Theo FiinGroup, VIB là cổ phiếu có khối lượng mua ròng lớn nhất trong khi FPT tiếp tục là cổ phiếu có số lượng quỹ tham gia bán nhiều nhất trong tháng 3/2025.
FG vừa công bố Báo cáo Tình hình Hoạt động của các Quỹ đầu tư tại Việt Nam trong tháng 3 và Q1/2025.
Theo đó, VIB là cổ phiếu có khối lượng mua ròng lớn nhất trong tháng 3/2025, phần lớn đến từ việc quỹ PYN Elite mua 54 triệu cổ phiếu (tương đương 1,8% vốn điều lệ của VIB).
VCB đứng thứ 2 top mua ròng (tính theo khối lượng) đồng thời là cổ phiếu có số lượng quỹ mua vào nhiều nhất. Trong đó, lực mua chủ yếu đến từ quỹ VEIL – quỹ có quy mô NAV lớn nhất thị trường (hơn 45 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, một số quỹ ETF như Fubon FTSE Vietnam, VanEck Vietnam ETF, ETF DCVFMVN30 cũng tham gia mua vào VCB.
Trong khi đó, FPT tiếp tục là cổ phiếu có số lượng quỹ tham gia bán nhiều nhất trong tháng 3 (25 quỹ). Tuy nhiên, theo FiinGroup, khối lượng bán ròng đã giảm so với tháng 2, cho thấy lực bán có phần hạ nhiệt, VEIL vẫn là quỹ bán ròng mạnh nhất FPT trong tháng 3.
Các cổ phiếu VPB, ACB, VHM, VIC tiếp tục bị các quỹ bán ra tháng thứ 3 liên tiếp. Trong đó, VPB là cổ phiếu bị bán mạnh nhất, chủ yếu do quỹ PYN Elite. Bên cạnh đó, các quỹ thuộc Dragon Capital như VFMVSF, DCDS, ETF DCVFMVN30, ETF DCVFMVN DIAMOND cũng đồng loạt hạ tỷ trọng nắm giữ.
Các cổ phiếu họ Vingroup (VHM, VIC) cũng bị bán ròng mạnh trong tháng 3, ghi nhận ở nhóm quỹ ETF (Fubon FTSE VN, VNM ETF, E1VFVN30…). Trong khi đó, cả VIC và VHM được khối ngoại mua ròng mạnh trong tháng 3. Điều này cho thấy lực mua ròng ở hai cổ phiếu này đến từ nhóm quỹ chủ động.
Nhiều quỹ Trái phiếu lớn ghi nhận rút ròng trong tháng 3/2025, đáng chú ý là quỹ TCBF
Theo FiinGroup, trong tháng 3/2025, nhóm quỹ Trái phiếu bị rút ròng nhẹ gần 100 tỷ đồng và đây là tháng đầu tiên bị rút ròng sau khi duy trì trạng thái vào ròng 12 tháng liên tiếp trước đó. Rút ròng tập trung ở nhóm quỹ có quy mô tài sản ròng trên 1000 tỷ đồng như quỹ TP Việt Nam (DCBF), quỹ TP Bảo Thịnh Vinawealth (VFF) và quỹ TP Techcom (TCBF).
Đáng chú ý là quỹ TCBF ghi nhận tháng rút ròng đầu tiên sau 13 tháng vào ròng liên tục. Ngược lại, quỹ Trái phiếu An Bình (ABBF) ghi nhận vào ròng 85 tỷ đồng. Trong tháng 3/2025, quỹ ABBF với tổng giá trị NAV hơn 2 nghìn tỷ đồng đã tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu lên mức 58,45% (so với 57,1% trong tháng 2) với tỷ trọng phân bổ lớn vào Trái phiếu của Vingroup (VIC) và Masan (MSN).
Lũy kế quý 1/2025, nhóm quỹ Trái phiếu vẫn ghi nhận vào ròng nhẹ 358 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với quy mô vào ròng trong năm 2024 (bình quân 3,6 nghìn tỷ đồng/quý). Gần 84% giá trị vào ròng trong quý 1/2025, tương đương khoảng 299 tỷ đồng, thuộc về quỹ ABBF. Trong khi đó, quỹ TCBF ghi nhận dòng vốn vào ròng gần 170 tỷ đồng trong quý 1/2025, khá khiêm tốn so với quy mô vào ròng hơn 11,3 nghìn tỷ đồng ở quỹ này trong 1 năm gần nhất.
Rút ròng tiếp diễn ở nhóm quỹ ETF và quỹ đóng trong khi nhóm quỹ mở ghi nhận vào ròng nhẹ
Theo FiinGroup, nhóm quỹ đóng và quỹ ETF bị rút ròng mạnh với tổng giá trị gần 6 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2025, phần lớn ở nhóm quỹ ETF (-4,1 nghìn tỷ đồng).
Áp lực rút ròng tập trung chủ yếu ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF cho dù quỹ có hiệu suất dương trong quý 1/2025 (+6,6%) và lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/4 đạt +1,4%. Trong quý 1, quỹ từ Đài Loan này đã bán ra khối lượng lớn cổ phiếu HPG (10,2 triệu CP), VHM (8,9 triệu CP), VIC (4,9 triệu CP).
Trong khi đó, dòng vốn duy trì vào ròng ở nhóm quỹ mở, nhưng có dấu hiệu chững lại so với các quý trước, đạt 700 tỷ đồng trong quý 1/2025, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân của 3 quý liền trước (3,3 nghìn tỷ đồng). Trong đó, dẫn đầu là quỹ CP Việt Nam Chọn lọc (VFMVSF), quỹ mở với tổng tài sản ròng gần 8,6 nghìn tỷ do Dragon Capital quản lý, với giá trị vào ròng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Top nắm giữ của quỹ là MWG, CTG, FPT. Tháng 3/2025, VFMVSF tăng tỷ trọng với nhiều cổ phiếu Ngân hàng (EIB, TCB, VCB, CTG) và Bán lẻ (MWG) trong khi hạ tỷ trọng FPT.