Việt Nam đang từng bước tiến gần đến mục tiêu nâng hạng thị trường với việc ban hành và áp dụng Thông tư 68, từ tháng 11/2024. Nghị quyết mới của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm đạt mục tiêu này trong năm tới 2025.
Mới đây, chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/2025, nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển của thị trường tài chính, thị trường vốn để huy động nguồn lực cho nền kinh tế. Cùng với đó, Việt Nam đạt ra mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, thủ đẩy bất động sản phát triển bền vững trong năm 2025.
Theo FIDT, Việt Nam được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi từ tháng 9/2018, nhưng chưa được nâng hạng do vướng mắc tiêu chí thanh toán bù trừ. Việc Thông tư 68 có hiệu lực từ tháng 11/2024, đã gỡ bỏ rào cản này, mở ra kỳ vọng FTSE Russell có thể chính thức nâng hạng thị trường Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 hoặc có thể sớm nhất vào 3/2025.
Với MSCI, Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí định lượng nhưng cần cải thiện thêm các tiêu chí định tính như giới hạn sở hữu nước ngoài, công bố thông tin bằng tiếng Anh và sự tự do của thị trường ngoại hối để được tổ chức này công nhận.
Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán ACB, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2025, các quỹ ETF sẽ bắt đầu mua vào cổ phiếu Việt Nam từ 2026. Tuy nhiên, tỷ trọng Việt Nam trong rổ FTSE mới nổi dự kiến chỉ ở mức 0,3-0,4% với khoảng 222 mã đủ điều kiện, tập trung vào top 20 cổ phiếu với 60% vốn hóa.
Ước tính, Thị trường Việt Nam sẽ hút khoảng 5-6 tỷ USD từ các quỹ chủ động và bị động, gồm 300-400 triệu USD từ quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF. Việc nâng hạng này không chỉ mang lại dòng vốn khủng mà còn cải thiện vị thế, hình ảnh của chứng khoán Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế.