Nợ xấu là một thuật ngữ khá phổ biến trong lĩnh vực tài chính nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận về nó. Khoản nợ này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của công ty và cả cá nhân người vay nợ. Vậy, bản chất nợ xấu là gì? Bạn cần hiểu nợ xấu trong đầu tư tài chính để tránh những rủi ro đáng tiếc. Hãy cùng VNCS tìm hiểu về nợ xấu qua bài viết chia sẻ dưới đây để có cái nhìn khách quan nhất.
Nợ xấu là gì?
Nợ xấu được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, mô tả các khoản nợ khó đòi, khi người vay đến hạn thanh toán theo hợp đồng nhưng không thể thanh toán theo quy định. Các khoản nợ có thời gian quá hạn thanh toán trên 90 ngày được xem là nợ xấu.
Trong lĩnh vực ngân hàng, người có nợ xấu sẽ bị liệt kê vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống Trung tâm tín dụng quốc gia Việt Nam CIC.
Các nguyên nhân dẫn đến nợ xấu thường gặp:
- Mua hàng trả góp, hoạt động vay tín chấp, thế chấp nhưng không hoàn trả lãi và gốc đúng hẹn.
- Sử dụng thẻ tín dụng quá mức, không thanh toán đúng hạn, không đóng số tiền tối thiểu dẫn đến phát sinh trả chậm. Điều này thường do chủ thẻ tín dụng không quản lý chi tiêu hợp lý, chi tiêu vượt mức dẫn đến không có khả năng thanh toán.
- Sử dụng thẻ thấu chi (tức được tiêu nhiều hơn số tiền có trong tài khoản) nhưng không có đủ tiền để thanh toán khoản thấu chi đến hạn.
- Trường hợp vay tiền ngân hàng như khách hàng cố tình không đóng, do tâm lý hoặc bất đồng trong việc tính lãi ngân hàng/ công ty tín dụng.
- Khoản nợ xấu phát sinh từ hợp đồng kinh doanh của cá nhân hoặc các doanh nghiệp khác.
- Trường hợp không thanh toán nợ dẫn đến tài khoản thế chấp bị gán nợ.
Những ảnh hưởng tiêu cực từ nợ xấu
Nợ xấu sẽ có những tác động tiêu cực lên cả người cho vay và người vay. Cụ thể, nợ xấu ảnh hưởng như thế nào đến xã hội và các nhóm đối tượng nói riêng?
Ảnh hưởng đến người đi vay:
- Nợ xấu sẽ khiến người đi vay bị liệt kê vào danh sách hạn chế và khó tiếp tục vay vốn tại các ngân hàng hoặc bất cứ công ty tín dụng nào khác. Đặc biệt nhóm khách có nợ xấu thuộc danh sách 3, 4, 5 sẽ mất cơ hội vay tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh trong tương lai.
- Tất cả các thông tin như: Thời gian quá hạn, tên người vay, các khoản vay quá khứ và hiện tại, nơi vay vốn… sẽ được lưu trữ tại trung tâm tín dụng quốc gia CIC. Thời gian lưu thông tin từ 3-5 năm, kể từ ngày người vay hoàn trả đủ cả gốc lẫn lãi cho công ty tín dụng hoặc ngân hàng.
Ảnh hưởng đến các công ty tín dụng:
- Nợ xấu là khoản nợ khó đòi hoặc không thể đòi được, sẽ ảnh hưởng đến khả năng luân chuyển vốn, xoay vòng phục vụ kinh doanh.
- Khi giá trị nợ xấu lớn, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, có thể dẫn đến tình trạng thua lỗ và phá sản.
Phân loại 5 cấp độ của nợ xấu ngân hàng
Hậu quả của nợ xấu đến người đi vay và toàn xã hội. Căn cứ tại Điều 10, Thông tư 02/2013/TT-NHNN, sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 09/2014/TT-NHNN, ngân hàng nhà nước và các công ty tín dụng phân loại 5 cấp độ của nợ xấu ngân hàng, tổ chức tín dụng, cụ thể như sau:
- Nhóm 1 – Nợ đủ tiêu chuẩn: được phân loại nhỏ hơn thành 3 loại, trong đó có 2 nhóm chính là nợ trong hạn và nợ quá hạn dưới 10 ngày. Loại nợ này được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc lẫn lãi.
- Nhóm 2 – Nợ cần chú ý: cũng được phân thành 3 nhóm nhỏ, phổ biến nhất là nợ quá hạn từ 10-90 ngày và nợ đã được điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ lần đầu.
- Nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn: Được phân thành 5 loại nợ khác nhau, trong đó điển hình và phổ biến nhất là nợ quá hạn từ 91-180 ngày và nợ đã được gia hạn lần đầu.
