Tốc độ giải ngân đầu tư công được thúc đẩy cuối năm 2023 và dự kiến tăng ngân sách đầu tư công 2024 là điểm báo tích cực về tiềm năm phát triển của ngành này năm nay. Đầu tư công là gì? Vốn đầu tư công là gì? Những cổ phiếu đầu tư công nào đáng chú ý? Hãy cùng VNSC tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về ngành đầu tư công
Đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước, trong đó đối tượng, nguồn vốn, tổ chức hoạt động và quản lý phải tuân thủ theo quy định trong Luật Đầu tư công.
Đầu tư công là gì? Do ai quản lý?
Dựa vào khoản 15 điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019, đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng khác theo quy định trong Luật Đầu tư công. Các hoạt động đầu tư công gồm:
- Lập, thẩm định và quyết định các chủ trương đầu tư
- Lập, thẩm định và quyết định các chương trình, dự án đầu tư công
- Lập, thẩm định, phê duyệt, giao và triển khai thực hiện các kế hoạch, dự án đầu tư công
- Quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công
- Nghiệm thu, bàn giao chương trình và quyết toán các dự án đầu tư công
- Theo dõi và đánh giá, kiểm tra và thanh tra các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.
Đối tượng đầu tư công là gì?
Theo nội dung điều 5 Luật Đầu tư công mới được sửa đổi và bổ sung năm 2019, các đối tượng đầu tư công bao gồm:
- Các chương trình và dự án liên quan tới nâng cấp, sửa chữa, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội
- Các hoạt động của Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức chính trị – xã hội
- Các hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho hoạt động công ích, phúc lợi xã hội
- Thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công tư
- Các công việc gồm lập, thẩm định, quyết định hay phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch theo đúng pháp luật
- Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; đầu tư cho đối tượng chính sách khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Vốn đầu tư công lấy từ đâu? Gồm những loại nào?
Vốn đầu tư công tương tư như vốn đầu tư của doanh nghiệp, bao gồm vốn góp, vốn huy động và vốn vay. Tuy nhiên, vốn đầu tư công có thêm một nguồn khác chính là vốn từ các chương trình hỗ trợ. Cụ thể, vốn đầu tư công gồm 5 nhóm sau:
- Vốn ngân sách nhà nước: Là nguồn vốn được giải ngân từ ngân sách nhà nước các cấp, mang tính chất không hoàn lại, không thu hồi hoặc thu hồi chậm.
- Vốn từ các chương trình hỗ trợ: Là nguồn vốn đến từ các chương trình hỗ trợ đầu tư của quốc gia/tổ chức cho một quốc gia khác, thường từ nước phát triển cho nước đang phát triển.
- Vốn tín dụng đầu tư: Là nguồn vốn chính phủ vay với lãi suất thấp hoặc vốn ODA, tập trung vào một số hạng mục phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội.
- Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước: Là những khoản vốn giải ngân từ vốn Nhà nước cấp cho doanh nghiệp, các khoản thu có lợi nhuận, vốn doanh nghiệp vay dưới sự bảo lãnh của Nhà nước.
- Vốn vay trong nước và nước ngoài: Nhà nước vay vốn từ người dân và các doanh nghiệp trong nước thông qua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc, trái phiếu đầu tư, công trái xây dựng… Nhà nước cũng vay vốn từ quốc gia khác hay các tổ chức quốc tế.
Nguyên tắc quản lý đầu tư công
Nguyên tắc quản lý đầu tư công theo điều 12 Luật Đầu tư công 2019 quy định như sau:
- Thực hiện đúng theo quy định pháp luật về công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư
- Các hoạt động đầu tư công phải phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, quy hoạch có liên quan theo quy định pháp luật.
- Hoàn thành trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công đúng theo quy định pháp luật.
- Quản lý việc sử dụng từng nguồn vốn đầu tư công để đảm bảo tập trung, đồng bộ chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và cân đối nguồn lực theo đúng quy định pháp luật
- Đảm bảo các hoạt động đầu tư công phải công khai, minh bạch.
Vai trò của đầu tư công với nền kinh tế
Mục đích chính của các dự án đầu tư công là phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Từ 1995 đến nay, các dự án đầu tư công đóng góp không nhỏ tới sự phát triển của nước ta, thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Cụ thể, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà máy điện, đường xá, trường học, bệnh viện… từ vốn đầu tư công đã nâng cấp an sinh xã hội, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Tiềm năng đầu tư công 2024
Báo cáo ngày 29/12/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2023 vốn đầu tư công được giải ngân đạt 625.300 tỷ đồng, hoàn thành 85,3% kế hoạch năm. Mặc dù không đạt mục tiêu nhưng vẫn tăng 21.2% so với năm trước.
Giai đoạn 2024 – 2025, Nhà nước chú trọng hơn tới các dự án đầu tư công, trong đó có nhiều dự án lớn và tiềm năng như cao tốc Bắc – Nam, Sân bay Long Thành… Đây cũng là bước đệm để hoàn thành kế hoạch 2021 – 2025 và chuẩn bị cho kế hoạch 2026 – 2030.
Theo dự kiến, ước tính vốn đầu tư công cho năm 2024 khoảng 750.000 tỷ đồng, kỳ vọng giải ngân hoàn thành 85% – 90% kế hoạch, tăng 38% – 45% so với năm 2023.
