Năm 2022-2023 đánh dấu khoảng thời gian ảm đạm của thị trường trái phiếu. Sang tới năm 2024, tình hình có phần khả quan hơn nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Vậy trong năm 2025 này, có nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không? Cần lưu ý điều gì khi đầu tư? Bạn hãy cùng VNSC tìm hiểu vấn đề này dưới đây.
Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có sự cải thiện trong năm 2023 so với năm 2022 sau khi Nghị định 08 được ban hành với 345 đợt phát hành trong nước, gồm 316 đợt phát hành riêng lẻ và 29 đợt phát hành ra công chúng.
Tổng giá trị TPDN phát hành đạt 333,988 tỷ đồng, tăng 37.8% so với năm 2022. Trong đó, giá trị phát hành riêng lẻ đạt 296,917 tỷ đồng, tăng 19.4%; phát hành ra công chúng đạt 37,070 tỷ đồng, tăng 74.6%. Đối với thị trường quốc tế, năm 2023 ghi nhận 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 250 triệu USD, giảm 60% so với năm 2022.
Năm 2023 cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên thị trường trái phiếu khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Nội dung Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy thị trường trái phiếu trở nên sôi động hơn. Cụ thể:
- Nếu không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu, doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác (đối với trái phiếu phát hành tại thị trường Việt Nam).
- Doanh nghiệp được phép thay đổi điều kiện, điều khoản, kỳ hạn trái phiếu đã phát hành. Kỳ hạn trái phiếu có thể kéo dài thêm tối đa 2 năm. Tuy nhiên, việc thay đổi phải nhận được sự đồng ý của các trái chủ.
Sang tới năm 2024, thị trường trái phiếu cũng có xu hướng ổn định hơn. Tính tới hết 30/09/2024, cả nước có 268 đợt phát hành riêng lẻ cũng 15 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị lần lượt là 250.396 tỷ đồng và 27.054 tỷ đồng. Trong đó, có tới 72% giá trị trái phiếu phát hành thuộc về nhóm ngân hàng thương mại; các doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 18,54% giá trị trái phiếu phát hành.
Triển vọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo nhiều chuyên gia, thị trường trái phiếu sẽ có nhiều khởi sắc đáng chú khi bước sang năm 2025. Một số nguyên nhân tạo nên kỳ vọng này bao gồm:
Môi trường kinh tế hỗ trợ thị trường trái phiếu
Bước vào năm 2025, các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định cùng dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu. Tăng trưởng GDP ở mức khá, chính sách lãi suất ổn định, và các biện pháp kích thích kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu huy động vốn qua trái phiếu, đặc biệt từ phía chính phủ và doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có nhiều cơ hội tiếp cận các đợt phát hành trái phiếu chất lượng.
Lãi suất hạ nhiệt tạo điều kiện hấp dẫn
Sau các chu kỳ tăng lãi suất trong giai đoạn 2022-2023 nhằm kiểm soát lạm phát, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt lãi suất. Tại Việt Nam, lãi suất dự báo sẽ duy trì ở mức thấp hoặc ổn định, làm cho đầu tư trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với các hình thức gửi tiết kiệm truyền thống. Đây là một dấu hiệu tích cực, giúp nhà đầu tư yên tâm với lợi nhuận cố định từ trái phiếu
Tăng cường minh bạch và an toàn trong thị trường
Một trong những điểm sáng của thị trường trái phiếu năm 2025 là tính minh bạch được nâng cao nhờ các chính sách mới như Nghị định 08/2023. Việc bắt buộc các doanh nghiệp công bố thông tin rõ ràng hơn và gia tăng quản lý đối với các đợt phát hành trái phiếu sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. Hơn nữa, sự ra đời của các sàn giao dịch trái phiếu sẽ làm tăng tính thanh khoản, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ
Nhu cầu vốn cao thúc đẩy phát hành trái phiếu
Năm 2025 dự kiến sẽ chứng kiến nhu cầu vốn lớn để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, năng lượng tái tạo, và công nghệ. Chính phủ và các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục dựa vào trái phiếu như một kênh huy động vốn hiệu quả. Điều này không chỉ tăng cơ hội đầu tư mà còn mang đến các sản phẩm trái phiếu đa dạng và tiềm năng sinh lời cao hơn
Như vậy, sau thời gian ảm đạm năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều triển vọng để dần phục hồi trong 2023 và 2024 để đón chào chu kỳ phát triển mới bắt đầu từ 2025.
Vậy có nên mua trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý về việc đa dạng hóa danh mục, không để hết trứng cùng một giỏ để hạn chế rủi ro có thể gặp phải.
Cách đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Có 2 cách đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Cụ thể như sau:
- Đầu tư trực tiếp: Nhà đầu tư tự mình đăng ký mở tài khoản chứng khoán tại Sở giao dịch hoăc Công ty chứng khoán. Việc nghiên cứu và lựa chọn tổ chức phát hành, loại trái phiếu và tiến hành mua – bán trái phiếu đều do nhà đầu tư tự thực hiện.
- Đầu tư gián tiếp: Là việc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư trên thị trường. Nhà đầu tư lựa chọn quỹ đầu tư phù hợp và tiến hành góp vốn vào quỹ này. Công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp có chuyên gia tài chính thực hiện nghiên cứu sản phẩm và tiến hành đầu tư, nhà đầu tư không cần trực tiếp thực hiện.
