Sách trắng 2025 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) công bố ngày 11/4 đã tiết lộ thêm các thông tin về thị trường ô tô ở Việt Nam, vốn không có ở báo cáo của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA).
VinFast – Huyndai – Toyota chiếm 46% thị phần
Báo cáo của EuroCham cho thấy VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Hyundai (trong liên doanh Hyundai của Hàn Quốc và Tập đoàn Thành Công của Việt Nam), Toyota là 3 thương hiệu đang dẫn đầu thị trường tính đến cuối năm 2024 với thị phần 18%, 14% và 14%.
Tổng thị phần của 3 'ông trùm' này là 46%.
Số liệu của EuroCham
Các thương hiệu ô tô khác với thị phần lớn là Ford với 9%, Mitsubishi với 9%, KIA với 7%, Mazda với 7%, và Honda với 6%. Đây đều là các thành viên của VAMA.
Riêng về phân khúc cao cấp, EuroCham cho biết khối này chiếm thị phần tương đối nhỏ, khoảng 6% tổng thị trường ô tô Việt Nam. Các thương hiệu châu Âu, bao gồm Mercedes, BMW, Audi và Porsche, nắm giữ thị phần khoảng 3%, với khoảng 8.000 đăng ký xe mới.
Một tổ chức khác là Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố báo cáo định kỳ, cho biết năm 2024, Việt Nam có 6,3 triệu ô tô trên dân số 100 triệu người.
Trong đó, VinFast không cung cấp số liệu trong báo cáo của VAMA và Hyundai không là thành viên của VAMA.
Thị trường ô tô tăng trưởng 12,6%
Số liệu của EuroCham cho thấy số lượng đăng ký xe tăng vọt trong tháng 9-11 (màu xanh lá), chính là giai đoạn giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Eurocham, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 12,6% năm 2024, đánh dấu sự phục hồi sau khi sụt giảm 25% vào năm 2023. Kết quả này cho thấy những tín hiệu khởi sắc của thị trường cũng như sự gia tăng trong nhu cầu tiêu dùng.
Con số tăng trưởng 12,6% bằng với số liệu báo cáo doanh số năm 2024 của VAMA.
Tuy nhiên, quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể so với các quốc gia ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho ngành công nghiệp ô tô, chẳng hạn như 100% phương tiện giao thông chạy điện hoặc sử dụng năng lượng xanh vào năm 2050.
Theo lộ trình, toàn bộ xe buýt đô thị mới sẽ sử dụng năng lượng xanh từ năm 2025. Từ năm 2030, ít nhất 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe taxi mới sẽ sử dụng điện và năng lượng xanh. Những mục tiêu này thể hiện vai trò quan trọng của ngành ô tô trong chiến lược môi trường của Việt Nam, phù hợp với xu hướng bền vững và giảm phát thải trên toàn cầu.
Để đảm bảo chuyển đổi hiệu quả sang hệ sinh thái xe điện bền vững tại Việt Nam, EuroCham có một số khuyến nghị về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ.
EuroCham giải thích rằng ô tô lai điện đóng vai trò là công nghệ chuyển tiếp giữa ô tô động cơ đốt trong và ô tô điện chạy pin, vì vậy nên giảm mức thuế TTĐB và lệ phí trước bạ cho ô tô lai điện cho đến khi Việt Nam phát triển hạ tầng sạc đủ hiệu quả để chuyển sang sử dụng rộng rãi ô tô điện chạy pin.