Lợi nhuận ngành phân bón được dự báo tăng mạnh trong năm 2024 nhờ phục hồi kinh tế và một số dấu hiệu đẩy mạnh xuất khẩu từ đầu năm. Vậy có nên đầu tư cổ phiếu phân bón không? Mời bạn cùng tìm hiểu về cổ phiếu phân bón trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về cổ phiếu ngành phân bón
Cổ phiếu phân bón là cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón. Giá cổ phiếu phân bón phụ thuộc vào một số yếu tố như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu phân bón, giá nguyên liệu đầu vào, tình hình thị trường nông sản, tình hình kinh tế toàn cầu.
Với nền kinh tế nông nghiệp, nhu cầu phân bón trong sản xuất lớn, ngành phân bón là ngành trọng điểm tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp sản xuất phân bón nổi tiếng tại Việt Nam như Công ty TNHH MTV Phân bón & Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam…
Không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, phân bón Việt Nam còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar, Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan… Vì vậy, ngành phân bón không những góp phần phát triển nông nghiệp mà còn phát triển kinh tế chung toàn quốc.
Những năm gần đây, ngành phân bón Việt Nam không ngừng phát triển, ứng dụng các công nghệ hiện đại giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Các mã cổ phiếu phân bón cũng được nhà đầu tư đánh giá cao, có sự tăng trưởng ổn định.
Đặc điểm cổ phiếu ngành phân bón
Khi quyết định đầu tư cổ phiếu phân bón, nhà đầu tư cần hiểu rõ đặc điểm loại cổ phiếu này để lựa chọn và đưa ra chiến lược phù hợp. Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của cổ phiếu ngành phân bón.
Thuộc nhóm cổ phiếu phòng thủ
Từ trước đến nay, nông nghiệp luôn là ngành kinh tế cốt lõi của Việt Nam, là một trụ chính trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Phân bón là nguyên liệu không thể thiếu trong nông nghiệp, vậy nên nhu cầu phân bón tại Việt Nam tương đối ổn định, hoạt động của các công ty phân bón ít bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường. Do đó, cổ phiếu ngành phân bón ổn định, được xếp vào nhóm cổ phiếu phòng thủ, nghĩa là cổ phiếu này sẽ mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận ổn định ngay cả khi thị trường đang biến động.
Phụ thuộc nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào
Quá trình sản xuất phân bón phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, khi giá những nguyên liệu này biến động, giá phân bón cũng biến động, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của các công ty sản xuất phân bón. Chẳng hạn, khi giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất sẽ tăng, lợi nhuận kinh doanh giảm, giá cổ phiếu phân bón cũng có thể bị ảnh hưởng.
Phụ thuộc vào nhu cầu phân bón trong nông nghiệp
Nguồn tiêu thụ phân bón trọng yếu đến từ canh tác nông nghiệp nên ngành phân bón phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu phân bón trong nông nghiệp. Mặt khác, nông nghiệp mang tính mùa vụ và bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Khi thời tiết thuận lợi, canh tác tốt, nhu cầu phân bón tăng cao, giá cổ phiếu phân bón tăng và ngược lại.
Chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái và chính trị – xã hội
Tỷ giá hối đoái và tình hình chính trị – xã hội là 2 yếu tố tác động tới hoạt động xuất khẩu phân bón. Cụ thể, tỷ giá hối đoái ảnh hưởng trực tiếp đến giá xuất khẩu phân bón và lợi nhuận kinh doanh. Tình hình chính trị có thể ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu, chi phí vận chuyển, số lượng khách hàng… từ đó cũng gián tiếp tác động tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón.
Chẳng hạn, xung đột Nga – Ukraine khiến giá thực phẩm ở những khu vực chịu ảnh hưởng tăng cao, sản lượng phân bón giảm, buộc họ phải tìm đối tác nhập khẩu. Các doanh nghiệp phân bón Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội này để xuất khẩu phân bón với giá tốt, ngành phân bón phát triển hơn.
Chịu ảnh hưởng từ công nghệ mới
Sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng thay đổi theo lối sống xanh, thân thiện với môi trường nên ngành phân bón cũng cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu này. Nhiều doanh nghiệp phân bón tại Việt Nam đã đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón hữu cơ, đón đầu xu hướng, mở ra tiềm năng phát triển lớn trong tương lai. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp giá cổ phiếu ổn định và tăng trưởng.
Có nên đầu tư cổ phiếu phân bón 2024 không?
