Để đạt được mục tiêu và hiện thực hóa ý tưởng của mình, các Startup sẽ thực hiện hành động gọi vốn. Gọi vốn sẽ được trải qua rất nhiều vòng, tuỳ theo quy mô và nhu cầu gọi vốn của Startup. Mỗi vòng lại có đặc điểm và tính chất khác nhau, đòi hỏi người tham gia hiểu rõ để có sự chuẩn bị đầy đủ nhất. Vậy gọi vốn gồm những vòng nào? Cách hoạt động của các vòng gọi vốn ra sao?
Các vòng gọi vốn là gì?
Gọi vốn là hình thức kêu gọi, thu hút tiền đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm phục vụ cho việc phát triển ý tưởng, dự án của các Startup. Hoạt động “Gọi vốn” thông thường sẽ trải qua nhiều giai đoạn. Mỗi một giai đoạn sẽ được gọi là một vòng gọi vốn.
Các vòng gọi vốn thường được chia như sau:
- Vòng tiền hạt giống
- Vòng hạt giống
- Vòng gọi vốn Series A
- Vòng gọi vốn Series B
- Vòng gọi vốn Series C trở lên
Các vòng gọi vốn của Startup
Vòng tiền hạt giống (pre – seeding round)
Đây là giai đoạn đầu tiên của hoạt động gọi vốn. Với vòng này, nguồn quỹ đầu tư sẽ xuất phát chủ yếu từ số vốn của các Founders. Ngoài ra còn có gia đình, bạn bè hay từ các nhà đầu tư thiên thần. Nhà đầu tư thiên thần là những nhà đầu tư cá nhân giàu có, họ có thể chi một số tiền lớn cho các dự án để nhận quyền lợi về vốn cổ phần.
Tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực hoạt động và số tiền cần có để phát triển ý tưởng kinh doanh, giai đoạn cấp vốn này có thể diễn ra rất nhanh hoặc có thể mất nhiều thời gian. Trong vòng gọi vốn này, ngoại trừ các nhà đầu tư thiên thần, hầu hết người tham gia góp vốn đều không nhằm mục đích nhận cổ phần.
Trong vòng này, Startup nên chuẩn bị các tài liệu liên quan đến dự án của mình: tên dự án, ý nghĩa, đối tượng dự án hướng đến và thông tin chi tiết về số vốn sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Từ đó, tăng thêm sự tin tưởng cho các đối tượng đầu tư.
Vòng hạt giống (seed funding)
Khi đã có được những sản phẩm và đơn hàng đầu tiên, Startup sẽ tiếp tục “hành trình gọi vốn” của mình với nguồn gọi vốn từ: Gia đình, bạn bè; Các nhà đầu tư thiên thần. Đây vẫn là những đối tượng đầu tư chính trong vòng Seed Funding. Ngoài ra, đến vòng này, các nhà đầu tư còn có thêm sự tham gia của những quỹ đầu tư nhỏ, quỹ đầu tư mạo hiểm..
Mục đích của vòng hạt giống thường là kêu gọi vốn để sử dụng trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm. Từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh, tập trung đánh mạnh vào thị trường mục tiêu. Sau cùng là “trải đường” để tiếp tục nhận thêm các khoản tiền đầu tư trong vòng gọi vốn tiếp theo.
Vòng gọi vốn Series A
Khi mô hình kinh doanh của các Startup đang trên đà tăng trưởng nhanh, Startup sẽ tiếp tục cần thêm nguồn vốn để phát triển, mở rộng và truyền thông thương hiệu đến khách hàng. Khi đó, vòng gọi vốn Series A sẽ được khởi động để thực hiện các mục tiêu trên.
Trong vòng này, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn công ty có chiến lược kinh doanh vững chắc trong dài hạn. Vì thế Startup cần phải chuẩn bị một kế hoạch chi tiết về chiến lược phát triển doanh nghiệp, mục tiêu, đối tượng khách hàng hướng đến trong tương lai.
Nhà đầu tư tiềm năng trong vòng này sẽ bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm như: Mekong Capital, CyberAgent Ventures, FPT Ventures,… Ngoài ra còn có các nhà đầu tư thiên thần nhưng tác động của họ đến vòng gọi vốn này là khá ít.
Nguồn: Venture Intelligence
Vòng gọi vốn Series B
Đến với vòng gọi vốn Series B, thông thường, mô hình kinh doanh của các nhà khởi nghiệp đã phát triển, quy mô khách hàng rộng hơn. Lúc này, nhà gọi vốn đang tìm kiếm ở các quỹ đầu tư lớn hơn.
Mục tiêu của vòng này là mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao tay nghề nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng. Nguồn gọi vốn của Series B sẽ tương tự với vòng trước, đó là các quỹ đầu tư lớn như: VinaCapital, Manulife, DragonCapital… bên cạnh đó sẽ xuất hiện thêm các nhà đầu tư mạo hiểm.
