Với những lợi thế cạnh tranh, dòng vốn FDI vào Việt Nam được hy vọng sẽ tăng trưởng bền vững. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Việt và khẳng định vị thế của ngành này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với nhiều yếu tố thuận lợi trong những tháng đầu năm, những doanh nghiệp khai thác cảng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Hầu hết giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều vượt trội so với VN-index. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng 2 con số về doanh thu và lợi nhuận gộp.
Nhận định về triển vọng nhóm cảng biển trong thời gian tới đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng sản lượng sẽ duy trì tích cực ở những tháng cuối năm 2024 nhưng sang năm 2025 có thể đối mặt với những rủi ro nếu Mỹ áp thuế lên Việt Nam.
Đề xuất thuế quan 60% của Trump với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức 10-20% với các nước khác sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế toàn cầu, gồm cả Việt Nam. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, chiếm 29% kim ngạch xuất khẩu.
Thâm hụt thương mại giữa Mỹ – Việt Nam cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ Trung quốc vào Việt Nam tăng, làm tăng nguy cơ điều tra thương mại và thuế chống bán phá giá với mặt hàng của Việt Nam. Giả sử thuế 60% với Trung Quốc, 10-20% với các mặt hàng nhập khẩu thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ ổn định ở mức 8% so với năm trước. Dù có thuế quan, lợi thế về thuế của Việt nam so với Trung Quốc sẽ duy trì thị phần nhập khẩu vào Mỹ.
Tác động của việc tăng thuế với xuất khẩu của Việt nam sẽ phụ thuộc vào mức thuế, thời gian và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thay thế từ Mỹ và các nhà xuất khẩu khác. Các nhóm hàng xuất khẩu chính bị ảnh hưởng như: Dệt may, Điện tử, Giày dép, Máy móc thiết bị, Gỗ và sản phẩm từ gỗ, Thủy sản, Sắt thép chiếm gần 80% nhập khẩu của Mỹ từ Việt nam trong năm 2023. Trong khi xuất khẩu hàng tiêu dùng có thể bị tác động xấu do lạm phát, xuất khẩu phục vụ các doanh nghiệp Mỹ có thể được hưởng lợi từ thuế doanh nghiệp thấp và ít quy định hơn.
“Kịch bản cho thấy các sản phẩm chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển sẽ bị tác động nhiều nhất. Trước tiên, khối lượng sẽ tăng do nhu cầu ngắn hạn. Sau đó, điều này có thể gây áp lực lên sản lượng thông qua cảng biển khi các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ giảm do đối mặt với tác động thuế quan”. VnDirect nhấn mạnh.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã khẳng định là một nền kinh tế mở hội nhập sâu rộng với thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp FDI với hiệu quả cao và quy mô lớn, chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu.
Về rủi ro liên quan tới nguồn vốn FDI vào nước ta, sau khi Đảng Cộng Hòa của Trump nắm quyền, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn bởi nguồn vốn này thường được lên kế hoạch trong dài hạn và nền tảng sản xuất mạnh mẽ, lao động tay nghề cao cũng như vị trí chiến lược của Việt Nam
Với lợi thế cạnh tranh, dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng bền vững trong tương lai. Điều này sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của lĩnh vực cảng biển trong nước, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự thay đổi cấu trúc các liên minh vận tải biển toàn cầu đã mở ra những cơ hội mới đa dạng hơn với các nhà khai thác cảng biển.
Sự hình thành của 4 liên minh lớn từ quý II/2025, trong đó OCEAN Alliance vẫn giữ vị trí dẫn đầu, hứa hẹn mang đến sự ổn định và tăng trưởng cho các doanh nghiệp cảng biển như: GMD và VSC.
Song song là sự mở rộng mạnh mẽ của MSC tại thị trường châu Á, đặc biệt là Việt Nam, với các dự án đầu tư vào cảng Lạch Huyện và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thúc đẩy đáng kể hoạt động giao thương hàng hải trong khu vực. Điều này tạo ra nhiều tuyến dịch vụ mới, tăng lưu lượng hàng hóa và củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm Logistic quan trọng.
Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là một điểm sáng được kiểm chứng, với tiềm năng tăng trưởng dài hạn đặc biệt đáng giá. Cụm cảng này được xem là một trong những trung tâm Logistic hiện đại và năng động nhất Việt Nam với 33 tuyến quốc tế và 9 tuyến nội địa.
Trong thập kỷ vừa qua, số lượng tàu container lớn cập cảng Vũng Tàu đã tăng gấp 6 lần và hiện nay có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng từ 80.000 đến 232.000 DWT. Ngoài ra, cảng Cái Mép – Thị Vải được đánh giá cao về hiệu suất xử lý hàng hóa. Điều này cho thấy tiềm năng đáng giá để duy trì đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn vốn tại khu vực này.