Homestay là mô hình lưu trú không quá mới, xuất hiện tại nước ta nhiều năm trở lại đây và đang trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn khi đi du lịch. Do đó, ý tưởng kinh doanh homestay ngày càng được nhiều người cân nhắc. Dù vậy, không phải ai cũng thành công trên con đường này. Trong bài viết dưới đây, VNSC sẽ giúp bạn hiểu hơn về loại hình này, đồng thời đưa ra một số kinh nghiệm khi đầu tư homestay.
Homestay là gì? Kinh doanh homestay là gì?
Homestay là mô hình lưu trú ở lại nhà người dân, được hình thành ở các khu vực phát triển du lịch bản địa. Người dân có nhà ở và nhiều phòng trống có thể cho khách du lịch thuê lại, như vậy họ sẽ có thêm thu nhập. Với khách du lịch sử dụng homestay, họ sẽ vừa có nơi lưu trú lại vừa có thể tiếp cận gần gũi với văn hóa vùng miền, tiếp cận với thói quen sinh hoạt của người dân bản địa.
Ngày nay, kinh doanh homestay phát triển mạnh mẽ hơn mang lại nhiều lựa chọn cho du khách và cả chủ đầu tư. Nhiều người xây dựng nhà ở tại các khu du lịch, thiết kế nội thất, không gian theo các phong cách khác nhau, hấp dẫn khách du lịch. Kinh doanh homestay được đầu tư chỉn chu hơn về không gian phòng cho thuê, dịch vụ cung cấp cho du khách, giá thành cũng rẻ hơn so với lưu trú khách sạn.
Đặc trưng của mô hình homestay
Du lịch homestay là một loại hình mới có nhiều điểm khác biệt và mang nét độc đáo riêng. Hãy cùng điểm qua nét đặc trưng của mô hình homestay mang lại:
- Homestay mang đến cho du khách môi trường sống bản địa, đậm nét văn hóa địa phương, đáp ứng với nhu cầu khám phá của nhiều người khi du lịch ở vùng đất mới. Khách du lịch sẽ ăn ngủ cũng người dân địa phương, có thể tham gia việc nhà cũng như tiệc tùng lễ hội tại nơi đó. Du lịch homestay mang lại trải nghiệm riêng và độc đáo cho du khách ở mỗi vùng đất.
- Không gian homestay thường được thiết kế đơn giản, thân thuộc và rất độc đáo nhưng vẫn được đáp ứng các tiện nghi theo yêu cầu. Tùy theo từng khu vực, đặc điểm kinh tế vùng miền mà nhà ở người dân được cải tạo để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn những không gian homestay hiện đại, đầy đủ tiện nghi hơn với mức giá cao hơn.
- Chi phí du lịch homestay thường khá thấp, thấp hơn so với nhà nghỉ, khách sạn, resort… Hiện nay, homestay cũng có nhiều mức giá, nhưng nhìn chung vẫn sẽ rẻ hơn so với du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp với những bạn trẻ thích du lịch trải nghiệm với ngân sách hạn hẹp.
- Du lịch homestay gần gũi, với không gian sinh hoạt chung nên rất dễ để kết bạn với người bản địa hay với du khách cùng chung nơi lưu trú. Bên cạnh đó, nhiều homestay còn tổ chức tiệc tối, camping, giao lưu lửa trại… Đây là những dịp tuyệt vời để bạn kết bạn, làm quen với nhiều người đến từ nhiều vùng đất khác nhau.
Chính những đặc trưng này đã khiến mô hình homestay trở nên hấp dẫn hơn với nhiều bạn trẻ, những người thích du lịch trải nghiệm, những người có lối sống du mục hay digital nomad…
Homestay khác gì khách sạn?
Đều là những hình thức lưu trú phổ biến hiện nay, homestay và khách sạn được nhiều du khách lựa chọn khi du lịch. Hãy cùng điểm qua sự khác biệt giữa homestay và khách sạn:
- Quy mô lưu trú: Homestay là loại hình lưu trú nhà dân, có quy mô nhỏ hơn so với mô hình khách sạn là lưu trú chuyên nghiệp có quy mô lớn.
