Chúng ta luôn phải đối mặt với rủi ro hằng ngày. Và trong đầu tư chứng khoán cũng vậy, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với những rủi ro đến từ nhiều phía. Bạn cần hiểu rõ các rủi ro này để biết cách phòng tránh và ngăn ngừa. Vậy thì rủi ro khi đầu tư chứng khoán là gì? Làm sao để có thể quản trị rủi ro khi đầu tư? Câu trả lời sẽ nằm trong bài viết dưới đây của Chứng khoán Vina!
Rủi ro khi đầu tư chứng khoán là gì?
Rủi ro khi đầu tư chứng khoán có thể hiểu là việc nhà đầu tư bị thua lỗ, khoản đầu tư sụt giảm so với giá trị vốn bỏ ra ban đầu. Mức rủi ro này sẽ được đo lường bằng việc số liệu biến động tài sản so với giá trị bình quân sinh lời trong một khoản thời gian nhất định.
Các loại rủi ro khi đầu tư chứng khoán
Mỗi hành động đầu tư hay tiết kiệm đều sẽ bao gồm các rủi ro khác nhau. Nhìn chung, rủi ro khi đầu tư chứng khoán thường được chia thành hai loại: Rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống.
Rủi ro hệ thống
Hay còn được gọi là rủi ro thị trường. Đây là rủi ro xảy ra khi xuất hiện các biến động của thị trường như:
- Các yếu tố kinh tế vĩ mô: tổng cung hàng hóa tăng trong khi tổng cầu giảm, lạm phát…
- Các yếu tố liên quan đến chính trị, pháp lý,….
Rủi ro hệ thống sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và gần như tất cả các ngành hàng trên thị trường chứng khoán nói riêng.
Rủi ro hệ thống, gồm 4 loại:
Rủi ro hàng hoá
Khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán tức là họ đang đầu tư vào hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp. Giá của hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô, như cung hàng hóa, cầu hàng hóa.
Ví dụ: Khi xăng dầu trở nên khan hiếm, giá xăng dầu tăng làm giá của các mặt hàng khác tăng. Khi ấy giá hàng hóa thay đổi, rủi ro trong chứng khoán sẽ xảy ra lớn hơn, nhiều ngành bị tác động khiến giá cổ phiếu sụt giảm.
Rủi ro mô hình
Rủi ro mô hình xảy ra trong quá trình các nhà đầu tư sử dụng các mô hình tài chính để tính toán và phân tích các số liệu của công ty khi bị tác động bởi các yếu tố khách quan. Tuy nhiên, thị trường luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ và diễn ra không theo một quy luật nào cả. Điều này có thể dẫn đến sai lệch trong kết quả tính toán và rủi ro thua lỗ.
Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản xảy ra khi thị trường bị các yếu tố tác động làm cho điều kiện giao dịch bị thay đổi, từ đó gây nên sự bất ổn trong chứng khoán. Thanh khoản của chứng khoán đề cập đến khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của các cổ phiếu trong giao dịch và ngược lại. Khi rủi ro thanh khoản xảy ra, điều này sẽ tác động đến việc chuyển đổi thành tiền mặt của chứng khoán.
Rủi ro lạm phát và lãi suất
Đây là rủi ro sẽ tác động đến thị trường trái phiếu nhiều hơn là cổ phiếu. Khi trên thực tế, lãi suất danh nghĩa mà chúng ta nhận được đã bao gồm cả tỷ lệ lạm phát, khi tỷ lệ lạm phát tăng, lãi suất thực mà chúng ta nhận được sẽ giảm.
Bên cạnh đó, lãi suất và giá chứng khoán còn có quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau. Giá của trái phiếu là giá trị hiện tại của dòng tiền – tức giá trị của khoản đầu tư mà bạn sẽ nhận được trong tương lai. Khi lãi suất thị trường ngày càng cao, lãi suất thực mà nhà đầu tư nhận được sẽ giảm do ảnh hưởng bởi lạm phát. Từ đó giá trái phiếu sẽ giảm.
Rủi ro phi hệ thống
Hay còn gọi là rủi ro đặc trưng. Đây là loại rủi ro chỉ ảnh hưởng đến một ngành công nghiệp hay một công ty nhất định. Rủi ro phi hệ thống xảy ra khi có sự thay đổi trong cách quản lý, việc thu hồi sản phẩm hay các vấn đề pháp lý làm giảm doanh thu của công ty. Ngoài ra, khi một đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện chiếm lĩnh thị phần của công ty cũng có thể dẫn tới rủi ro phi hệ thống.