Cũng theo đó, nhóm cổ phiếu đầu tư công bắt đầu “dậy sóng”, thanh khoản tăng đột biến cùng giá tăng từ 1% – 4%. Chẳng hạn, mã VCG tăng 2,6%, mã 2,5%, mã C4G tăng 4%, mã CTD tăng 4,1%…
Top 5 loại cổ phiếu đầu tư công đáng chú ý 2024
Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, các mã cổ phiếu đầu tư công nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, thanh khoản chung của nhóm này tăng đáng kể trong các phiên giao dịch đầu năm mới. Một số mã cổ phiếu đầu tư công nổi bật như sau:
Cổ phiếu HHV
HHV – cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Đèo Cả, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và quản lý vận hành công trình giao thông. Doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều dự án lớn như hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn… trong đó bao gồm một số dự án BOT.
Nổi bật nhất, HHV đã trúng thầu 3 gói trong dự án trọng điểm cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 trị giá 14.677 tỷ đồng, thực hiện tới 2026. Bên cạnh đó, doanh thu từ các hạng mục BOT trên tuyến cao tốc Bắc – Nam cũng có dấu hiệu khởi sắc khi du lịch phát triển, nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao.
Mới đây, HHV đã phát hành 4.416 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, tăng 25% vốn của công ty. Theo kỳ vọng năm 2024, với tiềm năng của ngành đầu tư công, giá cổ phiếu HHV dự kiến cũng sẽ có sự tăng trưởng mạnh.
Cổ phiếu LCG
LCG là mã cổ phiếu thuộc Công ty cổ phần LIZEN, hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng dân dụng – công nghiệp, năng lượng tái tạo và bất động sản. Mức tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của LCG đang ở mức 27%, thấp hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, cũng là một lợi thế để công ty mở rộng vốn, phát triển hoạt động trong tương lai.
LCG đang sở hữu một số dự án lớn với giá trị chưa thực hiện hợp đồng đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Một số dự án đáng chú ý như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, XL-01 Nha Trang – Vân Phong, XL-02 Vũng Áng – Bùng, Vành đai 4 – Hà Nội… Những dự án này đảm bảo doanh thu và lợi nhuận chao LCG trong 3 năm tới.
Cổ phiếu CTD
CTD là mã cổ phiếu CTD có mức tăng trưởng tốt thứ 2 (sau VIX) trong năm 2023, đây là mã cổ phiếu thuộc CTCP Xây dựng Coteccons. Kết thúc phiên ngày 12/1, mức giá đang ở mức 67.600đ/cp, tăng gấp nhiều lần so với mức giá 24.675đ/cp hồi đầu năm 2023. Có thể thấy, CTD đã có một năm tăng trưởng ấn tượng.
Tháng 12 vừa qua, Coteccons đã ký kết hợp tác với CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – TTC Land trong dự án xây dựng cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài trong tương lai. Cũng trong tháng 12, CTD đã quyết định mua lại 100% vốn góp của một công ty cơ điện, thể hiện mục tiêu đa dạng lĩnh vực hoạt động, tăng doanh thu cho công ty.
Mặc dù trượt gói thầu Sân bay Long Thành, CTD còn nhiều dự án tiềm năng khác với lượng backlog từ 18.000-20.000 tỷ đồng. Một số dự án đáng chú ý như Tổ hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất giai đoạn 1, nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng, nhà máy sản xuất đồ chơi LEGO ở Bình Dương… Mục tiêu của CTD kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 3 tỷ USD, nâng vốn hóa lên tới mức 1 tỷ USD.
Cổ phiếu PC1
CTCP Tập Đoàn PC1 (PC1) thành lập từ năm 1963, tới nay đã trải qua 60 năm hoạt động và phát triển. Công ty tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính là xây lắp công trình truyền tải điện. Hiện nay, PC1 đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng điện tại Việt Nam.
Bước sáng 2024, PC1 dự kiến mức lợi nhuận ròng tăng 235% so với 2023 bởi doanh thu từ các phân khúc kinh doanh được cải thiện, đặc biệt về xây dựng điện. Trong đó, đường dây truyền tải 500kV Quảng Trạch Phố Nội có triển vọng lớn nhất với vốn đầu tư dự kiến 23.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu VCG
VCG cũng là một mã cổ phiếu đầu tư công tiềm năng 2024 khi công ty phát hành là Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex đã sở hữu nhiều gói thầu dự án có mức vốn đầu tư lớn. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng và bất động sản.
Một số dự án nổi bật như Mai Sơn – Quốc lộ 45 (2.500 tỷ đồng), Phan Thiết – Dầu Giây (2.300 tỷ đồng) và Vĩnh Hảo – Phan Thiết (3.225 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty cũng được giao nhiều dự án giao thông lớn như gói XL-02 Vân Phong – Nha Trang (3.549 tỷ đồng), gói XL-12 Quy Nhơn – Chí Thạnh (3.055 tỷ đồng), gói XL -11 Bãi Vọt – Hàm Nghi (5.232 tỷ đồng), gói XL01 Vũng Áng – Bùng (5.400 tỷ đồng)…
Trên đây là tổng hợp một số thông tin khái quát về đầu tư công và gợi ý một số mã cổ phiếu đầu tư công tiềm năng 2024. VNSC hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu rõ hơn về đầu tư công, vốn đầu tư công và lựa chọn được mã cổ phiếu phù hợp nhất.