VN-Index bắt đầu một tuần mới với sắc thái tiêu cực. Chỉ số đại diện sàn HOSE liên tục mất điểm và đóng cửa ở mức 975,19 điểm (-21,96 điểm). Trên HOSE có tới 138 mã giảm sàn, thanh khoản sụt giảm, đạt hơn 10.500 tỷ đồng. Khối ngoại hôm nay mua ròng hơn 520 tỷ đồng.
“Lao dốc” mất gần 22 điểm
Mở cửa thị trường, VN-Index có diễn biến tiêu cực do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu bất động sản. Càng về cuối phiên sáng, đà giảm càng tiêu cực, tính đến 10h30, VN-Index đã mất hơn 16 điểm.
Sau giờ nghỉ trưa, thị trường vẫn chưa thể tìm được động lực tăng và tiếp tục nới rộng đà giảm. Kết phiên, VN-Index mất 21,96 điểm, về ngưỡng 975,19 điểm (-2,2%). Chỉ số VN30-Index mất 25,07 điểm, còn 972,85 điểm (-2,51%).
Trên HOSE có 75 mã tăng và 383 mã giảm, trong đó có 138 mã giảm kịch sàn. Riêng nhóm VN30 có 8 mã tăng và 20 mã đóng cửa dưới tham chiếu. Có tới 8 mã giảm hết biên độ trong nhóm VN30 là: GVR, HDB, KDH, MWG, NVL, PDR, SSI, TCB. NVL tiếp tục giảm sàn ngay từ đầu phiên sáng và trong trạng thái trắng bảng bên mua trong hầu hết cả ngày.
NVL cũng là mã cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số chung, lấy đi của VN-Index 1,9 điểm. Tiếp theo là TCB và CTG, khiến VN-Index mất lần lượt -1,5 và -1,3 điểm. Ở chiều ngược lại, VNM và GAS là 2 mã có đóng góp tích cực nhất, giúp VN-Index tăng hơn 2,1 điểm.
Cả 3 nhóm ngành lớn của thị trường là chứng khoán, bất động sản và ngân hàng hôm nay đều lao dốc. Nhóm chứng khoán có biên độ giảm lên tới 6,78% với 15/25 mã giảm hết biên độ. Các nhóm cổ phiếu đầu ngành như SSI, HCM, FTS, VND đều giảm kịch sàn.
Ở nhóm ngân hàng, EIB, HDB, LPB và TCB cũng giảm sàn, nhiều mã có mức giảm trên 4% như MBB (-5,3%), CTG (-4,7%), MSB (-5,4%), STB và VIB mất 6,6%. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có điểm sáng thuộc về ACB và VPB với mức tăng lần lượt là +2,5% và +0,9%.
Nhóm bán lẻ và vật liệu xây dựng cũng có diễn biến tiêu cực với nhiều mã giảm sàn như HPG, HSG, NKG, VGC, AMD… Tương tự, ở nhóm vốn hoá trung bình, nhiều mã bất động sản trong trạng thái không có người mua như DIG, DXG, CEO, HQC… Các mã cổ phiếu xây dựng như HBC, CTD, C4G cũng có diễn biến tương tự.
Nhóm cổ phiếu thực phẩm – đồ uống là nhóm ngành duy nhất đóng cửa trên tham chiếu, tuy nhiên, mức tăng không đáng kể, chỉ 0,9%. Đà bán tháo vẫn diễn ra trên hầu hết các nhóm ngành, khiến VN-Index liên tục mất điểm.
Trên HOSE, thanh khoản đạt hơn 10.500 tỷ đồng. Trong đó điểm sáng thuộc về khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 521 tỷ đồng. VNM là mã được mua ròng nhiều nhất (+96,22 tỷ đồng), tiếp theo là DGC (+80,25 tỷ đồng).
Dù hôm nay khối ngoại mua ròng khá mạnh và là phiên thứ 3 liên tiếp các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với tổng mức ròng hơn 1.183 tỷ đồng, nhưng chừng đó là chưa đủ nếu so với các phiên bán ròng trước đó. Ở chiều ngược lại, VCI và VIC là 2 mã bị giải ngân nhiều nhất, lần lượt là -37,08 và -25,15 tỷ đồng.
Tin tức thị trường
- FRT dự kiến sẽ tăng số lượng vốn góp tại Long Châu, từ 225 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng. Nếu việc rót vốn thành công, FRT sẽ sở hữu gần 90% vốn Long Châu. Theo đại diện của FRT, việc doanh nghiệp này góp vốn sẽ giúp Long Châu tận dụng nguồn vốn giá rẻ thay vì đi vay ngân hàng. Mục đích tăng vốn để phục vụ nhu cầu mở rộng chuỗi cửa hàng, công nghệ và logistics tại hệ thống này.
- CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 vào ngày 1/12 tới đây. Việc trả cổ tức được thực hiện bằng hình thức thanh toán bằng tiền, với tỷ lệ 15%. Với gần 129,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, NTP ước tính sẽ chi hơn 194 tỷ đồng để trả cổ tức.
- Theo báo cáo tài chính quý III của Gelex, mảng kinh doanh thiết bị điện vẫn là mảng đóng góp tích cực nhất vào tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Theo BCTC quý III/2022, Gelex (GEX) có doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đạt 7.014 và 282 tỷ đồng. Luỹ kết 9 tháng đầu năm tổng doanh thu thuần đạt 24.729 tỷ đồng và 1.767 tỷ đồng, tăng lần lượt 29% và 25% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh thiết bị điện có doanh thu cao nhất là 12.235 tỷ đồng, chiếm 49% tổng doanh thu.
- CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (TV2) thông báo sẽ trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, đồng thời trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% và thưởng bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10:3 Như vậy, với 45 triệu cổ phiếu đang lưu hành, TV2 sẽ phải chi trả khoảng 45 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ động.
- CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (ABI) thông báo sẽ trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Với 42 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ABI cần phát hành thêm 8,4 triệu cổ phiếu mới. Qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 510 tỷ đồng.