi phí lãi vay
- EBIT = Thu nhập sau thuế + Thuế thu nhập doanh nghiệp + Chi phí lãi vay.
- Tổng vốn sử dụng (Capital Employed): Là tổng nguồn lực tài chính mà doanh nghiệp sử dụng để hoạt động kinh doanh, bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn.
Ví dụ:
- EBIT của một công ty là 10 tỷ đồng.
- Tổng vốn sử dụng là 50 tỷ đồng.
Áp dụng công thức: ROCE = 10/50*100 = 20%
Kết quả này cho thấy doanh nghiệp tạo ra 20 đồng lợi nhuận cho mỗi 100 đồng vốn dài hạn.
So sánh ROCE và ROE
ROCE và ROE đều là chỉ số đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Vậy điểm khác biệt giữa ROE và ROCE là gì? Mời bạn tham khảo bảng so sánh dưới đây.
ROCE vs ROE
Chỉ số | ROCE (Return on Capital Employed) | ROE (Return on Equity) |
Phạm vi | Bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay. | Chỉ tập trung vào vốn chủ sở hữu. |
Đối tượng | Nhà đầu tư, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp, cổ đông, người cho vay (ngân hàng, tổ chức tài chính) | Tập trung vào cổ đông của doanh nghiệp |
Công thức | ROCE = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay / Tổng số vốn đầu tư x 100 | ROE = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu x 100 |
Ưu điểm | Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư toàn diện. | Chỉ đánh giá hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu. |
Ý nghĩa của chỉ số ROCE
Đánh giá ROCE có vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp và các đơn vị cho vay như ngân hàng, tổ chức tài chính. Vậy ý nghĩa của ROCE là gì? Cụ thể:
- Đo lường hiệu quả sử dụng vốn: ROCE cho biết doanh nghiệp sử dụng vốn dài hạn (bao gồm vốn vay và vốn chủ sở hữu) hiệu quả đến mức nào. ROCE cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng vốn rất hiệu quả, khả năng sinh lời tốt và ngược lại.
- Xem xét khả năng trả nợ: ROCE thường được so sánh với lãi suất vay vốn, nếu ROCE cao hơn, cho thấy lợi nhuận tạo ra có thể bù đắp chi phí vay, doanh nghiệp có đủ khả năng trả lãi vay và ngược lại.
- Đánh giá lợi thế cạnh tranh: So sánh ROCE của doanh nghiệp với ROCE của đối thủ và ROCE trung bình ngành giúp người quản lý đánh giá được khả năng cạnh tranh. Mặt khác, điều này giúp nhà đầu tư đưa ra lựa chọn đúng đắn.
- Dự báo khả năng tăng trưởng dài hạn: ROCE ổn định và cao trong thời gian dài là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp có khả năng duy trì hiệu suất tài chính và tiếp tục tăng trưởng bền vững. Điều này giúp cổ đông và nhà đầu tư xây dựng được chiến lược đầu tư hiệu quả.
Cách sử dụng ROCE trong phân tích doanh nghiệp
Công dụng của ROCE là gì? Nhà quản lý, nhà đầu tư có thể sử dụng ROCE để xác định vị thế doanh nghiệp trong ngành, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, đánh giá khả năng phát triển trong tương lai và phân tích cấu trúc vốn. Cụ thể như sau:
Xác định vị thế doanh nghiệp trong ngành
So sánh chỉ số ROCE của doanh nghiệp với đối thủ giúp nhà quản lý thấy được vị thế cạnh tranh của hiện tại, từ đó tìm cách phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế, giúp doanh nghiệp vững mạnh hơn. Ngoài ra, nhà quản lý cần so sánh ROCE của doanh nghiệp ở hiện tại và các kỳ trước đó để đánh giá tốc độ tăng trưởng và đưa ra điều chỉnh phù hợp.
Ngoài so sánh với đối thủ, nhà quản lý cũng nên so sánh ROCE với trung bình ngành. Điều này giúp bạn đánh giá đúng vị thế doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, mỗi ngành có đặc thù riêng, đặc điểm ROCE khác nhau. Chẳng hạn, ROCE ngành sản xuất thường thấp hơn so với ngành công nghệ do chi phí sản xuất cao hơn. Bạn cần lưu ý điều này để đưa ra đánh giá chính xác.
Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn
Bạn không nên phân tích ROCE độc lập mà nên kết hợp với các chỉ số khác như ROE, ROA… để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn và đo lường lợi nhuận từ tổng tài sản. Chẳng hạn, ROCE cao nhưng ROE thấp cho thấy doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay dài hạn để tạo ra lợi nhuận.
Đánh giá khả năng phát triển trong tương lai
Theo dõi ROCE của doanh nghiệp trong tháng, quý, năm giúp đánh giá hiệu quả sử dụng vốn trong dài hạn. ROCE tăng trưởng ổn định qua thời gian chứng tỏ doanh nghiệp đang sử dụng vốn ngày càng hiệu quả, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Ngược lại, nếu ROCE giảm dần, điều này cho thấy chiến lược kinh doanh, quản lý chi phí hoặc hiệu suất hoạt động có vấn đề, cần đánh giá và khắc phục ngay. Việc phân tích xu hướng không chỉ giúp bạn đánh giá hiệu quả hiện tại mà còn đưa ra dự báo về khả năng duy trì hiệu quả trong tương lai.
Phân tích cấu trúc vốn
ROCE không chỉ cho thấy hiệu quả sử dụng vốn mà còn thể hiện c nghiệp sử dụng vốn vay và vốn chủ sở hữu. Cấu trúc vốn cân đối là yếu tố cần thiết để đảm bảo sự bền vững lâu dài.
Một doanh nghiệp có ROCE cao nhưng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cũng cao có thể tiềm ẩn rủi ro nếu lãi suất tăng hoặc dòng tiền không ổn định. Ngược lại, nếu ROCE cao đi kèm với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu hợp lý, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn ít rủi ro tài chính.
Trên đây là thông tin cơ bản về ROCE là gì, công thức tính, ý nghĩa và cách sử dụng chỉ số này. Đây là chỉ số tài chính quan trọng, đặc biệt đối với những nhà đầu tư quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Hiểu rõ ROCE và cách áp dụng nó sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định đầu tư chính xác hơn, đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận từ danh mục đầu tư.