Đa số những doanh nghiệp nằm trong rổ VN30 đều ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tích cực trong quý II/2024, nhưng chỉ duy nhất 1 nhà băng báo lãi đi lùi.
Tính đến thời điểm ngày 6/8 vừa qua, toàn bộ doanh nghiệp trong nhóm VN30 đều đã công bố báo Báo cáo tài chính của quý II/2024, với kết quả kinh doanh tích cực, có đến 15 công ty – ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng trên 19% và 2 doanh nghiệp báo lãi tăng hơn 1000%. Tổng lợi nhuận sau thuế mà rổ VN30 đạt được khoảng 85.281 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2023.
Mặc dù vậy, duy nhất một công ty báo lợi nhuận đi lùi là ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – HoSE). Cụ thể, lãi sau thuế mà VIB ghi nhận được là 1.683 tỷ đồng, đã giảm 28,6% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế của nửa đầu năm nay đạt 3.684 tỷ đồng tương đương giảm 18,4%.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận này là do hoạt động kinh doanh cốt lõi của VIB suy giảm và ngân hàng này phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, khoản thu nhập lãi thuần nửa đầu năm đạt 7.981 tỷ đồng tương đương giảm 2,2% so với cùng kỳ.
Ngược lại, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý II vừa qua đã tăng lên mức 278.906 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 4,7%, dư nợ ngắn hạn chiếm khoảng 46% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.
Về chất lượng nợ, tổng nợ xấu nhóm 3,4,5 đã đạt tới giá trị 10.200 tỷ đồng tăng 21,7% so với đầu kỳ. Riêng nhóm nợ 5 là nhóm có khả năng mất vốn đã tăng lên 91% đạt mức 4.205 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 4 là nợ nghi ngờ và nợ nhóm 3 là nợ dưới tiêu chuẩn biến động không lớn. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,14% lên 3,65%.
Tổng cho vay ngắn hạn của khách hàng đạt giá trị 113.739 tỷ đồng, chiếm khoảng 41% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Ngân hàng VIB đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.075 tỷ đồng tăng 35,7% so với cùng kỳ. Số dư tiền gửi khách hàng đến cuối quý II đã tăng 4,67% so với đầu năm và đạt giá trị 247.630 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi từ các cá nhân và đối tượng khác chiếm khoảng 71% tổng tiền gửi tại ngân hàng này.