Dù chỉ là “nghề tay trái” nhưng không thể phủ nhận hoạt động đầu tư tài chính đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Thế Giới Di Động thời gian gần đây.
Theo BCTC quý 1/2025, số dư tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) tại ngày 31/3 ở mức gần 22.800 tỷ đồng, giảm hơn 1.900 tỷ so với mức kỷ lục vào cuối năm 2024. Ngược lại, doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài lại đẩy mạnh hoạt động cho vay các đối tác và đầu tư trái phiếu.
Tại ngày cuối quý 1, tổng giá trị các khoản phải thu từ cho vay và đầu tư trái phiếu của Thế Giới Di Động lên đến hơn 19.200 tỷ đồng, tăng gần 3.700 tỷ so với đầu năm và là mức cao nhất lịch sử. Hoạt động này đã “manh nha” từ cuối năm 2022 nhưng phải đến đầu năm 2024, doanh nghiệp bán lẻ này mới dồn lực nhiều hơn cho hoạt động đầu tư tài chính.
Hiệu quả từ hoạt động đầu tư tài chính lập tức được cải thiện đáng kể. Trong 3 tháng đầu năm nay, hoạt động “kinh doanh tiền” mang về cho doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài hơn 300 tỷ lợi nhuận (chênh lệch lãi tiền gửi, cho vay trái phiếu – chi phí lãi vay, thu xếp khoản vay). Con số này tương đương 1/3 năm ngoái và gần bằng mức cả năm 2023.
Năm 2024 trước đó, hoạt động này mang về cho doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài đến gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng đột biến so với các năm trước. Con số này thực tế còn chưa phản ánh hết hiệu quả đầu tư tài chính của Thế Giới Di Động do một phần chi phí lãi vay là để phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Hoạt động “kinh doanh tiền” càng rõ ràng khi Thế Giới Di Động hợp tác với Ngân hàng VPBank bắt đầu triển khai mô hình “cây ATM” tại hơn 3.000 cửa hàng TGDĐ/ĐMX từ cuối năm 2024. Ngoài các hoạt động đầu tư liên quan trực tiếp đến tiền, Thế Giới Di Động còn có thêm khoảng 200-300 tỷ “chiết khấu thanh toán” được hạch toán vào khoản mục doanh thu tài chính mỗi năm.
Đầu tư tài chính “mát tay” nhưng lãnh đạo Thế Giới Di Động vẫn khẳng định đây chỉ là “nghề tay trái”. Trả lời cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2025 vừa diễn ra, ông Vũ Đăng Linh – Tổng giám đốc cho biết, hoạt động cốt lõi của Thế Giới Di Động là kinh doanh bán lẻ, có ưu thế về dòng tiền. Dựa vào lợi thế này, doanh nghiệp khai thác để đầu tư tài chính khi dòng tiền ổn định.
“Sẽ rất thận trọng, như gửi ngân hàng, giao dịch với đối tác uy tín. Chúng tôi khai thác trong khả năng có thể làm nhưng sẽ tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động cốt lõi là bán lẻ”, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động nhấn mạnh về hoạt động đầu tư tài chính.
Dù chỉ là “nghề tay trái” nhưng không thể phủ nhận hoạt động đầu tư tài chính đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Thế Giới Di Động. Trong quý đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 36.135 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.548 tỷ đồng, tăng hơn 71% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động.
Doanh thu tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số trong khi chi phí được tiết giảm phần nào cho thấy hiệu của của chiến lược tái cấu trúc “Giảm lượng – Tăng chất” mà Thế Giới Di Động thực hiện thời gian qua. Với nền tảng tài chính vững chắc, doanh nghiệp tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch tham vọng trong năm 2025 dù ngành bán lẻ đang hồi phục chậm và chưa đạt mức tăng trưởng trước dịch.
Năm nay, Thế Giới Di Động dự kiến mục tiêu doanh thu thuần đạt 150.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 30% so với thực hiện 2024. Với kết quả đạt được trong quý đầu năm, doanh nghiệp bán lẻ này đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận cả năm.