- Trải nghiệm du khách: Không gian homestay gần gũi, thân thuộc và hòa mình với văn hóa địa phương. Trong khi mô hình lưu trú khách sạn chuyên nghiệp, riêng tư và tính kết nối hạn chế hơn so với homestay.
- Dịch vụ: Các loại hình dịch vụ cung cấp cho du khách của homestay hạn chế hơn, phụ thuộc vào đặc điểm địa hình và mức độ đầu tư của nhà dân, nên chi phí thấp. Khách sạn được trang bị nhiều tiện nghi hiện đại, dịch vụ đi kèm, kéo theo chi phí đắt đỏ.
- Phù hợp với đối tượng nào: Homestay phù hợp với những người yêu thích khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương, không yêu cầu cao về tính riêng tư, có ngân sách hạn chế. Du khách khách sạn phù hợp với những người đề cao tính riêng tư, trải nghiệm dịch vụ đa dạng, có ngân sách lớn để du lịch.
Ngày nay, nhiều mô hình homestay được phát triển một cách chuyên nghiệp, với đầu tư mạnh mẽ hơn về không gian, dịch vụ cho du khách, mang đến sự riêng tư cần thiết và kết nối linh hoạt, mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách du lịch.
Có nên đầu tư kinh doanh homestay hay không?
Homestay được hình thành nhiều ở những khu vực nổi tiếng về du lịch, thu hút nhiều du khách bởi cảnh đẹp, văn hóa nổi bật, không gian trong lành… Mô hình kinh doanh homestay đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, có nên đầu tư kinh doanh homestay hay không? Điều này cần phải xem xét nhiều yếu tố về lợi và hạn chế với mô hình lưu trú này.
Lợi thế và ưu điểm khi đầu tư kinh doanh homestay:
- Tiềm năng phát triển lớn: Du lịch ngày càng bùng nổ, đặc biệt khi công nghệ phát triển càng tạo cơ hội cho khách du lịch tiếp cận với loại hình lưu trú này. Đặc biệt với các khu vực có thắng cảnh đẹp, văn hóa độc đáo thì việc phát triển du lịch homestay sẽ thu hút nhiều du khách lựa chọn nhờ những trải nghiệm thú vị và chi phí phải chăng.
- Lợi nhuận hấp dẫn: Mô hình homestay cơ bản không cần đầu tư quá nhiều các chi phí ban đầu. Bởi bạn sẽ tận dụng căn nhà có sẵn, thu lại lợi nhuận từ việc cho thuê, cung cấp dịch vụ phụ. Tùy vào mô hình homestay, đầu tư mà chi phí cho thuê cũng tăng lên. Nhìn chung, kinh doanh homestay sẽ là một cách để bạn tạo ra lợi nhuận từ tài sản có sẵn.
- Dễ thu hồi vốn: Bởi chi phí đầu tư ban đầu thấp, chi phí dịch vụ và duy trì mô hình cũng không cao như các loại hình lưu trú chuyên nghiệp. Điều này sẽ giúp chủ đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn, chuyển đổi mô hình và mục đích sử dụng.
- Các quy định về lưu trú không quá phức tạp: So với mô hình khách sạn, nhà nghỉ thì đăng ký kinh doanh homestay sẽ đơn giản, dễ thực hiện hơn với ít thủ tục và điều kiện yêu cầu.
Hạn chế khi kinh doanh homestay du lịch:
- Cạnh tranh khốc liệt: Hiện nay, xu hướng đầu tư kinh doanh homestay khá nhiều, phát triển mạnh mẽ đặc biệt ở các khu vực du lịch. Mức độ cạnh tranh của các homestay hiện nay rất khốc liệt, yêu cầu chủ đầu tư cần đầu tư chỉn chu, xây dựng hoàn chỉnh, cung cấp dịch vụ tốt hơn… để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của du khách.
- Yêu cầu nhân lực quản lý, vận hành: Kinh doanh homestay hiện nay sẽ cần sự quản lý chuyên nghiệp hơn, để cung cấp trải nghiệm tốt cho khách hàng. Điều này yêu cầu bạn cần có năng lực trong quản lý lưu trú, quản lý tài sản hoặc thuê người có năng lực để vận hành, nhằm giải quyết các rắc rối phát sinh về phòng, khách hàng.