Rủi ro phi hệ thống được chia thành 4 loại:
Rủi ro lỗi thời
Rủi ro lỗi thời xảy ra khi công ty, doanh nghiệp xuất hiện một đối thủ có các sản phẩm hàng hóa tiềm năng hơn công ty mình và chiếm lĩnh thị phần của công ty. Lúc này hàng hóa dịch vụ của công ty sẽ trở nên lỗi thời nếu công ty không có thái độ cải tiến. Từ đó, sẽ ít người đầu tư vào công ty hơn từ đó cổ phiếu công ty giảm.
Rủi ro truyền thông
Đây là rủi ro có tầm ảnh hưởng lớn đến giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp. Rủi ro truyền thông xảy ra khi doanh nghiệp xuất hiện các tin đồn, sự kiện xấu làm ảnh hưởng đến uy tín. Từ đó sẽ ít người đầu tư vào và khiến giá cổ phiếu của công ty tụt dốc.
Rủi ro kiểm toán
Rủi ro kiểm toán xuất hiện do sự kiểm soát các chi phí và nguồn vốn kém hiệu quả của ban quản lý doanh nghiệp, gây ra các tổn hại cho quá trình kinh doanh. Từ đó khiến giảm giá cổ phiếu bị sụt giảm.
Rủi ro xếp hạng
Rủi ro xếp hạng đề cập đến xếp hạng của doanh nghiệp thông qua tình hình các hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt, giá cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ tăng và ngược lại.
Bảng xếp hạng rủi ro của doanh nghiệp sẽ được xếp hạng theo thứ tự A, B, C, D tương ứng với mức độ an toàn của cổ phiếu với AAA là cao nhất, tương ứng với rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp này hầu như không có. Và ngược lại D là xếp hạng thấp nhất, tức rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp này là rất cao.
Rủi ro pháp lý
Rủi ro pháp lý thường xảy ra đối với các nhà đầu tư mới gia nhập và thị trường, chưa hiểu rõ về các quy định pháp lý khi giao dịch. Nếu không nắm vững luật pháp, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với các rủi ro từ quy định về vốn hay sự thay đổi trong chính sách tài khóa, tiền tệ…
Các loại rủi ro trong đầu tư chứng khoán khác
Bên cạnh hai loại rủi ro chính là rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống, thì trong thị trường chứng khoán còn có các rủi ro khác như:
- Rủi ro tỷ giá: Khi đầu tư ở một thị trường nước ngoài, nhà đầu tư cần xem xét tác động của tỷ giá hối đoái có thể thay đổi giá tài sản như thế nào. Khi tỷ giá biến động thấp hơn so với ước tính, điều này có thể gây ra rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp và ngược lại.
Ví dụ: khi bạn đang ở Việt Nam và đầu tư vào cổ phiếu của một công ty Mỹ. Khi tỷ giá hối đoái giữa đồng Đô la và Đồng Việt Nam tăng, thì bạn sẽ thu lại được lợi nhuận nhiều hơn.
- Rủi ro quốc gia: Đề cập đến rủi ro khi một quốc gia không có khả năng thực hiện các cam kết về tài chính của mình. Nếu một quốc gia không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính, điều này sẽ gây hại đến sự vận hành của các công cụ tài chính trong quốc gia đó cũng như là với các nước có quan hệ hợp tác với nhau. Rủi ro quốc gia thường xảy ra với cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các khoản đầu tư được phát hành trong một quốc gia, thường được thấy ở các thị trường mới nổi, hay quốc gia có thâm hụt thương mại nghiêm trọng.
Mối quan hệ giữa rủi ro và lợi tức
Một điều cơ bản trong tài chính đó là mối quan hệ giữa rủi ro và lợi tức. Mô hình dưới đây thể hiện rõ mối quan hệ ngược chiều này. Mức độ rủi ro khi đầu tư chứng khoán mà nhà đầu tư có thể chấp nhận càng cao, thì lợi tức tiềm năng mà nhà đầu tư có thể nhận được càng lớn.
Mỗi nhà đầu tư sẽ quyết định mức độ rủi ro mà mình có thể chấp nhận được để nhận lại một khoản lợi tức mong muốn. Khẩu vị rủi ro này sẽ được quyết định dựa trên các yếu tố như độ tuổi, thu nhập, mục tiêu đầu tư, tính cách.