Để trả lời câu hỏi có nên đầu tư không, bạn cần phân tích tiềm năng và rủi ro khi đầu tư cổ phiếu phân bón 2024. Bạn có thể tham khảo một số thông tin tổng hợp dưới đây:
Tiềm năng cổ phiếu ngành phân bón 2024
Các chuyên gia kinh tế dự đoán và kỳ vọng giá urê (sản phẩm trọng yếu của ngành sản xuất phân bón) sẽ tăng trong năm 2024 với một số nguyên nhân sau:
- Theo USDA và FAO, diện tích trồng ngũ cốc trên thế giới giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi, nhu cầu phân bón vì thế sụt giảm. Dự đoán, sản lượng ngũ cốc và một số loại cây trồng chính tăng trưởng kéo theo nhu cầu phân bón tăng trong năm 2024.
- Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) kỳ vọng sản lượng một số loại nông sản chính sẽ tăng trong năm 2024. Cụ thể, ngô tăng 4,5%, gạo tăng 1%, đậu tương tăng 7,3%.
- Một số doanh nghiệp phân bón tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận tăng từ cuối năm 2024 khi giá phân bón tăng trở lại (năm 2023 giảm mạnh), nhu cầu trồng trọt tăng, giá các nhiên liệu và nguyên liệu sản xuất giảm. Ước tính mức lợi nhuận tăng trưởng của các công ty phân bón ở Việt Nam sẽ tăng 40% trong năm 2024.
- Nếu xung đột Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn cung urê trong khu vực đó. Đây là cơ hội cho những quốc gia xuất khẩu urê khác, trong đó có Việt Nam.
- Chính phủ có thể xem xét việc “không chịu thuế GTGT” đối với phân bón trong kỳ họp vào tháng 5/2024. Nếu được thông qua, chi phí đầu giảm giảm, gia tăng lợi nhuận, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp phân bón.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ, bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp từ 2017 đến tháng 6/2022 tăng từ 6,3% lên 23%, mục tiêu đạt 25% trong 2025. Với định hướng này, những doanh nghiệp phân bón chuyển đổi sản xuất sản phẩm hữu cơ sẽ có lợi khi phát triển trong dài hạn.
Có thể thấy, ngành phân bón có tiềm năng lớn trong tương lai, tiếp tục là cổ phiếu phòng thủ tốt trong danh mục đầu tư, có khả năng sinh lời cao trong dài hạn.
Rủi ro khi đầu tư cổ phiếu ngành phân bón
Rủi ro của ngành phân bón có thể đến từ giá urê trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt khi giá urê có dấu hiệu tăng từ ngày 7/9/2023 khi Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Vì urê là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất phân bón, giá urê tăng có thể làm giảm lợi nhuận kinh doanh khiến giá cổ phiếu biến động.
Danh sách các mã cổ phiếu phân bón đang được niêm yết trên thị trường
Dưới đây là một số mã cổ phiếu ngành phân bón đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mã CK | Tên công ty | Sàn niêm yết |
VPS | Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam | HSX |
VAF | Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển | HSX |
SPC | Công ty Bảo vệ Thực vật Sài Gòn | HNX |
PSW | Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Tây Nam Bộ | HNX |
SFG | Công ty Phân bón Miền nam | HSX |
PSE | Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ | HNX |
PMB | Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Miền Bắc | HNX |
PCE | Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung | HNX |
NFC | Công ty Phân lân Ninh Bình | HNX |
LAS | Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao | HNX |
DPM | Công ty phân bón và hóa chất dầu khí – CTCP | HSX |
DDV | Công ty DAP – VINACHEM | UPCOM |
DCM | Công ty phân bón Dầu khí Cà Mau | HSX |
CPC | Công ty Thuốc sát trùng Cần Thơ | HNX |
BFC | Công ty Phân bón Bình Điền | HSX |
Các mã cổ phiếu ngành phân bón đáng chú ý 2024
Khi lựa chọn mã cổ phiếu phân bón, bạn cần chú ý tới một số yếu tố như quá trình hoạt động, kết quả hoạt động kinh doanh, tiềm năng tương lai, tình trạng cổ phiếu hiện tại. Dưới đây là thông tin về 5 mã cổ phiếu phân bón đáng chú ý năm 2024.
Cổ phiếu DCM
DCM là mã cổ phiếu của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thành lập năm 2011. Sản phẩm chính của DCM là đạm urê với thị trường chính là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Thông tin cơ bản về cổ phiếu DCM:
- Sàn niêm yết: HOSE.
- Khối lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành: 529.400.000.
- Vốn hoá thị trường: 17.682 tỷ đồng.
- KLTB 10 ngày: 3.573.480.
