Giảm trừ gia cảnh là một giải pháp do Nhà nước đề ra nhằm tạo điều kiện cho những cá nhân thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với những đối tượng phụ thuộc. Giảm trừ gia cảnh 2023 được tính như thế nào? Làm thế nào để được công nhận là người phụ thuộc để hưởng mức giảm trừ gia cảnh?
Giảm trừ gia cảnh là gì?
Giảm trừ gia cảnh được hiểu là phần tiền trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế, được quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nguyên tắc để để tính mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là mỗi người phụ thuộc được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.
Ví dụ, bạn và chồng kết hôn, đồng thời có 2 người con A và B đều là người phụ thuộc, nằm trong đối tượng được giảm trừ thuế. Nếu chồng bạn liệt kê cả hai người vào danh sách giảm trừ thì bạn sẽ không được nhận miễn giảm nữa và ngược lại.
Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh đang được áp dụng là:
- 11 triệu đồng/tháng (tức 132 triệu đồng/năm) đối với bản thân người nộp thuế.
- Mỗi người phụ thuộc sẽ được hưởng mức giảm trừ là 4,4 triệu đồng/tháng.
Điều kiện được giảm trừ gia cảnh 2023
Để được xác định là người phụ thuộc và được giảm trừ gia cảnh cần tuân theo những nguyên tắc như sau.
Đối tượng nào được xác định là người phụ thuộc?
Những đối tượng được xác định là người phụ thuộc bao gồm:
– Con của người nộp thuế: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của chồng/vợ, cụ thể các trường hợp bao gồm:
– Con dưới 18 tuổi (độ tuổi tính đủ theo tháng).
– Con từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị khuyết tật, mất khả năng lao động.
– Con đang theo học tại trong hoặc ngoài Việt Nam, bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Con từ 18 tuổi trở lên đang học phổ thông (bao gồm cả thời gian chờ kết quả thi đại học) và không có thu nhập hoặc có nhưng thu nhập trung bình mỗi tháng trong năm không vượt quá 01 triệu đồng.
Vợ/chồng của người nộp thuế:
– Người trong độ tuổi lao động bị khuyết tật, mất khả năng lao động; Không có thu nhập hoặc có thu nhập trung bình mỗi tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.
– Người ngoài độ tuổi lao động không có thu nhập hoặc có thu nhập mỗi tháng trung bình trong năm không vượt quá 01 triệu đồng.
Cha, mẹ của người nộp thuế: Cha/mẹ đẻ; cha/mẹ chồng (hoặc cha/mẹ vợ); cha dượng, mẹ kế; cha/mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện theo quy định tại mục 3.2.
Các cá nhân không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang nuôi dưỡng trực tiếp: gia đình, anh em ruột thịt hoặc người được giám hộ, nuôi dưỡng theo quy định Pháp luật
Cần những hồ sơ nào để chứng minh người phụ thuộc?
Hồ sơ chứng minh nhằm cung cấp các thông tin chính xác để xác minh sự thật và tính vào giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc đối với con
Trong các trường hợp người phụ thuộc là con của người nộp thuế, nếu con dưới 18 tuổi thì hồ sơ bảo gồm bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân (nếu có).
- Nếu con lớn hơn 18 tuổi nhưng mất khả năng lao động, bị khuyết tật thì bao gồm nhưng giấy tờ như trên kèm theo bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật hoặc giấy tờ chứng minh các bệnh gây mất khả năng lao động.
- Nếu con đang theo học các bậc cần có Bản chụp Giấy khai sinh; Bản chụp thẻ sinh viên/xác nhận của nhà trường hoặc các giấy tờ liên quan chứng minh là học sinh của trường.
- Đối với con nuôi, con riêng, con ngoài giá thú, con riêng, hồ sơ bao gồm những giấy tờ tùy thân cơ bản là bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp CCCD/CMND kèm theo giấy tờ có khả năng chứng minh quan hệ như quyết định công nhận con nuôi.
Hồ sơ minh chứng người phụ thuộc đối với vợ/chồng
Nếu vợ/chồng là người phụ thuộc, có hai trường hợp:
- Trường hợp vợ/chồng nằm ngoài độ tuổi lao động:
- Bản chụp CMND/CCCD.
- Bản chụp Giấy xác nhận thông tin cư trú/Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay bất kỳ giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân theo quy định pháp luật.
- Trường hợp vợ/chồng nằm trong độ tuổi lao động:
- Bản chụp CMND/CCCD
- Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân được Nhà nước chấp thuận.