Series B khá giống với Series A về quy trình kêu gọi và đối tượng các nhà đầu tư. Vòng B thường có một nhà đầu tư chủ chốt, giúp thu hút các nhà đầu tư khác. Sự khác biệt của vòng gọi vốn này là việc bổ sung một “làn sóng mới” các công ty đầu tư mạo hiểm khác, đầu tư chuyên đầu tư hơn vào giai đoạn sau.
Vòng gọi vốn Series C trở lên
Đến với vòng gọi vốn Series C, các doanh nghiệp sẽ được đánh giá là có quy mô phát triển vượt bậc. Do đó mục tiêu kêu gọi vốn ở vòng này của các doanh nghiệp thông thường là để phát triển thêm sản phẩm mới, mở rộng mô hình, chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng, thậm chí là mua lại các công ty khác.
Đối tượng gọi vốn của vòng này đó là các quỹ phòng ngừa rủi ro, nhà đầu tư cổ phần, ngân hàng đầu tư và các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác. Trong vòng gọi vốn Series C, yêu cầu của nhà đầu tư sẽ trở nên khắt khe hơn, các quy trình cũng chặt chẽ hơn so với các vòng trước. Do đó, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ càng để thành công gọi được số vốn mong muốn.
Số tiền trong vòng gọi vốn Series C thường sẽ ở dưới dạng khoản vay chuyển đổi hay cổ phiếu ưu đãi. Vì thế, Startup sẽ buộc phải chấp nhận rủi ro giảm tỷ lệ sở hữu nếu các khoản tài trợ này chuyển thành cổ phần ưu đãi.
Sau Series C, có nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục với Vòng gọi vốn series D, Vòng gọi vốn series E… Đây là những vòng gọi vốn chuyên sâu hơn, mang tính chất đặc thù hơn và không phải doanh nghiệp nào cũng phải trải qua.
Lưu ý khi tham gia các vòng gọi vốn
Luôn tiếp tục hoàn thiện phần Pitch
Pitch là nội dung về ý tưởng của dự án sẽ được trình bày trước các nhà đầu tư trong thời gian ngắn. Sau khi kết thúc mỗi lần thuyết trình, hãy để ý xem trong phần Pitch, đâu là phần nhà đầu tư cảm thấy hứng thú? Mục nào gây ra sự nghi ngờ cho nhà đầu tư? Để từ đó, với sự giúp đỡ từ các chuyên gia, các founders hãy bổ sung, chỉnh sửa phần đó để Pitch Deck hoàn chỉnh nhất có thể.
Tránh tâm thế luôn ở “kèo dưới” khi gọi vốn
Trong mối quan hệ kinh doanh, tinh thần win – win là luôn tồn tại. Đầu tư không phải chỉ là một mối quan hệ một chiều, không thể chỉ có một bên hưởng lợi, mà phải là cả hai bên nên mang lại giá trị cho nhau. Thế nên, khi thương thảo với nhà đầu tư, hãy giữ cho mình một tâm thế vững vàng.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, nhà đầu tư muốn hạ định giá công ty để tăng lượng cổ phần sở hữu doanh nghiệp. Việc ra quyết định sẽ tùy thuộc vào bạn. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ giá trị mà doanh nghiệp có thế mang lại, lý do mà bạn đưa ra mức định giá ban đầu để bảo vệ doanh nghiệp.
Đa dạng nhà đầu tư trong cùng một thời điểm
Việc tiếp cận với đa dạng nhà đầu tư cùng một lúc sẽ đem lại lợi thế cho Startup. Điều này giúp họ có nhiều sự lựa chọn hơn và có thể dễ dàng tìm ra nhà đầu tư phù hợp.
Tạo cảm giác gấp rút
Hãy vạch ra một deadline cụ thể cho các vòng gọi vốn của mình, để tạo cảm giác gấp rút cho nhà đầu tư và thúc đẩy họ hoàn thành quá trình ra quyết định. Điều này sẽ cực hiệu quả đối với các Startup đã có các offer từ những nhà đầu tư khác. Khi ấy áp lực thời gian sẽ tạo tâm lý “Sợ bị mất chỗ’ cho các nhà đầu tư hiện tại, khiến họ đưa ra quyết định nhanh hơn và thường là có lợi cho các Startup
Trên đây là các vòng gọi vốn mà một startup thường phải trải qua. Mong rằng bài viết trên đã giúp các nhà khởi nghiệp hiểu được các vòng gọi vốn và cách hoạt động của những vòng này. Từ đó có được sự chuẩn bị đầy đủ nhất, giúp việc gọi vốn đạt hiệu quả cao nhất.
Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư.
VNSC by Finhay – Tích lũy và đầu tư từ đây
Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006
- Website: https://vnsc.vn
- Hỗ trợ trực tiếp: m.me/finhayvn
- Group Cộng đồng Finhay: https://www.facebook.com/groups/finhay/