Tổng doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam (ngoại trừ ngành tài chính và bất động sản) năm 2024 đạt khoảng 111 tỷ USD. Trong đó, chỉ 18% đến từ các công ty có hoạt động xuất khẩu, và chỉ có 2% doanh thu là xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng 46% áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất danh sách công bố.
Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 119,5 tỷ USD và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Có 16 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên.
Trước thông tin này, ngày 3/4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giảm điểm lớn nhất lịch sử (tính theo số tuyệt đối) với mức giảm 88 điểm (-6,68%) qua đó lùi xuống dưới 1.230 điểm. Giá trị vốn hóa toàn thị trường giảm hơn 500.000 tỷ, còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng. Đã có 1.100 cổ phiếu giảm điểm, trong đó có đến gần 500 cổ phiếu giảm sàn.
Tuy nhiên, tại sự kiện Investor Day của quỹ Dragon Capital diễn ra cùng ngày, bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc nghiên cứu của quỹ đã thống kê, doanh thu các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE của Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Cụ thể, tổng doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam (ngoại trừ ngành tài chính và bất động sản) năm 2024 đạt khoảng 111 tỷ USD. Trong đó, chỉ 18% đến từ các công ty có hoạt động xuất khẩu, và chỉ có 2% doanh thu là xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ.
“Tác động trực tiếp của chính sách thuế này lên doanh thu và lợi nhuận của DN niêm yết được đánh giá là không quá đáng kể” – bà Nguyệt Minh đánh giá.
Các ngành chịu ảnh hưởng chính bao gồm hóa chất, tiêu dùng, thực phẩm, thép và vật liệu xây dựng. Dù vậy, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng vốn hóa của HOSE, cho thấy mức độ lan tỏa của rủi ro này trên toàn thị trường là có giới hạn.