Chỉ số chính thành công “gỡ” được hơn 50 điểm, giữ ngưỡng 1.200, đóng cửa giảm 1,56% xuống 1.210,67 điểm.
Chưa khi nào chỉ số chính VN-Index giảm hơn 19 điểm khi đóng cửa phiên 4/4 lại khiến nhà đầu tư thở phào như vậy. Bởi lẽ VN-Index có thời điểm đầu phiên giảm tới hơn 70 điểm, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về một kịch bản tương tự phiên trước đó 3/4 sẽ lặp lại. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy quyết liệt hơn đưa lực cầu trở lại tại một số cổ phiếu trụ đã gồng gánh chỉ số và thu hẹp biên độ giảm.
Chỉ số chính thành công “gỡ” được hơn 50 điểm, giữ ngưỡng 1.200, đóng cửa giảm 1,56% xuống 1.210,67 điểm. Thanh khoản tiếp tục lập kỷ lục. Gần 2 tỷ cổ phiếu được sang tay, giá trị khớp lệnh tương ứng đạt gần 40.000 tỷ đồng.
Về mức độ đóng góp, rổ VN30 kết phiên với 9 mã tăng giá, trong đó có 1 mã tăng hết biên độ. Bộ đôi cổ phiếu VinGroup là VIC và VHM đồng loạt tăng điểm, trong đó VIC tăng 3,7% lên 58.300 đồng/cp và VHM tăng 2% lên 50.300 đồng/cp đã đóng góp tổng cộng hơn 3 điểm tăng cho VN-Index.
Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng LPB “tím lịm” đưa mã này trở thành một trong các trụ cột nâng đỡ sự đi lên của thị trường chung, đóng góp gần 1,6 điểm tăng cho chỉ số chính. Bên cạnh đó, những mã ngân hàng khác như STB đóng góp 0,35 điểm tăng, SHB đóng góp 0,35 điểm tăng. Cổ phiếu VNM cũng đóng góp hơn 1 điểm tăng cho thị trường chung.
Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu giảm mạnh gây lên áp lực lên chỉ số chính có thể kể tới là bộ đôi GVR, BCM giảm kịch trần, GAS MSN hay HPG cũng giảm trên 3%, từ đó trở thành tác nhân kéo điểm thị trường xuống.
Thêm một điểm trừ lớn tới từ khối ngoại khi tiếp tục bán ròng trên 2.800 tỷ đồng sau phiên bán ròng kỷ lục 3.700 tỷ liền trước.
Rất khó để khẳng định việc thị trường đã tạo đáy hay chưa, tuy nhiên việc VN-Index thu hẹp đà giảm phần nào giúp tâm lý nhà đầu tư như được giải tỏa sau những phản ứng mạnh mẽ từ thông tin chính sách thuế đối ứng của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo VinaCapital, với việc thị trường giảm sâu cùng áp lực bán trải đều, nhà đầu tư cần thêm thời gian và thông tin để đánh giá tác động thực sự của chính sách này đến nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. VinaCapital hiện đang đánh giá tác động của mức thuế đối với các kịch bản đã thiết lập cho các danh mục đầu tư khác nhau, và đang tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn trong bối cảnh tác động tiềm tàng lâu dài đối với cả nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu.
“Đợt bán tháo này tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn”, báo cáo của VinaCapital cho biết.
Ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm tìm giải pháp ứng phó sau khi Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng với các nước, trong đó có Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 713/QĐ-TTg ngày 3/4/2025 thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ.