Hợp đồng phái sinh được biết đến nhiều trong lĩnh vực đầu tư tài chính chứng khoán với khả năng giảm thiểu rủi ro và phòng vệ an toàn cho nhà đầu tư. Để giao dịch phái sinh hiệu quả, bạn cần hiểu rõ về khái niệm này. Vậy hợp đồng phái sinh là gì? Cách tính giá và ngày chốt thế nào? Những câu trả lời cho câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Hợp đồng phái sinh là gì?
Hợp đồng phái sinh là một hợp đồng song phương, trong đó, giá trị của nó bắt nguồn từ giá trị của một hoặc nhiều tài sản cơ sở và được thực hiện vào một ngày trong tương lai. Tài sản cơ sở (hay tài sản phái sinh) có thể bao gồm bất kỳ tài sản nào, bao gồm hàng hóa, tiền tệ, lãi suất, giá trị của tài sản, cổ phần trong công ty hoặc chỉ số tài sản.
Theo hợp đồng phái sinh, một bên (người bán) đồng ý bán cho một bên khác (người mua) một tài sản vào một ngày trong tương lai (ngày thanh toán) theo mức giá cố định tại thời điểm ký kết hợp đồng. Những đặc trưng cơ bản để nhận biết hợp đồng phái sinh như sau:
- Hợp đồng song phương, tức là hợp đồng giữa hai bên (trong trường hợp này là giữa người mua và người bán).
- Hợp đồng được thanh toán vào một ngày trong tương lai hay còn gọi là ngày thanh toán.
- Giá trị của hợp đồng được lấy từ giá trị của tài sản cơ bản được sử dụng để hợp đồng tham chiếu. Phần lợi nhuận thu được của người mua sẽ là phần chênh lệch giữa giá thoả thuận và giá trị thị trường của tài sản vào ngày thanh toán.
Trên thị trường có các loại hợp đồng phái sinh nào?
Hợp đồng tương lai
Là hợp đồng giữa các bên sẽ thực hiện giao dịch vào tương lai với mức giá được quy định cụ thể tại thời điểm ký kết hợp đồng. Đây là hình thức phổ biến nhất thể hiện đầy đủ các đặc trưng của hợp đồng phái sinh. Các bên tham gia cần ký quỹ để đảm bảo khả năng thanh toán, giảm rủi ro và là đòn bẩy tài chính vô cùng hiệu quả nếu sử dụng đúng cách.
Hợp đồng kỳ hạn
Cũng giống như hợp đồng tương lai, nhưng sự khác biệt chính trong tên gọi hợp đồng kỳ hạn là được giao dịch qua quầy, không phải trên sàn giao dịch. Thời điểm bắt đầu ký kết đến ngày thanh toán là kỳ hạn hợp đồng, giá giao dịch được xác định trong ngày thanh toán hợp đồng. Dù giá thị trường tăng hay giảm thì các bên ký hợp đồng bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ giao dịch theo đúng giá trị đã thỏa thuận. Hợp đồng kỳ hạn không cần thực hiện ký quỹ.
Hợp đồng hoán đổi
Là dạng hợp đồng phái sinh mà hai bên đồng ý giao dịch các điều khoản cho vay, có thể sử dụng hoán đổi lãi suất để chuyển đổi từ khoản vay lãi cố định sang khoản vay thay đổi hoặc ngược lại.
Các điều khoản linh hoạt theo thỏa thuận giữa các bên, giao dịch trên thị trường OTC, thực hiện theo nguyên tắc bù trừ. Hợp đồng chứng khoán phái sinh dạng hoán đổi thường được sử dụng để phòng ngừa rủi ro tài chính, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Hợp đồng quyền chọn
Hợp đồng quyền chọn cũng tương đồng như hợp đồng tương lai vì chúng là những thỏa thuận trong đó một bên đưa ra cho bên kia cơ hội mua hoặc bán chứng khoán vào một ngày trong tương lai. Sự khác biệt giữa 2 loại hợp đồng này là là trong một quyền chọn, người mua bán không có nghĩa vụ phải tuân theo giao dịch nếu họ cảm thấy việc đó không có lợi cho mình.