- Nhóm 4 – Nợ nghi ngờ: Được chia thành 6 loại nợ nhỏ hơn, trong đó phổ biến nhất là nợ quá hạn từ 181-360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ lần 2.
- Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn: Được chia thành 8 nhóm nợ nhỏ hơn, trong đó phổ biến nhất là nợ quá hạn trên 360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ lần thứ 3 trở lên.
Trong 5 nhóm nợ trên, nợ xấu sẽ được xác định thuộc nhóm 3, 4, 5 với thời gian quá nợ từ 90 ngày trở lên.
Nợ quá hạn có phải là nợ xấu không?
Việc xác định rõ có phải nợ xấu không rất quan trọng với công ty tài chính/ ngân hàng và cả người đi vay. Nhiều người băn khoăn: Nợ quá hạn có phải nợ xấu không?
Để xác định nợ quá hạn có phải nợ xấu không cần dựa vào số ngày quá hạn thực tế. Nhóm nợ xấu sẽ thuộc nhóm 3, 4, 5 với thời gian quá hạn trên 90 ngày. Trường hợp nợ nhóm 1, 2 với thời gian quá hạn chưa đủ 90 ngày thì không được liệt kê vào nhóm nợ xấu.
Hướng dẫn 3 cách kiểm tra nợ xấu ngân hàng đơn giản
Nợ xấu sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc vay tài chính của bạn trong tương lai. Nhiều trường hợp, số tiền nợ quá nhỏ, không được chú ý đến dẫn đến trường hợp không thanh toán đúng hạn, khiến phát sinh nợ xấu. Bạn cần tra cứu và kiểm tra nợ xấu ngân hàng trên Trung tâm CIC. Cụ thể, 3 cách giúp kiểm tra nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả:
- Cách 1: Kiểm tra nợ xấu trên website chính thức của CIC. Truy cập đường link website CIC và điền các thông tin theo yêu cầu. Tiếp tục nhập mã OTP và nhấn tiếp tục. Lúc này, trung tâm CIC sẽ liên hệ lại với bạn qua số điện thoại để xác thực và gửi thông tin qua email. Sau đó, bạn có thể đăng nhập và chọn mục “khai thác báo cáo”.
- Cách 2: Kiểm tra nợ xấu trên ứng dụng tín dụng CIC. Bạn tiến hành tải ứng dụng CIC và đăng nhập các thông tin hệ thống yêu cầu (họ tên, căn cước công dân, số điện thoại…), Chờ hệ thống duyệt thời gian từ 1-3 ngày, sau đó bạn có thể tiến hành tra cứu trên ứng dụng các khoản nợ xấu nếu có.
- Cách 3: Kiểm tra nợ xấu tại ngân hàng bằng chứng minh thư, căn cước công dân. Bạn đến trực tiếp ngân hàng để kiểm tra nợ xấu bằng cách cung cấp thông tin cho giao dịch viên để được hỗ trợ.
Cách xóa nợ xấu hiệu quả bạn nên biết
Vậy nếu không may bị nợ xấu ngân hàng phải làm sao? Cách nào để xóa nợ xấu nhanh chóng, giúp bạn có thể vay tiền cho lần tiếp theo?
Khi tra cứu thông tin và thấy xuất hiện nợ xấu, bạn cần tiến hành các bước sau để xóa nợ:
- Với khoản vay dưới 10 triệu, cần tiến hành hoàn thành trả nợ các khoản nợ nhỏ dưới 10 triệu để không để lại dấu vết, không dính lịch sử nợ xấu.
- Với khoản vay trên 10 triệu, cần nhanh chóng hoàn trả cả nợ gốc và lãi cho ngân hàng/ tổ chức tín dụng. Sau khi đã tất toán nợ, yêu cầu ngân hàng xác nhận việc đã hoàn trả nợ để không ảnh hưởng đến điểm trên CIC.
- Với các khoản nợ xấu giá trị lớn, hệ thống sẽ xử lý và lưu thông tin khoản nợ tối thiểu trong 5 năm, sau đó tiếp tục ghi nhận lịch sử tín dụng của bạn trong thời gian đó, đưa ra đánh giá và tính điểm tín dụng trên CIC. Ngân hàng sẽ dựa trên điểm tín dụng đó để xem xét hồ sơ cho vay hay không.
Việc xuất hiện nợ xấu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân người đi vay và người cho vay. Do đó, bạn cần hiểu rõ về bản chất của nợ xấu là gì, các nhóm nợ xấu và ảnh hưởng của chúng đến cơ hội tài chính của bạn trong tương lai. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về nợ xấu ngân hàng và các đặc điểm quan trọng của chúng.