Menu Icon
Giao dịch
VNSC / Tài Chính Cá Nhân

Cách chi tiêu tiết kiệm cho gia đình 4 người: Hướng dẫn chi tiết và thực tế

Tình hình kinh tế khó khăn, giá cả leo thang khiến bạn gặp vấn đề trong việc cân đối chi tiêu cho gia đình 4 thành viên? Làm thế nào để vẫn đáp ứng đủ các nhu cầu ăn uống, giáo dục và giải trí mà vẫn tiết kiệm? Mời bạn tham khảo gợi ý cách chi tiêu tiết kiệm cho gia đình 4 người (2 người lớn và 2 trẻ em) với 5 bước trong bài viết dưới đây.

Cach-chi-tieu-tiet-kiem-cho-gia-dinh-4-nguoi-Huong-dan-chi-tiet-va-thuc-te

Bước 1: Hiểu rõ tình hình tài chính gia đình

Trước tiên, bạn cần nắm rõ tổng thu nhập, các khoản chi tiêu, số tiền tiết kiệm và các khoản nợ (nếu có). Điều này giúp bạn phân bổ ngân sách hợp lý, tránh chi tiêu vượt mức. Cụ thể:

  • Xác định tổng thu nhập: Bao gồm các khoản thu từ lương của hai vợ chồng, kinh doanh, đầu tư, hỗ trợ từ gia đình hai bên…
  • Liệt kê các khoản cần chi tiêu: Bao gồm tiền nhà, tiền ăn uống (nấu ăn tại nhà, ăn ngoài), tiền điện, tiền nước, tiền mua sắm vật dụng cần thiết, tiền di chuyển (xăng xe, xe buýt, taxi, xe ôm…), tiền biếu bố mẹ hai bên, tiền gửi tiết kiệm, tiền trả nợ, tiền học, du lịch, khoản dự phòng phát sinh…
  • Xác định khoản tiết kiệm và dư nợ: Các khoản tiết kiệm gồm vàng, gửi tiết kiệm ngân hàng, tiết kiệm dự phòng hàng tháng… Dư nợ có thể gồm nợ ngân hàng, nợ người thân, nợ bạn bè, nợ tiền hàng…
  • Đánh giá mức độ cần thiết: Xem xét từng khoản chi để xác định có thể cắt giảm hay tối ưu hóa hay không. Ví dụ, nếu hóa đơn điện quá cao, có thể do sử dụng điều hòa chưa hợp lý; nếu chi phí ăn ngoài lớn, có thể cân nhắc nấu ăn tại nhà nhiều hơn.

Buoc-1-Hieu-ro-tinh-hinh-tai-chinh-gia-dinh

Bước này giúp bạn xác định rõ dòng tiền vào và dòng tiền ra, đâu là khoản chi tiêu chưa hợp lý và cần cải thiện để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Bước 2: Lập kế hoạch ngân sách cụ thể

Việc khó kiểm soát chi tiêu có thể do bạn chưa có kế hoạch rõ ràng, chi tiêu theo cảm tính. Muốn quản lý tốt chi tiêu hàng tháng, bạn có thể lập kế hoạch ngân sách dự theo quy tắc 50/30/20. Đây là quy tắc phân bổ ngân sách phổ biến, được nhiều người áp dụng và cho kết quả cao. Cụ thể:

  • 50% cho nhu cầu thiết yếu: Đây là những khoản chi tối thiểu và bắt buộc trong tháng, bao gồm tiền nhà, thực phẩm, điện, nước, học phí cho con và tiền trả nợ hàng tháng (nếu có). Với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, số tiền này khoảng 10 triệu đồng.
  • 30% cho nhu cầu cá nhân: Dành cho giải trí, mua sắm quần áo, hoặc các sở thích riêng như đi xem phim, cà phê với bạn bè, ăn ngoài… Với tổng thu nhập 20 triệu đồng/tháng, con số này là 6 triệu đồng. Tuy nhiên, khoản này có thể điều chỉnh tùy theo nhu cầu gia đình.
  • 20% cho tiết kiệm hoặc dự phòng: Đây cũng là khoản bắt buộc dành cho các trường hợp khẩn cấp hoặc mục tiêu dài hạn như mua xe, sửa nhà, du lịch, giáo dục của con… Với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, con số này là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này có thế điều chỉnh theo nhu cầu mỗi gia đình.

