Hiện nay, rất khó để tìm ra một lĩnh vực kinh doanh mà chưa có người tham gia. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp khi tham gia thị trường đều phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh. Vậy làm thế nào để giành thị phần từ đối thủ? Đó chính là mục tiêu mà chiến lược đại dương đỏ hướng tới? Trong bài viết này, bạn hãy cùng VNSC tìm hiểu về chiến lược kinh doanh này nhé!
Chiến lược đại dương đỏ là gì?
Chiến lược đại dương đỏ là một kế hoạch kinh doanh giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận trong thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh. Thậm chí, chiến lược này có thể giúp doanh nghiệp giành được ưu thế, đánh bại đối thủ cạnh tranh.
Thực hiện chiến lược này, doanh nghiệp cần phân tích để khắc hoạch chi tiết chân dung khách hàng, từ đó tạo ra thị trường ngách, cung cấp các ưu đãi chất lượng tốt hơn để chinh phục khách hàng. Một số ví dụ về chiến lược đại dương đỏ thành công như sau:
- Taxi truyền thống cạnh tranh với taxi công nghệ bằng cách không tăng giá trong giờ cao điểm, khi thời tiết khắc nghiệt…
- Một số ngân hàng tầm trung như VPBank, TPBank… cạnh tranh với các ngân hàng lớn khác bằng việc đổi mới công nghệ, dưa công nghệ vào việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng.
Đặc điểm của chiến lược đại dương đỏ
Chiến lược đại dương đỏ đưa doanh nghiệp vào một thị trường giả định, nơi đã xác lập sẵn những điều kiện và cấu trúc cụ thể. Doanh nghiệp khi tham gia thị trường này buộc phải cạnh tranh với điều kiện có sẵn đó. Đặc điểm của chiến lược đại dương đỏ như sau:
- Thị trường có sẵn các đối thủ cạnh tranh.
- Lợi thế của doanh nghiệp được tạo ra bởi sự đánh đổi giữa giá trị và chi phí. Doanh nghiệp sẽ chấp nhận cung cấp nhiều giá trị hơn với chi phí cao hơn hay giá trị hợp lý với chi phí thấp hơn.
- Doanh nghiệp sẽ khai thác những nhu cầu đã tồn tại trên thị trường.
So sánh hiến lược đại dương xanh và đại dương đỏ
Chiến lược đại dương xanh và đại dương đỏ đều được sử dụng khi một doanh nghiệp muốn bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới. Điểm khác biệt cơ bản của 2 chiến lược này nằm ở đối tượng khách hàng mục tiêu. Chiến lược đại dương đỏ hướng tới khách hàng hiện có còn đại dương xanh hướng tới khách hàng tiềm năng, cụ thể theo bảng sau:
Chiến lược đại dương đỏ | Chiến lược đại dương xanh |
Tạo ra chiến lược để đột phá trong thị trường hiện tại | Tạo ra thị trường mới có ít hoặc không có đối thủ |
Đánh bại đối thủ cạnh tranh để giành thị trường | Giảm thiểu hoặc loại bỏ sự cạnh tranh bằng cách tạo ra thị trường ngách |
Khai thác các nhu cầu hiện tại | Tạo và khai thác nhu cầu mới |
Cân bằng giữa giá trị sản phẩm và chi phí tạo ra sản phẩm đó | Phá vỡ sự cân bằng giữa giá trị và chi phí |
Lựa chọn giữa khác biệt và chi phí thấp | Theo đổi cả chiến lược khác biệt và chi phí thấp |
Có nên sử dụng chiến lược đại dương đỏ không?
Mỗi chiến lược kinh doanh đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, phù hợp với từng doanh nghiệp, thời điểm, điều kiện khác nhau. Do đó, muốn biết có nên lựa chọn đại dương đỏ hay đại dương xanh, doanh nghiệp cần nắm rõ mong muốn, tiềm lực hiện tại của mình và các điều kiện thị trường để đưa ra chiến lược hợp lý.