Năm 2023, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau dự kiến doanh thu đạt 13.572 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.031 tỷ đồng. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu sản xuất 882 nghìn tấn urê, 180 nghìn tấn NPK, thu về doanh thu 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 794,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu DPM
DPM là mã cổ phiếu của CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí, thành lập năm 2023, bắt đầu niêm yết trên sàn năm 2007. Các sản phẩm chính của công ty bao gồm đạm urê, phân NPK, kali, DAP, SA…
Thông tin cơ bản về cổ phiếu DPM:
- Sàn niêm yết: HOSE.
- Khối lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành: 391.334.260.
- Vốn hoá thị trường: 13.481,5 tỷ đồng.
- KLTB 10 ngày: 3.382.820.
Lũy kế cả năm 2023, CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí có doanh thu đạt gần 13,600 tỷ đồng, lãi ròng hơn 530 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng sản xuất đạt 165.220 tấn urê và 31.410 tấn NPK, tiêu thụ 116.940 tấn urê (bao gồm cả trong nước 57,43% và xuất khẩu 42,57% ).
Tính đến 2023, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu tới 18 quốc giá trên thế giới, mục tiêu năm 2024 tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới, bao gồm New Zealand và Australia – 2 thị trường nổi tiếng khắt khe về chất lượng phân bón nhập khẩu.
Cổ phiếu LAS
LAS là mã cổ phiếu thuộc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, bắt đầu hoạt động từ ngày 24/06/1959, niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 1/03/2012. Công ty hoạt động đa lĩnh vực phân bón, điện, nước, xi măng, hóa chất, xăng dầu…
Thông tin về cổ phiếu LAS:
- Sàn niêm yết: HNX.
- Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành: 112.856.400.
- Vốn hoá thị trường: 2.415,1 tỷ đồng.
- KLTB 10 ngày: 1.222.890.
Kết thúc 2023, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thu về 3,4 nghìn tỷ doanh thu, lãi sau thuế 149 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 58% so với cùng kỳ. Kết quả này cũng vượt 76% chỉ tiêu doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận trước thuế của năm 2023.
Cổ phiếu DDV
DDV là mã cổ phiếu thuộc CTCP DAP – VINACHEM thành lập ngày 24/07/2008. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là sản xuất phân bón DAP (diamophos).
Thông tin cơ bản về cổ phiếu DDV:
- Sàn niêm yết: UPCOM.
- Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành: 146.109.900.
- Vốn hoá thị trường: 2.206,3 tỷ đồng.
- KLTB 10 ngày: 2.335.870.
CTCP DAP – VINACHEM ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 đạt 3.181 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2022 (3.270 tỷ đồng), doanh thu hoạt động tài chính đạt 53,7 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ đồng so với 2022, lợi nhuận sau thuế đạt gần 69 tỷ đồng.
Cổ phiếu BFC
BFC là mã cổ phiếu thuộc CTCT Phân bón Bình Điền, thành lập từ năm 1973. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là sản xuất và thương mại hóa chất nông nghiệp. Sản phẩm chính của BFC là phân bón đầu trâu, phân phối tại 2 thị trường chính là Tây Nguyên và Nam Bộ.
Thông tin cơ bản về cổ phiếu BFC:
- Sàn niêm yết: HOSE.
- Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành: 57.167.993.
- Vốn hoá thị trường: 1.700,7 tỷ đồng.
- KLTB 10 ngày: 465.510.
Lũy kế cả năm 2023, CTCT Phân bón Bình Điền ghi nhận doanh thu 8.588 tỷ đồng, đi ngang so với 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 148 tỷ đồng, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ.
Lưu ý khi đầu tư cổ phiếu ngành phân bón
Muốn lựa chọn được mã cổ phiếu phân bón tốt, thu được lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư cần lưu ý một số điều sau:
- Theo dõi diễn biến giá urê thế giới vì đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất phân bón, có tác động tới doanh thu và kết quả hoạt động của doanh nghiệp phân bón.
- Nghiên cứu thị trường bao gồm tình hình hiện tại, xu hướng phát triển, xu hướng tiêu thụ, giá nguyên liệu đầu vào…
- Nghiên cứu kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty về doanh thu, lợi nhuận, nhà máy, công suất sản xuất, công nghệ sản xuất, kế hoạch phát triển.
- Thường xuyên theo dõi biến động giá cổ phiếu ngành phân bón trên thị trường.
Trên đây là những thông tin về tổng quan, đặc điểm, tiềm năng, rủi ro, gợi ý 5 mã cổ phiếu phân bón tiềm năng trong năm 2024 và lưu ý khi đầu tư cổ phiếu ngành phân bón. VNSC mong rằng những thông tin này có thể giúp nhà đầu tư lựa chọn được mã cổ phiếu tốt và xây dựng được danh mục đầu tư hiệu quả.