Ví dụ: Khi so sánh lợi tức mang lại từ trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, thì trái phiếu chính phủ – một trong những danh mục đầu tư an toàn, sẽ đem lại lợi tức thấp hơn. Bởi doanh nghiệp sẽ có nguy cơ dễ bị phá sản hơn với chính phủ, tức rủi ro vỡ nợ của đối với trái phiếu doanh nghiệp cao hơn, nên nhà đầu tư sẽ nhận được mức lợi tức cao hơn. Vậy thì tùy vào “khẩu vị rủi ro” của từng nhà đầu tư thì sẽ quyết định có nên hay không chọn trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp.
Chứng khoán có nhiều rủi ro, có nên tham gia không?
Chi phí cơ hội cho việc nhận lại một mức lợi tức cao, chính là rủi ro cao. Đối với một kênh đầu tư như thị trường chứng khoán, rủi ro càng cao thì lợi nhuận sinh lợi càng lớn.
Tuy nhiên, việc chấp nhận rủi ro khi đầu tư chứng khoán sẽ tùy vào khẩu vị rủi ro của mỗi người. Vì thế nếu bạn là người đầu tư mới, mức độ chịu đựng rủi ro không cao, thì bạn có thể lựa chọn những cổ phiếu có mức độ rủi ro thấp. Dựa vào những kết quả phân tích thị trường, phân tích tình hình biến động của công ty để có thể lựa chọn những cổ phiếu đầu tư phù hợp với nhu cầu, sở thích của mình.
Còn nếu bạn là người có “khẩu vị rủi ro đậm đà”, có thể chịu đựng được các rủi ro, “những cơn đau tim” mỗi lúc thị trường lên xuống, thì mình có thể mạnh tay mua những cổ phiếu nhằm mục đích đầu cơ.
Nhìn chung lại, đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn, thị trường chứng khoán là một thị trường tiềm năng để thực hiện việc “tiền đẻ ra tiền” với mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng. Việc có thể quản trị tốt rủi ro sẽ giúp bạn tối ưu hóa khoản đầu tư của mình. Vậy thì làm thế nào các nhà đầu tư có thể quản trị rủi ro trong đầu tư tài chính một cách hiệu quả?
Các bước quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Một chiến lược cơ bản và hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng khoán đó là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nghĩa là bạn sẽ trải dài danh mục đầu tư của mình đối với các sản phẩm tài chính khác nhau, có mức độ rủi ro khác nhau: cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, ETFs và các chứng chỉ quỹ khác. Bằng cách này, khi một phần trong số danh mục đầu tư của bạn giảm, thì những công cụ còn lại có thể vẫn tiếp tục tăng giá.
Thường xuyên cập nhật các thông tin thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế vĩ mô trong nước mà còn chịu sự tác động của nền kinh tế thế giới.
Nền kinh tế trong nước và quốc tế sẽ luôn biến động hằng ngày. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức để điều chỉnh danh mục đầu tư của mình sao cho phù hợp, tránh xảy ra tình trạng không mong muốn.
Giữ vững tâm lý
Thị trường tài chính kinh tế sẽ luôn biến động mỗi ngày nên đòi hỏi nhà đầu tư phải có tâm lý cứng, tự tin vào kết quả phân tích của mình trong việc sắp xếp danh mục đầu tư. Tránh trường hợp chạy theo đám đông, bị FOMO và dẫn đến những kết quả không mong muốn với các khoản đầu tư của mình.
Tuân thủ kỷ luật
Việc tuân thủ theo những nguyên tắc đã đề ra sau khi phân tích kỹ thuật sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro và giúp bạn có một hướng đi đúng đắn. Bạn cần lập ra cho mình một kế hoạch, quy định về mức cắt lỗ và tuân theo các kế hoạch đó.
Có thể thấy, chứng khoán có nhiều rủi ro, tuy nhiên, đây là vẫn là một kênh đầu tư đầy tiềm năng mà bạn không thể bỏ qua. Hy vọng các rủi ro khi đầu tư chứng khoán trên đây đã giúp bạn có thêm thông tin để đưa ra cách quản trị rủi ro hiệu quả. Hãy đánh giá kỹ lưỡng, đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình để hạn chế rủi ro, đạt được mục tiêu tài chính nhé.
Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư. Nội dung chia sẻ có thể đã cũ do yếu tố thời gian. Vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.
VNSC by Finhay – Tích lũy và đầu tư từ đây
Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006