Bán giải chấp cổ phiếu là việc không nhà đầu tư cổ phiếu nào muốn gặp phải. Điều này cho thấy tình trạng tài khoản ký quỹ đang ở mức báo động. Vậy bán giải chấp cổ phiếu là gì? Làm thế nào để tránh việc này xảy ra? Hãy cùng Chứng khoán VINA tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Bán giải chấp là gì?
Bán giải chấp là thuật ngữ biểu thị việc ngân hàng bán tài sản thế chấp của người vay khi người vay không có khả năng chi trả khoản vay đúng hạn.
Khi nhận thấy người vay không thể trả khoản vay, ngân hàng sẽ tịch thu tài sản thế chấp của người đó. Tiếp theo, tài sản này sẽ được đem đi thanh lý bằng việc đấu giá càng nhanh càng tốt.
Tài sản được bán giải chấp không còn là tài sản đảm bảo cho khoản vay nữa. Nghĩa là, hợp đồng vay đã được thanh lý, tài sản đó đã không còn nghĩa vụ thế chấp cho khoản vay.
Bán giải chấp cổ phiếu là gì?
Bán giải chấp cổ phiếu xảy ra đối với nhà đầu tư vay margin (vay ký quỹ) để mua cổ phiếu và dùng chính cổ phiếu đó làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Khi giá cổ phiếu giảm khiến tỷ lệ ký quỹ nhỏ hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì (tài khoản bị force sell), công ty chứng khoán sẽ thực hiện bán giải chấp cổ phiếu của nhà đầu tư nếu người đó không nộp thêm tiền vào tài khoản.
Thông thường, việc bán giải chấp cổ phiếu không được thực hiện ngay khi tỷ lệ ký quỹ chạm ngưỡng duy trì. Công ty chứng khoán sẽ thông báo với nhà đầu tư trước 1 – 2 ngày. Nếu trong thời gian này, nhà đầu tư không bổ sung tiền vào tài khoản để duy trì mức ký quỹ tối thiểu, công ty buộc phải thực hiện bán giải chấp tài sản thế chấp của nhà đầu tư (chính là cổ phiếu).
Ví dụ:
Một nhà đầu tư có 3 tỷ đồng, vay thêm 2 tỷ đồng để mua lô cổ phiếu trị giá 5 tỷ đồng. Lô cổ phiếu là tài sản đảm bảo cho khoản vay. Tỷ lệ ký quỹ duy trì của công ty chứng khoán quy định là trên 30%.
Sau một thời gian, giá trị lô cổ phiếu giảm 50%, giá trị tài sản chỉ còn 2,5 tỷ đồng. Số vốn ban đầu của nhà đầu tư sau khi trừ khoản vay ký quý là 2,5 – 2 = 0,5 tỷ đồng.
Lúc này, tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư là 0,5 tỷ / 2,5 tỷ = 20% < 30%. Nếu nhà đầu tư không thực hiện bổ sung tài sản để nâng tỷ lệ ký quỹ lên, công ty chứng khoán sẽ thực hiện bán giải chấp cổ phiếu của nhà đầu tư.
Tại sao phải bán giải chấp cổ phiếu?
Khi người vay không thể trả khoản vay đúng hạn, ngân hàng sẽ thực hiện bán giải chấp tài sản để bù đắp vào khoản vay đó, đảm bảo thu hồi nợ đúng hạn. Vậy nguyên nhân các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu là gì?
Tương tự vậy, hình thức ký quỹ trong giao dịch chứng khoán cũng là một dạng cho vay. Công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay tiền để mua cổ phiếu. Số cổ phiếu này được sử dụng làm tài sản thế chấp cho chính khoản vay đó. Công ty chứng khoán quy định tỷ lệ ký quỹ duy trì đối với khoản vay (thường là 30%).
Khi tài sản của nhà đầu tư sụt giảm, tỷ lệ ký quỹ giảm dưới ngưỡng quy định mà nhà đầu tư không bổ sung thêm tài sản, công ty chứng khoán buộc phải bán giải chấp cổ phiếu của nhà đầu tư để thu hồi khoản nợ. Việc bán giải chấp này không cần sự đồng ý của nhà đầu tư.
Khi nào nhà đầu tư bị bán giải chấp cổ phiếu?
Bán giải chấp cổ phiếu chỉ xảy ra đối với nhà đầu tư sử dụng ký quỹ. Các công ty chứng khoán có nhiều cách xử lý tài khoản ký quỹ. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán lao dốc, giá cổ phiếu trên đà giảm, bán giải chấp cổ phiếu được là cách xử lý duy nhất.
Trước khi tài khoản rơi vào trạng thái force sell, nhà đầu tư sẽ được công ty chứng khoán thông báo. Trong 2 – 5 phiên giao dịch sau đó, nhà đầu tư buộc phải bán bớt cổ phiếu, nạp thêm tiền hoặc cả hai cách để hạ tỷ lệ nợ. Nếu không, công ty chứng khoán sẽ thực hiện bán giải chấp mà không cần sự đồng ý của nhà đầu tư.
Làm thế nào để tránh phải bán giải chấp cổ phiếu?
Không nhà đầu tư nào muốn rơi vào tình trạng cổ phiếu bị bán giải chấp. Để tránh trường hợp này xảy ra, nhà đầu tư cần lưu ý một số điều sau:
- Theo dõi danh mục đầu tư thường xuyên: Nhà đầu tư có tỷ lệ ký quỹ lớn cần theo dõi sự thay đổi của danh mục đầu tư thường xuyên, nhất là khi thị trường đang biến động, giá cổ phiếu đang giảm. Như vậy, nhà đầu tư nắm bắt được tình trạng ký quỹ của mình và bổ sung vốn kịp thời, tránh rơi vào force sell.
- Chỉ nên dùng đòn bẩy tài chính khi có nhiều kinh nghiệm đầu tư: Nhà đầu tư ít kinh nghiệm dễ chọn sai cổ phiếu dẫn tới thua lỗ, không những bị bán giải chấp cổ phiếu mà còn chịu khoản vay với công ty chứng khoán khi vay margin.
- Chỉ nên sử dụng margin với những cổ phiếu có xu hướng tăng rõ ràng: Chỉ cần một biến động nhỏ của thị trường cũng khiến trạng thái tài khoản lao đao. Nhà đầu tư không nên chọn vay margin với cổ phiếu đang biến động, không dự đoán được xu hướng giá.
- Nên sử dụng margin ở mức vừa phải: Nhà đầu tư nên tính toán tỷ lệ vay margin ở mức vừa phải, vay quá nhiều dễ dẫn tới force sell và phải bán giải chấp cổ phiếu.
- Không nên sử dụng margin với tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư: Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng margin với một vài cổ phiếu có tiềm năng. Nếu sử dụng cho toàn bộ danh mục, chỉ một biến động nhỏ của thị trường, tài khoản ngay lập tức rơi vào force sell.
Trên đây là các thông tin chi tiết, giúp bạn trả lời được câu hỏi: bán giải chấp cổ phiếu là gì, từ đó biết cách để tránh tình trạng này xảy ra. Để hạn chế rủi ro khi thị trường sụt giảm, bạn cần đặc biệt lưu ý tới việc vay margin và bán giải chấp nhé, hãy nhanh chóng đưa ra quyết định để tránh những rủi ro không đáng có.