Bank run được coi hiện tượng gây ra tác động tiêu cực đối với ngân hàng, tạo ra rủi ro cho hệ thống tài chính và thậm chí là toàn bộ nền kinh tế. Trong một số trường hợp, các sự kiện bank run có thể gây ra biến động trên thị trường tài chính và khiến giá trị tài sản giảm sút. Cùng VNSC tìm hiểu bank run là gì và tác động nghiêm trọng của nó tới nền kinh tế qua bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu về bank run
Bank run là gì?
Bank run là hiện tượng rút tiền hàng loạt, xảy ra khi một lượng lớn khách hàng của ngân hàng hay các tổ chức tài chính rút tiền gửi đồng loạt do nghi ngại về khả năng thanh toán của ngân hàng. Khi ngày càng nhiều người rút tiền, rủi ro vỡ nợ của ngân hàng gia tăng do thiếu thanh khoản. Trong tình huống tồi tệ nhất, ngân hàng có thể không đủ dự trữ để chi trả các khoản rút tiền.
Hiện tượng rút tiền hàng loạt thường xảy ra khi khách hàng lo sợ ngân hàng sẽ không còn tiền để trả lại người gửi khi họ cần. Tuy nhiên, đây chủ yếu là kết quả của hoảng loạn đám đông chứ không phải ngân hàng thật sự không đủ khả năng thanh toán.
Vì ngân hàng chỉ giữ một tỷ lệ nhỏ tiền gửi dưới dạng tiền mặt, do đó, nếu khách hàng đồng loạt rút tiền, họ phải tăng lượng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu của khách. Một cách để ngân hàng nâng cao tiền mặt sẵn có là bán nhanh tài sản, đôi khi với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực của chúng.
Nguyên nhân diễn ra tình trạng bank run
Các nguyên nhân dẫn đến bank run có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Một số nguyên nhân chủ yếu bao gồm: tác động của kinh tế vĩ mô, do nhu cầu sử dụng tiền, hoặc hiệu quả kinh doanh của ngân hàng kém dẫn đến mất niềm tin của khách hàng trong việc bảo toàn tiền gửi của họ
Bên cạnh đó, sự lan truyền của tin đồn sai lệch hoặc ảnh hưởng từ những sự kiện tương tự trong quá khứ, khiến khách hàng hoảng loạn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bank run.
Tác động của bank run đối với ngân hàng và nền kinh tế
Tác động đối với ngân hàng
- Giảm thanh khoản: Khi người dân đồng loạt rút tiền gửi, ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản và có nguy cơ không đủ tiền mặt để trả cho khách hàng.
- Mất niềm tin: Bank run khiến niềm tin của khách hàng và các nhà đầu tư đối với ngân hàng suy giảm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
- Phải bán tháo tài sản: Để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng, ngân hàng phải bán tháo tài sản, có thể dẫn đến lỗ do bán tài sản với giá thấp hơn giá trị thực.
Tác động đối với nền kinh tế
- Ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh: Sự mất niềm tin vào ngân hàng có thể làm giảm hiệu quả của các hoạt động kinh doanh, khi các doanh nghiệp không muốn vay vốn hoặc đầu tư.
- Giảm tín dụng: Khi ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, họ sẽ giảm cung cấp tín dụng, gây ra suy giảm hoạt động kinh tế và đầu tư.
- Đẩy cao tỷ lệ lạm phát: Nếu chính phủ phải can thiệp để cứu ngân hàng, họ có thể phải in tiền, dẫn đến lạm phát và giảm giá trị của đồng tiền.
Trong thời đại hiện đại, bank run có thể không còn hình ảnh hàng dài khách hàng đợi rút tiền trực tiếp tại ngân hàng, mà thay vào đó là “silent bank run” khi khách hàng đóng tài khoản hoặc rút tiền qua các kênh giao dịch trực tuyến.