Tuy nhiên, dù có thực hiện hợp đồng hay không, người mua vẫn phải thanh toán cho người bán một mức phí nhất định, được gọi là phí mua quyền.
Cách tính giá hợp đồng phái sinh
Một số khái niệm liên quan
- Ký quỹ ban đầu (Initial Margin – viết tắt IM)
- Là khoản tiền nhà đầu tư cần có trong tài khoản để đặt cọc cho công ty chứng khoán nhằm đảm bảo khả năng thanh toán.
- Công thức tính IM như sau:
- IM = Giá trị giao dịch * Hệ số nhân hợp đồng * Số lượng hợp đồng giao dịch * Tỷ lệ ký quỹ yêu cầu
- Ký quỹ biến đổi (VM)
- Là số tiền mà công ty chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư bổ sung ký quỹ khi ở trạng thái lỗ.
- Ký quỹ duy trì (Margin Requirement – MR):
- Là mức vốn tối thiểu theo yêu cầu của công ty chứng khoán để duy trì tài khoản ký quỹ.
MR = IM + VM
- Giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ (VKQ): Khoản ký quỹ được xác định dựa trên mức giá trị và tỉ lệ chiết khấu, có thể là tiền mặt hoặc cổ phiếu chứng khoán.
- Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ (AR): Tính theo công thức: AR = MR/VKQ
- Vị thế mua: Người mua hợp đồng phái sinh ở vị thế mua hay còn gọi là mở vị thế mua. Nếu muốn đóng cần chờ đến thời gian đáo hạn hoặc bán lại hợp đồng.
- Vị thế bán: Ngược lại với bên mua là khi nhà đầu tư bán lại hợp đồng, muốn đóng cần chờ điểm đáo hạn hoặc mua lại hợp đồng phái sinh.
- Giới hạn vị thế: Số lượng CKPS mà nhà đầu tư có thể sở hữu tại một thời điểm nhất định, yếu tố này dựa trên tài sản cơ sở, nhằm ổn định thị trường và tránh tình trạng đầu cơ tài chính.
Công thức tính giá 1 hợp đồng phái sinh
Sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là hợp đồng phái sinh đầu tiên được giao dịch tại thị trường Việt Nam và đây cũng là hợp đồng phái sinh chủ yếu nhất trên thị trường. Vì thế, dưới đây sẽ là công thức tính giá 1 hợp đồng phái sinh áp dụng với chỉ số VN30.
Nguyên tắc tính giá: Nhà đầu tư có thể dựa theo sự chênh lệch giá trị thanh toán cuối ngày cùng giá trung bình các vị thế. Việc tính toán riêng được thực hiện riêng cho từng mã hợp đồng.
Công thức tính mức chênh lệch (lãi/lỗ) vị thế cuối ngày:
VM cuối ngày= (DSPt – VWAP)* Số lượng HĐ* Hệ số nhân
Trong đó:
- VWAP: mức giá trị trung bình gia quyền theo số lượng
- DSP: mức chênh lệch giá trị thanh toán vào cuối ngày
Bao gồm 4 trường hợp VWAP:
- Bạn ở vị thế mua: VWAP= Giá trung bình gia quyền mua.
- Bạn ở vị thế bán: VWAP= Giá trung bình gia quyền bán.
- Số hợp đồng: dấu (+) nếu là vị thế mua, dấu (-) nếu là vị thế bán.
- Nếu không phát sinh giao dịch trong ngày VWAP = DSPt-1
Theo quy định mới từ Trung tâm lưu ký CKVN, cách tính giá thanh toán cuối cùng trong chứng khoán phái sinh sẽ là giá trị trung bình của chỉ số VN30 ở 30 phút cuối cùng trong ngày đáo hạn. Bao gồm của 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa. Việc tính toán sẽ loại trừ 3 mốc giá trị chỉ số cao nhất và 3 mốc giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục.