Buoc-2-Lap-ke-hoach-ngan-sach-cu-the

Lưu ý:

  • Nếu muốn chi tiết hơn, bạn có thể áp dụng quy tắc 50/30/20 cho từng thành viên trong gia đình để kiểm soát chi tiêu cụ thể hơn.
  • Ngoài nguyên tắc trên, bạn có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ giúp quản lý chi tiêu hiệu quả hơn như ứng dụng quản lý trên điện thoại, tự tạo tệp Excel riêng… 

Bước 3: Cách chi tiêu tiết kiệm cho gia đình 4 người – Cắt giảm bớt khoản không cần thiết

Sau khi có bản kế hoạch, bạn có thể xem xét cắt giảm một số khoản để tiết kiệm chi tiêu như sau:

Tiết kiệm chi phí ăn uống

Cách chi tiêu tiết kiệm cho gia đình 4 người phụ thuộc phần lớn vào chi phí ăn uống và đây thường là khoản chi lớn nhất trong ngân sách gia đình 4 người. Để tiết kiệm, bạn có thể:

  • Lên thực đơn hàng tuần: Bạn liệt kê các món ăn và nguyên liệu cần thiết cho các bữa ăn trong 7 ngày. Điều này giúp tránh lãng phí thực phẩm và giảm số lần đi chợ, từ đó giảm chi phí di chuyển, tiết kiệm thời gian để làm việc khác, mua số lượng lớn giá sẽ thấp hơn.
  • Mua số lượng lớn: Bạn mua gạo, mì, dầu ăn số lượng lớn (đủ dùng cho 1 tháng) tại siêu thị lớn hoặc chợ đầu mối thì giá rẻ hơn so với mua lẻ.
  • Nấu ăn tại nhà: Một bữa ăn ngoài cho 4 người có thể tốn 200.000 – 300.000 đồng, trong khi nấu tại nhà chỉ mất khoảng 100.000 đồng. Cách này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa giúp bạn điều chỉnh thực đơn phù hợp, kiểm soát được nguồn nguyên liệu và cách chế biến tốt cho sức khỏe.
  • Tận dụng thức ăn thừa: Cơm nguội có thể làm cơm chiên, rau thừa có thể nấu canh, thức ăn còn lại có thể bảo quản để dùng bữa sau. Điều này không chỉ tiết kiệm mà còn giảm rác thải.

Tiet-kiem-chi-phi-an-uong

Tiết kiệm điện – nước – Internet

Chi phí điện, nước và Internet có thể giảm đáng kể nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Điện: Tắt quạt, đèn, và điều hòa khi không sử dụng; thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED (tiết kiệm 70 – 80% điện năng). Nếu gia đình dùng máy lạnh, đặt nhiệt độ 26 – 27°C để vừa thoải mái vừa tiết kiệm điện.
  • Nước: Kiểm tra vòi nước, ống dẫn để phát hiện rò rỉ; sử dụng nước rửa rau để tưới cây hoặc lau nhà; tắm bằng vòi sen tiết kiệm nước hơn. Một gia đình 4 người có thể giảm từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng tiền nước mỗi tháng nếu thực hiện tốt.
  • Internet: Bạn nên lựa chọn nhà mạng uy tín, tốc độ cao và ưu tiên mua gói cước combo 1 năm (12 tháng) để có mức giá ưu đãi hơn so với mua từng tháng.

Tiet-kiem-dien-nuoc-Internet

Tiết kiệm khi mua sắm

Bạn có thể tiết kiệm khi mua sắm với một số biện pháp sau:

  • So sánh giá cả: Trước khi mua đồ gia dụng như nồi cơm điện, kiểm tra giá trên Shopee, Lazada hoặc các cửa hàng gần nhà để chọn mức giá tốt nhất. Thông thường, mua online vào những dịp Sale lớn hoặc trong các phiên Live giá sẽ thấp hơn.
  • Chờ khuyến mãi: Các dịp như 11/11, Black Friday thường có giảm giá 20 – 50% cho quần áo, đồ dùng gia đình. Ví dụ, một chiếc áo cho trẻ em giảm từ 150.000 đồng xuống 90.000 đồng là khoản tiết kiệm đáng kể.
  • Hạn chế mua sắm cảm hứng: Tránh mua đồ chỉ vì “thích” mà không cần thiết. Hãy lập danh sách trước khi đi siêu thị và tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu có món đồ nào bạn muốn mua, hãy chờ sau 2 tuần, nếu bạn vẫn muốn mua thì hãy mua nó.

Tiet-kiem-khi-mua-sam

Giảm chi phí giáo dục và giải trí

Bạn có thể giảm chi phí giáo dục và giải trí với một số cách sau:

Giáo dục: Thay vì tới trung tâm học thêm, bạn có thể mua khóa học trực tuyến của những thầy cô nổi tiếng, thay vì mua sách mới, bạn có thể tận dụng tài liệu trên mạng, mượn sách cũ ở thư viện hoặc của người học trước.