Lịch sử các sự kiện bank run nổi tiếng
Northern Rock năm 2007
Sự kiện Northern Rock năm 2007 bắt đầu khi ngân hàng này gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn thông qua thị trường tài chính toàn cầu. Điều này dẫn đến việc ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu cho vay của khách hàng và phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England). Khi tin tức này lan ra, khách hàng của Northern Rock bắt đầu rút tiền gửi, tạo ra một cuộc bank run không chưa từng có tại Anh kể từ thời điểm đó.
Cuộc bank run này đã gây ra một cú sốc lớn trong giới tài chính quốc tế và làm dấy lên lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ. Sự kiện Northern Rock cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, khi các ngân hàng lớn khác của Mỹ và Anh cũng phải đối mặt với khó khăn tài chính và nguy cơ phá sản.
Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB Bank) 2023
Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã sụp đổ vào thứ Sáu, 10/3/2023, trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ sau khi hàng loạt khách hàng đã đến rút tiền, dẫn tới cạn kiệt thanh khoản. Tổng cộng, người gửi đã rút ồ ạt khoảng 42 tỷ USD từ ngân hàng chỉ trong một ngày.
Sau sự sụp đổ vào ngày 10/3/2023 này, tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã can thiệp ngay sau khi SVB đang trên bờ vực phá sản để giúp ngân hàng hoạt động trở lại và đảm bảo các tổ chức phi lợi nhuận không bị ảnh hưởng quá nặng nề. Ngân hàng đã mở cửa trở lại vào ngày 13/3/2023 và người dân đã có thể xếp hàng bên ngoài để rút tiền.
Biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bank run
Để phòng ngừa và ứng phó với bank run, cả ngân hàng trung ương, ngân hàng và khách hàng đều có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau:
Về phía ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ
- Cung cấp thanh khoản cho ngân hàng: Để giúp ngân hàng duy trì hoạt động và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng trung ương có thể cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó khăn, qua các cửa sổ cho vay ưu đãi hoặc mua lại tài sản bảo đảm.
- Bảo hiểm tiền gửi: Để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và giảm thiểu nguy cơ bank run, chính phủ và ngân hàng trung ương nên thiết lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo mức bồi thường cho người gửi khi ngân hàng gặp vấn đề và làm giảm bớt nỗi lo của khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng.
Về phía nội bộ ngân hàng
Sau các cuộc khủng hoảng đổ vỡ ngân hàng trên toàn cầu, chúng ta rút ra được những bài học để tránh gặp những rủi ro tương tự. Trong đó, việc mà các ngân hàng cần phải cải thiện đó là tăng cường kiểm soát, quản lý nguồn vốn. Một trong những sai lầm của Ngân hàng Thung lũng Silicon vừa qua đó chính là việc họ đầu tư vào chứng khoán thế chấp dài hạn có thời gian đáo hạn vượt quá 10 năm, thay vì chọn các Trái phiếu Kho bạc có kỳ hạn ngắn hơn hoặc các khoản thế chấp có thể đáo hạn trong vòng chưa đầy 5 năm. Điều này dẫn đến sự phân bổ không cân đối giữa tài sản và nợ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần minh bạch trong vấn đề tài chính, công bố thông tin tài chính đầy đủ, chính xác và kịp thời, bao gồm báo cáo tài chính, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ thanh khoản, để tăng cường sự minh bạch và giúp khách hàng đánh giá đúng mức độ an toàn của ngân hàng.
Xây dựng niềm tin đối với khách hàng cũng vô cùng quan trọng để không dẫn tới những cuộc tháo rút tiền ồ ạt, giảm thiểu nguy cơ “bank run”.
Về phía khách hàng
Việc nâng cao kiến thức tài chính hay kinh tế chính trị là vô cùng quan trọng khi đem tiền đi đầu tư vào bất cứ một sản phẩm nào. Đồng thời, các nhà đầu tư cần nắm rõ luật pháp, quy định từ phía ngân hàng để không xảy ra bất kỳ rủi ro mất mát nào khi trao tiền vào tay người khác.
Qua bài viết trên, VNSC đã tổng hợp chi tiết những thông tin và sự kiện của bank run. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin giá trị.