Ví dụ về vị thế mua và vị thế bán
Trong quá trình tìm hiểu về công thức tính giá hợp đồng, nhiều nhà đầu tư thường thắc mắc không biết vị thế mua và vị thế bán là thế nào. Để hiểu hơn về 2 khái niệm này, cùng tìm hiểu các ví dụ dưới đây:
Trong phiên giao dịch: Nhà đầu tư mở 4 vị thế mua hợp đồng tương lai mã VN30F1907 giá 880 và mở tiếp 1 vị thế mua khác cùng mã giá 890. Khi đó giá trung bình quyền mua = (4*880+1*890)/5 = 882.
Cũng trong ngày đó, nhà đầu tư mở luôn vị thế bán mã hợp đồng tương lai VN30F1907 giá 885, giá trung bình quyền bán = 885. Nhà đầu tư giữ nguyên trạng thái tài khoản đến hết ngày giao dịch, DPS = 890.
Công thức tính lãi = (890-882)*5*100000+(890-885)*(-4)*100000 = 4000000 – 2000000 = 2000000.
Như vậy sau khi kết thúc ngày, nhà đầu tư lãi 2 triệu đồng trong tài khoản.
Cách mua hợp đồng phái sinh
Cách thức giao dịch hợp đồng phái sinh cơ bản là giống thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua/bán qua cách thức trực tuyến trên sàn niêm yết hợp pháp. Bên cạnh đó, tính linh hoạt của chứng khoán phái sinh cho phép nhà đầu tư thực hiện bán khống, giao dịch tại ngày T0, chốt được lãi/lỗ ngay trong ngày.
- Để mua hợp đồng phái sinh bạn cần có tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Đây là tài khoản riêng biệt, nhà đầu tư có thể đăng ký online hoặc qua tổng đài của công ty chứng khoán.
- Sau đó bạn cần nộp tiền ký quỹ theo quy định, đảm bảo khả năng thanh toán bắt buộc và nghĩa vụ của các bên. Do thanh toán lãi/lỗ hàng ngày nên nhà đầu tư cần theo dõi tài khoản để nộp thêm nếu cần.
- Đặt lệnh giao dịch chứng khoán phái sinh theo mã đã định trước, cách thức giống như cổ phiếu. Hãy lưu ý đến thời gian đáo hạn của hợp đồng tương lai để chọn loại phù hợp.
- Thanh toán bù trừ vào cuối mỗi ngày giao dịch theo thực tế giá trị hợp đồng tương lai. Công ty chứng khoán sẽ gọi bổ sung ký quỹ (call margin) nếu số dư dưới ngưỡng quy định nếu lãi vượt quá thì có thể rút tiền về tài khoản.
Xác định ngày chốt hợp đồng phái sinh như thế nào?
Ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh hay còn gọi là ngày chốt hợp đồng phái sinh, chính là ngày có hiệu lực cuối cùng của hợp đồng. Nhà đầu tư cần đưa ra quyết định vị thế trước hoặc trong ngày này, đóng vị thế và tính toán mức lãi/lỗ. Ngoài ra, bạn cũng có thể giữ nguyên hợp đồng vô giá trị đáo hạn. Đến ngày đáo hạn phái sinh, tất cả giao dịch sẽ dừng lại và được thành tiền mặt.
Dựa theo quy định chung, thứ 5 của tuần 3 mỗi tháng là ngày đáo hạn phái sinh định kỳ. Ở bất kỳ thời điểm nào sẽ luôn có 4 hợp đồng tương lai được giao dịch. Các tháng thực hiện đáo hạn gồm tháng hiện tại, tháng kế tiếp và tháng cuối cùng của 2 quý gần nhất.
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã hiểu hợp đồng phái sinh là gì, cách tính giá và các thông tin liên quan. Để việc giao dịch phái sinh hiệu quả, bạn cần hiểu rõ các điều khoản, quy định, đọc kỹ hợp đồng trước khi giao dịch, để qua đó phòng ngừa rủi ro, nâng cao hiệu quả đầu tư nhé.