Rủi ro khi đầu tư TPDN
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có độ an toàn nhất định. Tuy nhiên cũng có rủi ro, bạn cần cần chuẩn bị tốt để đối mặt với một số rủi ro sau:
Rủi ro lãi suất
Đây là rủi ro đầu tiên nhà đầu tư phải đối mặt khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất thị trường tỉ lệ nghịch với giá trái phiếu. Thông thường, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng hoặc lãi suất chung của thị trường. Điều này quyết định thu nhập của nhà đầu tư trái phiếu. Nhu cầu mua và nắm giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn tăng cao.
Tuy nhiên, khi lãi suất thị trường tăng cao, lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng tăng. Khi đó, thu nhập trái chủ sẽ thấp hơn gửi tiết kiệm ngân hàng, nhu cầu mua trái phiếu, giá trái phiếu và lãi suất trái phiếu sẽ giảm. Nếu bạn bán trái phiếu lúc này sẽ bị thua lỗ.
Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản xảy ra khi nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không thể bán được trái phiếu trên thị trường, buộc phải nắm giữ đến khi đáo hạn để lấy lại vốn từ doanh nghiệp. Thanh khoản trái phiếu thường liên quan trực tiếp tới uy tín doanh nghiệp phát hành.
Trường hợp khác, khi lãi suất thị trường tăng, nhu cầu bán trái phiếu sẽ tăng. Lúc này, cung lớn hơn cầu cũng là nguyên nhân khiến bạn khó bán trái phiếu nhanh chóng với giá cao. Do đó, bạn nên tìm và đầu tư vào trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, có tài sản đảm bảo và dự đoán xu hướng thị trường để đưa ra quyết định đúng đắn.
Rủi ro tái đầu tư
Rủi ro tái đầu tư là việc nhà đầu tư đã nhận được tiền nhưng không thể tái đầu tư với mức lãi suất ban đầu. Đây là rủi ro khá phổ biến ở một số loại trái phiếu doanh nghiệp. Bạn cần tìm hiểu rõ thông tin trước khi mua để tránh gặp phải rủi ro này.
Rủi ro lạm phát
Lạm phát hiểu đơn giản là sự mất giá của một đồng tiền. Nghĩa là cũng một số tiền X ở trước lạm phát sẽ có giá trị cao hơn khi lạm phát xảy ra. Khi tốc độ lạm phát nhanh hơn tốc độ sinh lời của trái phiếu, nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ.
Rủi ro xếp hạng
Hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới đều được xếp hạng bởi 2 tổ chức xếp hạng Standard & Poor hoặc Moody’s. Xếp hạng doanh nghiệp thể hiện uy tín và năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Điều này ảnh hưởng lớn tới quyết định mua trái phiếu của nhà đầu tư.
Doanh nghiệp xếp hạng thấp sẽ khó vay vốn và thường phải chịu mức lãi suất vay vốn cao. Nếu bạn mua trái phiếu của doanh nghiệp này, khả năng nhận lãi đúng hạn thấp hơn do công ty bị áp lực trải lãi đè nặng. Việc bán trái phiếu để thu hồi vốn cũng rủi ro vì khó bán và giá bán sẽ thấp.
Lưu ý đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Để hạn chế rủi ro, tối ưu lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Trước khi đầu tư, bạn cần lựa chọn thời điểm mua trái phiếu. Khi thị trường biến động hoặc suy thoái là thời điểm phù hợp để mua trái phiếu vì rủi ro thấp. Ngược lại, trong thời kỳ chứng khoán bùng nổ, nhiều nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu vì có mức sinh lời cao hơn.
- Dựa vào báo cáo tài chính, vị thế doanh nghiệp trong ngành, uy tín công ty và ban quản trị để đánh giá doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Những yếu tố này cho bạn biết đó có phải là doanh nghiệp đáng để đầu tư hay không.
- Trước khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, hãy xem xét tới rủi ro về lãi suất. Một doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất trái phiếu cao chứng tỏ doanh nghiệp đó đang hoạt động tốt, cũng có thể là cái bẫy để thu hút nhiều người mua hơn.
- Bạn nên lựa chọn trái phiếu có thời hạn phù hợp với kế hoạch tài chính của mình. Muốn vậy, bạn nên lập kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn trước khi quyết định đầu tư.
- Để đảm bảo thanh khoản, bạn nên chọn mua trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo thường là bất động sản, cổ phiếu, các chương trình, dự án hoặc kết hợp các tài sản này.
Tóm lại, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp an toàn hơn cổ phiếu nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. VNSC hy vọng qua bài viết này, bạn có thể nắm rõ các rủi ro này và vận dụng những lưu ý khi đầu tư để hạn chế rủi ro, tối đa lợi nhuận.
Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư. Nội dung chia sẻ có thể đã cũ do yếu tố thời gian. Vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.
VNSC by Finhay – Tích lũy và đầu tư từ đây
Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006
- Website: https://vnsc.vn
- Hỗ trợ trực tiếp: m.me/finhayvn
- Group Cộng đồng Finhay: https://www.facebook.com/groups/finhay/