Theo phân tích của VPBanks Research, thị trường điện Việt năm 2025 sẽ đối mặt với những thay đổi lớn từ nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, thách thức cân bằng cung – cầu và các chính sách năng lượng mới. Đây là giai đoạn định hình quan trọng cho toàn ngành điện.
Theo kịch bản của EVN, sản lượng điện toàn hệ thống 2025 được dự báo đạt 339,2 tỷ kWh, tăng 9,4% so với năm 2024. Ở kịch bản tăng trưởng cao hơn, sản lượng có thể đạt 351 tỷ kWh, tương đương tăng 13,2%. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 7-8%, Bộ Công Thương đã chuẩn bị kịch bản dự phòng với mức tăng trưởng nhu cầu điện 11-14,5%.
Tuy nhiên, căn bằng cung cầu vẫn là bài toán lớn. Tổng công suất lắp đặt dự kiến 151.550 MW vào 2030, việc khai thác thực tế phụ thuộc vào tiến độ của các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) và điện khí hóa lỏng (LNG). Bên cạnh đó, Em Niño được dự báo sẽ gây hạn hán làm giảm tỷ trọng thủy điện từ 29% xuống 25%.
Chênh lệch cung – cầu, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm có thể gây áp lực lớn lên hệ thống điện, gồm nguy cơ tăng giá, giảm độ tin cậy của nguồn cung.
Giá nhiên liệu: Biến số chi phối chi phí sản xuất điện
Theo VPBankS Research, giá nhiên liệu sơ cấp sẽ liên tục là yếu tố tác động lớn với chi phí sản xuất điện 2025. Giá khí hóa lỏng được dự báo tăng 15%, chủ yếu do nhu cầu tăng từ châu Á và châu Âu. Than đá – Nguồn cung cấp điện chính chiếm 32% sản lượng điện – được kỳ vọng sẽ duy trì mức giá cao vì chi phí logistic và điều kiện khai thác khó khăn.
EVN cho biết khoảng 60% tổng sản lượng điện phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này khiến thị trường dễ bị tổn thương trước những biến động giá nhiên liệu nhập khẩu. Bộ Công Thương nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp ổn định giá nhập khẩu và khai thác nguồn năng lượng nội địa, phát triển NLTT nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, giá công suất (CAN) của các dự án NLTT có thể tăng nhẹ 0-4% do ảnh hưởng bởi chi phí tỷ giá và các yếu tố đầu vào. Đây là thách thức đáng kể với các nhà đầu tư trong ngành.
Chính sách và triển vọng của thị trường điện
Luật Điện lực 2024 đặt nền móng cho thị trường điện cạnh tranh, minh bạch hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế giá bán lẻ mới vẫn còn nhiều trở ngại. VPBanks Research dự báo giá bán lẻ điện sẽ tăng 5-7% trong năm 2025 để phản ánh đúng chi phí sản xuất và phân phối, đồng thời đảm bảo sự ổn định lâu dài cho thị trường.
Các dự án NLTT, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió – dự kiến sẽ bổ sung thêm 10.000 MW công suất vào hệ thống. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, gồm chính sách trợ giá cho NLTT, cải tiến công nghệ lưu trữ năng lượng và thúc đẩy thị trường mua bán trực tiếp.
Năm 2025, thị trường điện Việt được kỳ vọng sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ nhu cầu điện tiêu thụ tăng mạnh, áp lực giá nhiên liệu. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các chính sách năng lượng và sự đầu tư vào NLTT, ngành điện được kỳ vọng sẽ ổn định và phát triển bền vững. Đây là cơ hội lớn để thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng cũng sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa người dùng, nhà sản xuất và nhà nước.