FOMO là hiệu ứng tâm lý phổ biến trong chứng khoán, khiến nhà đầu tư vội vàng đưa ra quyết định dẫn tới thua lỗ. Vậy FOMO trong chứng khoán là gì? Biểu hiện, nguyên nhân và cách kiểm soát FOMO như thế nào? Mời bạn cùng VNSC tìm hiểu về hiệu ứng tâm lý này trong bài viết dưới đây.
FOMO trong chứng khoán là gì?
FOMO (Fear of Missing Out) được hiểu là tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội, thông tin, điều quan trọng nào đó. Trong chứng khoán, FOMO khiến nhà đầu tư sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm lợi nhuận cao mà hành động theo cảm tính thay vì phân tích kỹ lưỡng. FOMO trong chứng khoán thường xuất hiện khi giá cổ phiếu tăng nhanh với khối lượng giao dịch lớn.
Ví dụ: Giá cổ phiếu X ngày 1/2 là 15.000đ/cp, những ngày tiếp theo đột ngột tăng mạnh liên tục lên 17.000đ/cp, 18.000đ/cp, 20.000đ/cp và 23.000đ/cp và chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều nhà đầu tư FOMO đã nhanh chóng mua vào cổ phiếu X với số lượng lớn. Tuy nhiên, ngày 6/2 giá cổ phiếu giảm sàn, khiến nhiều người thua lỗ khi mua ở giá cao.
Tuy nhiên, FOMO không chỉ xuất hiện ở những nhà đầu tư mới mà ngay cả những người có kinh nghiệm cũng có thể bị ảnh hưởng. Đây là một trong những yếu tố chính khiến thị trường tài chính biến động mạnh, có thể tạo ra các bong bóng đầu cơ.
Biểu hiện của FOMO trong đầu tư chứng khoán
FOMO có thể dễ dàng nhận thấy thông qua những biểu hiện sau:
- Mua cổ phiếu chỉ vì thấy giá tăng mạnh: Nhà đầu tư không quan tâm đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ mua vì sợ bỏ lỡ cơ hội sinh lời khi giá đang tăng mạnh.
- Bị ảnh hưởng bởi tin đồn và truyền thông: Khi thấy báo chí, mạng xã hội hoặc cộng đồng đầu tư xuất hiện nhiều thông tin tích cực, dự đoán tốt về một mã cổ phiếu nào đó, nhà đầu tư dễ dàng bị cuốn theo, vội vàng đặt lệnh mua.
- Không có kế hoạch đầu tư rõ ràng: Nhà đầu tư mua vào theo cảm xúc, không xác định điểm chốt lời hoặc cắt lỗ hợp lý.
Nguyên nhân dẫn đến FOMO trong chứng khoán
FOMO xuất hiện do nhiều yếu tố tác động đến tâm lý nhà đầu tư, bao gồm:
- Tâm lý đám đông: Khi thấy nhiều người mua và có thể kiếm lợi nhuận từ một cổ phiếu, nhà đầu tư có xu hướng làm theo mà không cần phân tích.
- Sự phóng đại của truyền thông: Tin tức về những người kiếm được lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn dễ tạo cảm giác “mình cũng có thể làm được như vậy” và thúc đẩy tâm lý FOMO.
- Thiếu kinh nghiệm: Nhà đầu tư mới thường chưa có khả năng kiểm soát cảm xúc, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn của thị trường.
- Thị trường biến động mạnh: Khi giá cổ phiếu tăng nhanh, nhà đầu tư bị kích thích bởi lợi nhuận tiềm năng và lao vào mua mà không suy xét kỹ.
Hậu quả của FOMO đối với nhà đầu tư
FOMO trong chứng khoán có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khiến nhà đầu tư chịu rủi ro lớn, thậm chí mất trắng, cụ thể:
- Mua ở đỉnh giá và bị kẹt lỗ: Khi thị trường tăng mạnh, nhiều người mua vào mà không nhận ra rằng giá đã quá cao. Khi thị trường đảo chiều, họ bị mắc kẹt với cổ phiếu mất giá.
- Bán tháo do hoảng loạn: Khi giá giảm, nhà đầu tư FOMO thường không giữ được bình tĩnh, tìm mọi cách để bán tháo, chấp nhận chịu lỗ.
- Mất cơ hội đầu tư tốt hơn: Thay vì đầu tư vào những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, nhà đầu tư FOMO thường chạy theo những cổ phiếu quá nóng mà thiếu sự ổn định trong nội tại doanh nghiệp nên dễ bị điều chỉnh mạnh. Khi có cơ hội tốt thực sự, nhà đầu tư không còn vốn để tham gia.
- Tăng rủi ro tài chính cá nhân: Một số nhà đầu tư sợ bỏ lỡ cơ hội nhưng chưa có vốn ngay đã lựa chọn dùng margin để mua cổ phiếu. Như vậy, khi giá giảm, những nhà đầu tư này sẽ phải chịu thua lỗ hơn nhiều so với người bình thường.
Cách kiểm soát FOMO trong chứng khoán
Để tránh rơi vào bẫy FOMO trong chứng khoán, khi đầu tư, bạn có thể áp dụng những nguyên tắc sau:
- Xây dựng kế hoạch đầu tư rõ ràng: Hãy lập chiến lược đầu tư dài hạn, xác định mức chốt lời và cắt lỗ hợp lý trước khi tham gia thị trường. Khi giao dịch, nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch, đặt lệnh chốt lời và cắt lỗ ngay sau khi đặt lệnh mua.
- Tập trung vào phân tích cơ bản và kỹ thuật: Biến động giá chỉ phản ánh một phần thị trường, bạn không nên chỉ nhìn vào giá cổ phiếu mà hãy xem xét tình hình tài chính, tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trước khi quyết định mua một mã cổ phiếu nào đó.
- Giữ tâm lý vững vàng, không chạy theo đám đông: Bạn nên rèn luyện thói quen phân tích thị trường trước khi đưa ra quyết định mua. Điều này giúp bạn giữ tâm lý vững vàng, không vội vàng đặt lệnh mua khi giá đang tăng cao.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: FOMO trong chứng khoán có thể khiến bạn đặt hết số tiền vào một mã cổ phiếu. Bạn nên chia số vốn hợp lý cho nhiều mã khác nhau, nhiều loại tài sản khác nhau để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư.
- Kiểm soát lòng tham: Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro lớn, FOMO có thể khiến bạn quên mất điều này, thay vào đó là lòng tham khiến bạn mua vội vàng. Học cách kiếm soát lòng tham giúp bạn bình tĩnh khi giá tăng cao, tránh rơi vào FOMO hiệu quả.
Trên đây là những thông tin về khái niệm, biểu hiện, nguyên nhân và hậu quả khi nhà đầu tư bị cuốn vào FOMO trong chứng khoán. VNSC mong rằng bài viết này có thể giúp bạn nắm rõ biểu hiện và hậu quả của FOMO trong chứng khoán từ đó tránh rơi vào hiệu ứng tâm lý này, bình tĩnh đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả.
Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư. Nội dung chia sẻ có thể đã cũ do yếu tố thời gian. Vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.
VNSC by Finhay – Tích lũy và đầu tư từ đây
Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006
- Website: https://vnsc.vn
- Hỗ trợ trực tiếp: m.me/finhayvn
- Group Cộng đồng Finhay: https://www.facebook.com/groups/finhay/