- Khó giữ chân khách hàng cũ: Du khách chọn ở homestay thường là người trẻ thích trải nghiệm, khám phá, nên thường thay đổi không gian lưu trú để tăng trải nghiệm. Để giữ chân khách hàng cũ, chủ homestay cần có chiến lược kinh doanh, tạo sự yêu thích, chất lượng nổi bật hay các dịch vụ níu chân khách hàng, khách hàng quay trở lại.
- Các rắc rối khác liên quan đến quản lý từ xa hay việc thuê mặt bằng để làm homestay, nếu bạn không có sẵn nhà ở từ trước.
Nhìn chung, kinh doanh homestay không hề đơn giản, chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến tìm kiếm khách hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ để được đánh giá cao, chi phí đầu tư ban đầu… Tuy nhiên, kinh doanh homestay vẫn là một mô hình lý tưởng cho những ai muốn gia tăng thu nhập, yêu thích đầu tư mạo hiểm và muốn kết nối những người trẻ thích du lịch. Việc đầu tư homestay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan của chủ đầu tư và khu vực.
Chi phí xây dựng một homestay bao nhiêu tiền?
Vấn đề đầu tiên để đầu tư một homestay là kinh phí, chi phí đầu tư ban đầu. Để xây dựng một homestay ban đầu cần chi bao nhiêu tiền?
Các chi phí ban đầu để xây dựng một homestay cần lưu ý:
- Chi phí mua nhà hoặc thuê nhà để đầu tư ban đầu: Đây là khoản chi phí lớn nhất mà nhà đầu tư homestay cần bỏ ra. Với những người có sẵn không gian, nhà ở các khu vực phát triển du lịch sẽ là một lợi thế lớn. Chi phí thuê nhà sẽ tùy từng khu vực, chi phí nhà đất có thể lên đến vài chục triệu/ tháng. Ở các khu vực trung tâm chi phí thuê và mua sẽ càng đắt đỏ, nên bạn cần cân nhắc lựa chọn vị trí thuê nơi đặt homestay, nơi có pháp lý rõ ràng.
- Chi phí thiết kế nội & ngoại thất cho homestay: Thiết kế nội – ngoại thất đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sức hút của homestay đến du khách. Ngày nay, du khách đưa ra tiêu chí cao về không gian sống đẹp, chill, phong cách ấn tượng, nên gia chủ cần chú ý đến khoản đầu tư này. Chi phí thiết kế nội thất sẽ tùy thuộc vào vật liệu nội thất sử dụng, số lượng và khối lượng không gian cần đầu tư. Chi phí có thể được tối ưu khi bạn tận dụng đồ nội thất cũ và có sẵn, nhưng cũng sẽ cao nếu đầu tư ban đầu hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, chi phí thi công cũng sẽ là một khoản lớn cần lưu ý khi thiết kế thi công lại homestay.
- Chi phí đầu tư đồ gia dụng điện tử cho không gian lưu trú: Hiện nay, các homestay đều cung cấp không gian phòng lạnh, tủ lạnh, máy giặt, khu bếp nấu ăn chung… Các thiết bị gia dụng này cần thiết để nâng cao trải nghiệm cho du khách khi lưu trú tại homestay của bạn. Nếu bạn tận dụng được những đồ có sẵn trong gia đình sẽ tiết kiệm được một khoản lớn.
- Chi phí marketing ban đầu: Một homestay mới thành lập sẽ khó tiếp cận khách hàng, do đó, bạn cần học cách marketing cho công việc kinh doanh của bạn hoặc thuê một đơn vị agency để thực hiện việc này.
Chi phí ban đầu đầu tư cho homestay mới có thể chỉ dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng hoặc cả tỉ đồng. Tùy theo yêu cầu của chủ đầu tư, không gian mà bạn sẵn sàng đầu tư để phục vụ du khách. Hãy cân đối tùy theo năng lực tài chính, đồng thời đảm bảo giá trị riêng của không gian để tăng tính cạnh tranh.
Kinh nghiệm đầu tư homestay từ người đi trước
Đầu tư homestay cần sự chuẩn bị đầy đủ của nhiều yếu tố, nghiên cứu thị trường, đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp mới mong đạt được kết quả tốt. Một số kinh nghiệm kinh doanh từ người đi trước với mô hình homestay mà bạn có thể tham khảo:
Cần chuẩn bị gì để mở homestay?