- Bằng chứng, giấy tờ đảm bảo người phụ thuộc không còn khả năng lao động như Bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật; Bản chụp hồ sơ bệnh án,…
Hồ sơ minh chứng người phụ thuộc đối với cha/mẹ
Trong trường hợp người phụ thuộc và cha mẹ của người đóng thuế và ngoài độ tuổi lao động, các giấy tờ cần có bao gồm:
- Bản chụp CMND/CCCD.
- Giấy tờ hợp pháp chứng minh quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế.
Nếu cha mẹ trong độ tuổi lao động nhưng không có khả năng lao động, cần có giấy tờ chứng minh là người khuyết tật hoặc các bệnh gây mất khả năng lao động.
Hồ sơ chứng minh cho các cá nhân khác là người phụ thuộc
Đối với những đối tượng khác là người phụ thuộc như anh, chị, em, họ hàng được người nộp thuế nuôi dưỡng, hồ sơ chứng minh bao gồm:
- Bản chụp CMND/CCCD.
- Các giấy tờ hợp pháp chứng minh trách nhiệm nuôi dưỡng của người nộp thuế đối với người phụ thuộc.
Nếu người phụ thuộc trong độ tuổi lao động hồ sơ cần có các giấy tờ trên kèm theo giấy tờ chứng minh không có khả năng lao động.
Nguyên tắc giảm trừ gia cảnh
Nguyên tắc giảm trừ gia cảnh được quy định tại điểm (c) khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Đối với bản thân người nộp thuế
– Nếu người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập cùng lúc ở nhiều nơi thì nên lựa chọn một nguồn thu nhập để tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân.
– Người nước ngoài giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng đầu tiên ở Việt Nam đến thời điểm kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế.
– Trường hợp tính thuế cá nhân cho người nộp thuế trong năm đó chưa giảm trừ gia cảnh hoặc giảm trừ chưa đủ 12 tháng thì sẽ được giảm trừ nốt thời gian còn thiếu khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.
Đối với người phụ thuộc
– Nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế thì sẽ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
– Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là hình thức cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và người này được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Nếu người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.
– Mỗi người phụ thuộc chỉ được giảm trừ một lần duy nhất vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trong trường hợp nhiều người nộp thuế có cùng người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để chọn một người đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Hướng dẫn đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc
Việc đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh có thể thực hiện qua tổ chức/cá nhân trả thu nhập (nếu được ủy quyền) hoặc người nộp thuế trực tiếp đăng ký người phụ thuộc với cơ quan thuế theo hai hình thức online hoặc trực tiếp tại cơ quan thuế.
Hồ sơ đăng ký người phụ thuộc được quy định tại khoản 10 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC như sau:
Cá nhân tự chuẩn bị hồ sơ giảm trừ gia cảnh
Để thực hiện đăng ký người phụ thuộc, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu hiện hành
- Bản sao Căn cước công dân còn hiệu lực (Đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên).
- Bản sao Giấy khai sinh hoặc Hộ chiếu (Đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam dưới 14 tuổi)
Ngoài ra, nếu trường hợp người phụ thuộc là người nước ngoài thì cần Bản sao hộ chiếu còn hiệu lực.
Doanh nghiệp uỷ quyền đăng ký người phụ thuộc cho người lao động
Người nộp thuế ủy quyền cho công ty đăng ký thuế, hồ sơ như sau:
Bước 1: Người nộp thuế cần cung cấp đầy đủ các giấy tờ sau cho công ty uỷ quyền:
– Mẫu giấy ủy quyền đăng ký người phụ thuộc.
– Giấy tờ tùy thân của người phụ thuộc (tương tự như khi cá nhân tự đăng ký người phụ thuộc)
– Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc.
Bước 2: Công ty nộp Mẫu 20-ĐK-TH-TCT (Mẫu 02TH) cho cơ quan thuế có thẩm quyền:
– Việc nộp hồ sơ được tiến hành online nên yêu cầu doanh nghiệp phải có Chữ ký số (Token).
– Doanh nghiệp thực hiện khai trực tiếp trên thuedientu.gdt.gov.vn hoặc kê khai qua bảng Excel và nộp qua thuedientu.gdt.gov.vn.
Nhìn chung, mức giảm trừ gia cảnh 2023 áp dụng đối với khoản thu nhập nhận được trong năm 2022 của cá nhân cư trú không có thay đổi so với kỳ tính thuế năm trước.
Thông qua bài viết này, độc giả có thể hiểu rõ hơn về các trường hợp giảm trừ gia cảnh cũng như nguyên tắc giảm trừ tương ứng đối với các trường hợp. Hy vọng độc giả có thể áp dụng chính xác để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.