LPBank chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25% (gần 7.500 tỷ đồng) là mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong các ngân hàng hiện nay.
Chủ tịch HĐQT LPBank Nguyễn Đức Thụy trả lời câu hỏi của các cổ đông tại Đại hội. Ảnh: LPB
Sáng nay (27/4), Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank – HOSE: LPB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 tại Ninh Bình, với nhiều nội dung quan trọng như chia cổ tức tiền mặt, kế hoạch kinh doanh năm 2025, thành lập công ty con về quản lý tài sản…
"Chúng tôi mong muốn chia cổ tức càng cao càng tốt"
Tâm điểm của ĐHĐCĐ lần này là phiên thảo luận giữa Đoàn Chủ tịch LPBank và các cổ đông.
Trong đó, cổ đông hỏi: "Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, LPBank dự kiến chi trả cổ tức 25% của năm 2024, vậy năm 2025 và các năm tiếp theo, HĐQT có cam kết gì không?"
Về câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank cho biết: "HĐQT nào thì cũng mong muốn chia cổ tức cao nhất và tối đa cho các cổ đông. Năm vừa rồi, chúng tôi có hứa là trên dưới 18%. Năm nay và các năm tiếp theo, chúng tôi cũng mong muốn chia cổ tức ở mức càng cao càng tốt". Tuy nhiên, vị Chủ tịch ngân hàng này cũng cho biết, thực hiện được mong muốn này hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ông Nguyễn Đức Thụy chia sẻ thêm, việc nói như trên là có nhiều lý do khác nhau. Cụ thể, tình hình kinh tế, thuế quan, cùng những biến động của thị trường trong và ngoài nước. LPBank luôn hướng đến mục tiêu đảm bảo tối đa lợi ích cho cổ đông và các khách hàng, đối tác. Trong năm tiếp theo, với hy vọng có được sự đồng hành của các cổ đông để thành công hơn nữa, LPBank mong muốn có thể chia cổ tức với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt hay 5 – 7% bằng cổ phiếu.
"Chúng tôi mong muốn các cổ đông của LPBank đóng góp và sử dụng các sản phẩm của ngân hàng nhiều hơn nữa", Chủ tịch LPBank nhấn mạnh.
Đoàn Chủ tịch LPBank tại ĐHĐCĐ thường niên 2025. Ảnh: LPB
LPBank chia cổ tức tiền mặt khủng
Ông Hồ Nam Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị (HĐQT) LPBank đã chia sẻ về những điểm nhấn hoạt động trong năm 2024, như lợi nhuận vượt kế hoạch, triển khai tinh gọn bộ máy tổ chức…
Theo đó, tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của ngân hàng LPBank tăng tới 33% lên 508.330 tỷ đồng (hoàn thành 119% kế hoạch do ĐHĐCĐ giao), lợi nhuận trước thuế từ đó tăng 73% lên 12.168 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất kể từ ngân hàng này khi đi vào hoạt động vào năm 2008.
Tại đại hội, ban lãnh đạo LPBank trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025, với lợi nhuận trước thuế đạt 14.868 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm trước. Tổng tài sản năm 2025 tăng 3,5% lên 525.890 tỷ đồng, trong đó tín dụng thị trường 1 tăng 15,8% lên gần 384.000 tỷ, huy động phù hợp với tốc độ tăng tín dụng thực tế,…
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của LPBank diễn ra vào sáng 27/4. Ảnh: LPB
LPBank hiện đang giữ được đà tăng trưởng trong quý 1/2025. Trong quý I/2025, dù thu nhập lãi thuần giảm hơn 5% về còn 3.282 tỷ đồng, nhưng nhờ tiết giảm hiệu quả chi phí nên LPBank vẫn lãi trước thuế 3.175 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, LPBank hoàn thành tương ứng 21% kế hoạch năm.
Tại thời điểm cuối tháng 3 năm 2025, tổng tài sản của LPBank đạt 499.894 tỷ đồng, giảm 8.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 352.194 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024, đồng thời tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi của khách hàng tại LPBank đạt 293.155 tỷ đồng, tăng gần 4%.
Đặc biệt, về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, ban lãnh đạo LPBank đề xuất chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, tương đương 7.468,2 tỷ đồng. Đây là mức chia cổ tức này cao hơn đáng kể so với kỳ vọng của các lãnh đạo LPBank tại các đại hội trước đó, đồng thời là mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong các ngân hàng hiện nay.
Nguồn: LPBank
Tại phiên họp này, cổ đông LPBank cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 16,8%. Đến tháng 2/2025, ngân hàng đã phát hành gần 430 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, qua đó tăng vốn điều lệ lên 29.872,8 tỷ đồng.
Bên cạnh các nội dung nêu trên, tại Đại hội, LPBank còn có tờ trình về việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank AMC), với quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng (100% góp vốn từ LPBank). Theo đó, LPBank AMC được kỳ vọng sẽ giúp LPBank tối ưu việc quản lý tài sản, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tổn thất và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Trong 3 năm đầu hoạt động, tổng doanh thu của LPBank AMC dự kiến đạt 1.114 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 682 tỷ đồng. Cụ thể, dự kiến doanh thu trong ba năm đầu tiên hoạt động lần lượt là 177 tỷ đồng(nửa cuối 2025); 426 tỷ (2026); 511 tỷ (2027). Lợi nhuận trước thuế tương ứng là 97 tỷ, 257 tỷ và 511 tỷ đồng.
Tại Đại hội, theo Ban lãnh đạo ngân hàng, việc thành lập LPBank AMC là rất cần thiết để chuyên môn hóa công tác quản lý và xử lý nợ xấu. Đây cũng là bước đi chiến lược, không chỉ giúp LPBank chủ động trong việc giải quyết nợ xấu mà còn mở ra hướng phát triển mới trong mảng tài chính đầu tư, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững cho ngân hàng trong dài hạn.