Giải trí: Thay vì đi xem phim chiếu rạp, bạn có thể tổ chức xem phim tại nhà với máy chiếu lớn, thay vì tới khu vui chơi đắt đỏ cuối tuần, bạn có thể tổ chức picnic, đi dạo công viên cho cả gia đình.

Bước 4: Tạo thói quen tiết kiệm lâu dài

Tiết kiệm không chỉ là giải pháp tức thời mà cần trở thành lối sống, bạn nên theo đuổi tiết kiệm trong thời gian dài để có sức khỏe tài chính vững mạnh. Một số biện pháp như sau: 

  • Mở tài khoản tiết kiệm: Chọn ngân hàng có lãi suất tốt (có thể từ 5 – 9%/năm) và gửi một số tiền cố định mỗi tháng. Chẳng hạn, mỗi tháng gửi 2 triệu đồng, sau 5 năm, gia đình có thể tích lũy được 120 triệu đồng (chưa bao gồm lãi).
  • Dạy trẻ ý thức tài chính: Bạn mua ống heo tiết kiệm cho con và hướng dẫn con để dành 10 – 20% tiền tiêu vặt. Ví dụ, nếu con được 50.000 đồng/tuần, bạn khuyến khích để dành 10.000 đồng.
  • Đặt mục tiêu tài chính cụ thể: Có mục tiêu sẽ giúp bạn tạo động lực và duy trì thói quen tiết kiệm tốt hơn. Chẳng hạn, bạn đặt mục tiêu tiết kiệm 50 triệu đồng trong 2 năm để mua xe máy mới, từ đó chia nhỏ mục tiêu thành 2 triệu đồng/tháng để dễ thực hiện và theo dõi tiến độ hàng quý.

Tao-thoi-quen-tiet-kiem-lau-dai

Bước 5: Theo dõi và điều chỉnh phù hợp

Sau khi có bản kế hoạch chi tiết cuối cùng, bạn cần theo dõi quá trình thực hiện xem các khoản chi đã phù hợp chưa. Chẳng hạn, các khoản chi có đáp ứng tốt nhu cầu của mỗi thành viên trong gia đình hay không, có gây bất tiện/khó chịu cho mọi người hàng tháng hay không, có thể cắt giảm/tăng thêm khoản nào…

Từ đó, bạn tiến hành thực hiện lại các bước lập kế hoạch để tìm ra mức chi tiêu phù hợp nhất cho gia đình. Ngoài ra, mỗi khi tăng/giảm thu nhập hoặc tăng/giảm chi tiêu, bạn cũng cần điều chỉnh kế hoạch phù hợp.

Trên đây là gợi ý 5 bước xây dựng cách chi tiêu tiết kiệm cho gia đình 4 người bạn có thể áp dụng để lên kế hoạch tài chính phù hợp cho gia đình mỗi tháng. Hãy bắt đầu thực hiện những phương pháp này ngay hôm nay để giúp bạn xây dựng được tài chính ổn định, vững mạnh cho tương lai!

Cùng chủ đề

Cách chi tiêu tiết kiệm của người Nhật: Bí quyết quản lý tài chính hiệu quả
Cách chi tiêu tiết kiệm của người Nhật: Bí quyết quản lý tài chính hiệu quả

Người Nhật nổi tiếng với khả năng quản lý tài chính thông minh và lối sống tiết kiệm đáng ngưỡng mộ. Mô hình quản lý chi tiêu của họ không …

Author icon VNSC by Finhay Calendar icon 09-04-2025 2:37:47
Có 500 triệu nên đầu tư gì? Gợi ý cách tối ưu vốn thông minh
Có 500 triệu nên đầu tư gì? Gợi ý cách tối ưu vốn thông minh

Khi sở hữu 500 triệu đồng trong tay, hẳn nhiều người sẽ tự hỏi: “Có 500 triệu nên đầu tư gì để tối ưu hóa nguồn vốn và sinh lời …

Author icon VNSC by Finhay Calendar icon 02-04-2025 2:05:52
Cách lập bảng cân đối kế toán: Hướng dẫn chi tiết từ A đến Z chuẩn xác nhất
Cách lập bảng cân đối kế toán: Hướng dẫn chi tiết từ A đến Z chuẩn xác nhất

Bảng cân đối kế toán là báo cáo tài chính quan trọng, phản ánh toàn cảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể. Việc …

Author icon VNSC by Finhay Calendar icon 01-04-2025 10:51:04

Trải nghiệm đầu tư thông minh
cùng VNSC by Finhay

QR Code
QR code tải ứng dụng VNSC by Finhay

VNSC by Finhay - Save & Invest

Chứng khoán & các tài sản khác

icon star icon star icon star icon star icon star 20K