Đại dương đỏ tưởng chừng như là thị trường không còn chỗ cho các “cá bé” phát triển nhưng thực tế vẫn có rất nhiều doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ ra đời và tồn tại. Chẳng hạn như các ngân hàng nhỏ vẫn chiếm được thị phần khi cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống.
Thành công của chiến lược này là doanh nghiệp tìm cách lấy khách hàng, thị phần từ doanh nghiệp lớn đã tồn tại trước đó. Để làm được điều này, cốt lõi là sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp mới phải chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng “ngách” mà doanh nghiệp hướng tới. Thời gian thực hiện có thể kéo dài, doanh nghiệp cần có tiềm lực tài chính nhất định để tồn tại cho đến khi thực hiện thành công.
3 Yếu tố quan trọng của chiến lược đại dương đỏ
Để thực hiện chiến lược đại dương đỏ thành công, doanh nghiệp phải xây dựng được vị thế của mình, tăng khả năng cạnh tranh. Có 3 yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp làm được điều này như sau:
- Tạo ra sản phẩm chất lượng, cung cấp nhiều giá trị cho khách hàng với chi phí thấp hơn: Điều này tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp, thu hút khách hàng của đối thủ lựa chọn sản phẩm của bạn. Tuy nhiên, cần cân bằng giữa giá trị và chi phí để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp.
- Định vị thương hiệu: Là tạo ra nhận thức của khách hàng về doanh nghiệp, nghĩa là khi có nhu cầu về sản phẩm nào đó, họ sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm của bạn. Chẳng hạn như khi muốn đi xe ôm công nghệ sẽ gọi Grab, khi muốn mua sắm online tiết kiệm, giá rẻ sẽ chọn Shopee và Lazada…
- Phân tích đối thủ cạnh tranh: Việc này giúp doanh nghiệp hiểu rõ về đối thủ để đưa ra sản phẩm khác biệt, giá trị hơn sản phẩm sẵn có. Việc này cần được thực hiện định kỳ bởi đối thủ cũng sẽ thay đổi chiến lược để giữ chân khách hàng của họ và lấy khách hàng của bạn.
Sai lầm cần lưu ý khi thực hiện chiến lược
Chiến lược đại dương đỏ không dừng lại khi doanh nghiệp đã xây dựng được thị trường ngách và có thể kiếm lợi nhuận từ đó. Lúc này, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều “bẫy”, nếu không có biện pháp tránh sẽ dễ phá hỏng kế hoạch. Muốn thành công với chiến lược đại dương đỏ, có một số sai lầm doanh nghiệp cần tránh như sau:
- Quá tập trung vào việc làm hài lòng tệp khách hàng hiện có mà không phát triển sản phẩm để tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng mới. Điều này không giúp ích cho việc gia tăng lợi nhuận về lâu dài.
- Quá tập trung vào đổi mới công nghệ mà không đo lường hiệu quả mà nó mang lại sẽ khiến doanh nghiệp lãng phí tài nguyên, chiến lược thất bại.
- Mặc dù tìm được thị trường ngách tốt nhưng áp dụng các chiến lược không bền vững dẫn tới mất khách hàng, mất thị phần vào tay đối thủ.
- Không có chiến lược tốt để phát triển sản phẩm và thị trường, không tạo được thương hiệu riêng sẽ dần đánh mất khách hàng, lợi nhuận giảm.
- Không tìm hiểu rõ nhu cầu khách hàng, quá tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm cao cấp mà không để ý đến chi phí sản xuất. Giá thành cao hơn mức kỳ vọng của tệp khách hàng hiện tại sẽ dần mất thị phần.
- Quá tập trung vào cắt giảm chi phí mà bỏ qua chất lượng sản phẩm cũng là cách đánh mất khách hàng nhanh nhất. Chi phí cắt giảm, giá trị sản phẩm cũng giảm, khách hạng thất vọng và bỏ đi.
Trên dây là những thông tin cơ bản giải thích khái niệm, đặc điểm của chiến lược đại dương đỏ cùng những sai lầm và 3 yếu tố cần lưu ý để thực hiện chiến lược thành công. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn hiểu rõ về chiến lược đại dương đỏ và áp dụng hiệu quả với doanh nghiệp của bạn.