Ban lãnh đạo FPT cho rằng, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20% trong 5 năm tới là thách thức nhưng sẽ quyết tâm để hoàn thành.
Ngày 15/4, Tập đoàn FPT sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý, một cổ đông đã góp ý về việc nâng mức sinh lời cổ đông (TSR) trong công thức tính toán tỷ lệ ESOP từ 10% lên 15%. Lý do cổ đông này đưa ra là TSR của FPT trong giai đoạn 5 năm qua lên đến tới hơn 40% và con số 10% trong kế hoạch chưa đủ hấp dẫn.
Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Phương – Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết, con số 10% không phải là mục tiêu ban lãnh đạo công ty đặt ra để hưởng ESOP. Thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. “Chúng tôi không có ý định tác động đến giá cổ phiếu mà chỉ tập trung tăng trưởng lợi nhuận”, ông Phương nhấn mạnh.
Nhìn vào thị trường chứng khoán thời gian qua, có thể hiểu được phần nào sự khó lường của diễn biến giá cổ phiếu. Là một trong những cái tên tăng trưởng bền bỉ nhất sàn, FPT đang chịu áp lực bán mạnh thời gian gần đây dưới áp lực chốt lời và tâm lý lo ngại của nhà đầu tư với các rủi ro từ bên ngoài. Từ đầu năm, thị giá FPT đã giảm gần 24%, vốn hóa tương ứng còn hơn 170.000 tỷ.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc FPT cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20% trong 5 năm tới là thách thức nhưng sẽ quyết tâm để hoàn thành. Chia sẻ quan điểm này, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT đánh giá 2025 là một năm khó khăn ngút trời và cơ hội không thể tưởng tượng được.
Theo ông Trương Gia Bình, khó khăn đến từ các chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự thay đổi chính sách chóng mặt khiến doanh nghiệp không kịp xoay sở, thích ứng. Ngược lại, cơ hội đến từ những thay đổi mang tính cách mạng trong nội tại quốc gia hướng tới kỷ nguyên vươn mình.
“Trong quá khứ, chúng ta đã phải đối mặt với những thế lực mạnh không tưởng được và vượt qua. Lần này tôi cảm nhận cũng vậy, chúng ta sẽ vượt qua và vươn lên sánh ngang cùng các nước tiên tiến, phát triển. Chúng ta đi lên bằng con đường nào. Khoa học – Công nghệ – Đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi số. Với sức mạnh công nghệ như vậy chúng ta có thể thành những tổ chức cạnh tranh nhất”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT cho biết, kế hoạch đã được HĐQT thông qua từ đầu năm. Tuy nhiên, tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, do đó, FPT cũng trình cổ đông uỷ quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2025 phù hợp với tình hình thế giới trong trường hợp cần thiết.
Năm nay, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam sẽ có năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trên 20%.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT cho biết, kế hoạch này đã được HĐQT thông qua từ đầu năm. Tuy nhiên, tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, do đó, FPT trình cổ đông uỷ quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2025 phù hợp với tình hình thế giới trong trường hợp cần thiết và được thông qua.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, FPT dự kiến chia cổ tức cho năm 2024 tỷ lệ 20% bằng tiền mặt (2.000 đồng/cp). Doanh nghiệp đã tạm ứng 10% trong năm 2024, còn lại 10% sẽ chi trả sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt, dự kiến trong quý 2/2025. Với 1,47 tỷ cổ phiếu lưu hành, FPT dự kiến sẽ chi gần 1.500 tỷ cho đợt cổ tức tới đây. Cổ tức 2025 dự kiến 20% bằng tiền.
Về kế hoạch tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, FPT dự kiến sẽ phát hành thêm 222,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15%). Thời gian thực hiện sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt và hoàn tất các đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) nhưng không muộn hơn quý 3/2025. Sau phát hành, FPT sẽ nâng vốn điều lệ từ 14.711 tỷ lên mức 16.933 tỷ đồng.