Để đầu tư mở homestay, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tâm lý và vật chất để bắt đầu thuận lợi. Những yếu tố quan trọng cần chuẩn bị để mở homestay theo kinh nghiệm người đi trước:
- Vốn đầu tư: Vốn đầu tư sẽ tùy thuộc vào năng lực tài chính, hoàn cảnh và tình trạng của mỗi người. Thông thường, vốn đầu tư homestay sẽ dao động từ 200-500 triệu đồng sẽ có một mô hình hoàn chỉnh và có thể đưa vào hoạt động. Ngoài vốn đầu tư ban đầu bạn cần tính toán đến chi phí vận hành, thuê nhân công, người quản lý homestay. Tính toán kỹ lưỡng các mục cần đầu tư cho homestay mơ ước để tối ưu chi phí phù hợp nhất.
- Nghiên cứu thị trường: Để mở homestay bạn cần cập nhật xu hướng, nhu cầu thị trường ở thời điểm hiện tại, qua điểm về mở homestay để lựa chọn chủ đề – nội dung và phong cách cho nơi lưu trú. Khoanh vùng nhóm khách hướng đến để xây dựng không gian phù hợp, lên kế hoạch đầu tư.
- Lựa chọn mặt bằng mở homestay: Với những người có sẵn mặt bằng thuận lợi sẽ là lợi thế, nhưng nếu phải đi mua hoặc đi thuê, bạn cần cân nhắc các yếu tố gần khu vực trung tâm, thuận lợi di chuyển hay không, chi phí thuê, pháp lý minh bạch…
- Đăng ký cấp phép kinh doanh homestay: Chủ đầu tư cần hoàn thành các thủ tục như đăng ký kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự…
- Kỹ năng vận hành cơ sở lưu trú: Kinh doanh dịch vụ lưu trú khá phức tạp, bạn cần có kiến thức quản trị, quản lý lưu trú, kinh doanh, quản lý tài chính, vận hành… Để giúp homestay đi vào hoạt động hiệu quả, kiểm soát dòng tiền, an ninh trật tự cho du khách và cả bản thân.
Xây dựng chiến lược kinh doanh homestay hiệu quả
Kinh doanh homestay hiệu quả, thành công cần thực hành, học hỏi và kinh nghiệm. Dưới đây là một số tip giúp bạn xây dựng homestay thu hút du khách, tạo được sự hài lòng cho khách đến du lịch:
- Thiết kế không gian homestay độc đáo, hấp dẫn du khách và nhóm khách hàng hướng đến. Chủ đề, nội dung của không gian nội – ngoại thất cần được chú ý bởi du khách ngày nay rất thích check-in, chụp ảnh, những không gian chill hợp phong cách.
- Đầu tư không gian ấm cúng nhưng vẫn riêng tư, kết nối mọi người hoặc nhiều không gian khác nhau đáp ứng sở thích riêng của mỗi người.
- Đầu tư vào dịch vụ tại homestay: Căn bếp tiện nghi, dịch vụ giặt sạch sẽ hoặc chủ động, dịch vụ cho thuê xe máy xe đạp… Hướng đến trải nghiệm du khách tiện nghi, hiện đại, sạch sẽ và an toàn tại homestay.
- Chủ homestay cần là người hiểu biết về khu vực bản địa, có kinh nghiệm độc đáo để chia sẻ với du khách.
- Xây dựng chiến lược marketing online hoàn hảo, thu hút qua các kênh mạng xã hội: Tiktok, Facebook, Youtube, các diễn đàn… Để tiếp cận được với nhiều du khách hơn.
- Sử dụng phần mềm quản lý, camera giám sát an ninh, quản lý từ xa nhưng vẫn đảm bảo sát xao.
Trên đây là những vấn đề thường được nhắc đến khi đầu tư kinh doanh homestay – mô hình du lịch bản địa độc đáo. Hy vọng thông tin trên đây sẽ hữu ích cho bạn đọc quan tâm đến mô hình homestay, hiểu hơn để chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch đầu tư của mình.