Mới nhất ACBS đưa ra 1 kịch bản tích cực dự báo VN-Index có thể đạt từ 1.140 đến 1.400 điểm. Trong kịch bản này, nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm nhưng lạm phát vẫn giảm nhanh hơn kỳ vọng…
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024, ACBS đưa ra 2 kịch bản chính.
Ở kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.000-1.280 điểm. Nền tảng xây dựng kịch bản này trên cơ sở kinh tế Mỹ đang hạ cánh mềm nhưng lạm phát vẫn diễn ra dai dẳng. Fed chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ thời điểm quý III/2024 với tốc độ cắt giảm chậm 0.75% trong năm 2024 tương tự Plot dot hiện tại. Kinh tế thế giới tăng trưởng với tốc độ chậm, Trung Quốc tiếp tục sự suy thoái kinh tế.
Tăng trưởng của GDP Việt Nam đạt mức 5,6%, đồng thời lãi suất VND vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp. Vì vậy, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn cao, kéo dài suốt năm 2024 và áp lực lên tỷ giá USD/ VND vẫn hiện hữu. Sự mất giá của VND tập trung chủ yếu vào thời điểm đầu năm và phục hồi dần vào thời điểm cuối năm 2024. Tuy nhiên, giá trị đồng VND chỉ giảm nhẹ so với năm 2023, giảm khoảng 1,6% so với đồng USD.
Các chính sách và biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và thị trường chứng khoán cần thêm thời gian để phát huy tác dụng. Thị trường bất động sản vẫn hoạt động khá trầm, trong khi áp lực từ trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS vẫn còn rất lớn trong năm 2024.
Chiến lược đầu tư trong năm 2024: Ưu tiên chiến lược Stock Pick là lựa chọn nhóm ngành và doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận khả quan trong năm 2024, không phụ thuộc vào sự phục hồi của các nền kinh tế, tình hình tài chính lành mạnh và định giá cao như: công nghệ, dầu khí, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp hay đầu tư công.
Ở kịch bản tích cực, VN-index sẽ dao động ở mức từ 1.140 đến 1.400 điểm. Tại kịch bản này, nền kinh tế nước Mỹ hạ cánh mềm, nhưng lạm phát vẫn giảm nhanh hơn kỳ vọng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed cắt giảm lãi suất sớm từ giữa quý II/2024, tỷ lệ cắt giảm lãi suất sâu trên 1,5% trong năm 2024. Theo đó, kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn và kinh tế Trung quốc có dấu hiệu phục hồi tích cực. Điều này sẽ bộc lộ rõ hơn vào thời điểm nửa cuối năm 2024.
Lúc này, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng đạt trên 6,0%. Lãi suất đồng VND sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, do Fed cắt giảm lãi suất USD mạnh khiến chênh lệch lãi suất giữa USD-ND giảm nhanh hơn. Áp lực lên tỷ giá của 2 đồng tiền này cũng không đáng kể, VND sẽ mất giá ít hơn so với đồng USD.
Các chính sách và biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng của nhà nước phát huy hiệu quả mạnh, có tính lan tỏa cao. Đặc biệt các chính sách liên quan đến thị trường BĐS, ngân hàng có tác động mạnh mẽ nhất. Hệ thống KRX sẽ sớm đưa vào vận hành. Việt Nam cũng sẽ đạt được tiến bộ vượt bậc trong quá trình xử lý vướng mắc nâng hạng thị trường chứng khoán.
Chiến lược đầu tư trong kịch bản này: Ưu tiên chiến lược dòng tiền, tập trung vào nhóm ngành có giá trị vốn hóa lớn, định giá hấp dẫn/ thấp hơn so với lịch sử và có khả năng hấp thụ dòng tiền lớn, đồng thời có triển vọng phục hồi lợi nhuận tốt hơn. Các nhóm được ưu tiên như: Ngân hàng, bán lẻ và tiêu dùng, bất động sản.
Rủi ro địa chính trị là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong năm 2024 – là năm của nhiều cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới ở nhiều quốc gia, kéo theo sự thay đổi về chính sách kinh tế, đối ngoại. Rủi ro này được xem là sự kiện thiên nga đen có thể ảnh hưởng sâu rộng trên bình diện khu vực và toàn cầu. Những căng thẳng ở Biển Đỏ hay Nga – Ukraine khiến lo ngại về rủi ro địa chính trị ngày càng lớn.
Việt Nam là một nền kinh tế mở, động lực tăng trưởng đến từ các hoạt động xuất nhập khẩu và FDI, tập trung vào các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế nước ta luôn gắn liền với triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đó.
Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đang tập trung vào thúc đẩy nhu cầu kinh tế trong nước thông qua chính sách đầu tư công hay chính sách tài khóa. Điều này đã đạt được những kết quả nhất định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là nâng cao cơ sở hạ tầng, tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI.
Với quy mô thị trường chứng khoán và quy mô kinh tế Việt Nam ở hiện tại, mục tiêu lớn nhất của thị trường chứng khoán là nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi giúp thu hút thêm vốn đầu tư gián tiếp cho nền kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn vướng mắc do các quy định, những sự kiện này sẽ xảy ra trong thời gian tới, do vậy, quan trọng nhất vẫn là theo dõi sát sao.