Kế hoạch năm 2025 của Vingroup mục tiêu doanh thu thuần khoảng 300.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.000 tỷ đồng.
Sáng ngày 24/4/2025, Tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Tính đến 9h, Đại hội cổ đông có 149 cổ đông và người được ủy quyền tham dự, đại diện cho hơn 2,9 tỷ cổ phần, tương ứng 76,4% số phiếu có quyền biểu quyết.
HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch năm 2025 với mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng 56% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp mục tiêu đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 90%.
Tháng 5 sẽ niêm yết Vinpearl, tiết lộ điểm hòa vốn của VinFast
Tại Đại hội, ông Phạm Nhật Vương cho biết, đã tiến hành thủ tục niêm yết Vinpearl từ năm ngoái và đi đến những bước cuối cùng, trong tháng 4 sẽ xong và Vinpearl niêm yết trong tháng 5, các hoạt động kinh doanh đều đang có lãi.
Với VinFast, doanh số kế hoạch tại Việt Nam là 200.000 xe trong năm nay, tương đương 40% thị phần.
"Đây là thị phần lớn nhất của một hãng xe tại thị trường Việt Nam, chứ không riêng hãng xe nội địa. Nếu đạt được, VinFast hòa vốn tại thị trường Việt Nam", ông Vượng khẳng định.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ, trong tương lai, doanh thu chính của VinFast sẽ đến từ thị trường quốc tế bởi dung lượng thị trường xe ôtô ở thị trường Việt Nam chỉ khoảng 450.000 – 500.000 xe/năm.
Tuy nhiên, để bán được xe ở các thị trường nước ngoài công ty cần phải đầu tư, đặc biệt là các trạm sạc. Các thị trường VinFast dự kiến thúc đẩy doanh số cũng sẽ đầu tư trạm sạc như ở Việt Nam.
Nói về lợi thế cạnh tranh của VinFast, chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định có 3 yếu tố cơ bản: “Xe tốt, giá hợp lý, dịch vụ hậu mãi cực tốt”.
Ông nhấn mạnh thế mạnh vượt trội của VinFast là tận tâm phục vụ khách hàng, điều mà hầu như các hãng đang bỏ qua. Ông cho biết việc thay thế linh kiện của xe VinFast chỉ là 8 tiếng.
“Xe nào sửa quá 8 tiếng là báo cáo trực tiếp với tôi. Mỗi ngày tôi đều nhận danh sách báo cáo cụ thể xe nào sửa quá 8 tiếng. Tất nhiên, xe được sửa trong điều kiện tiêu chuẩn chứ không phải xe đâm nát. Với sự khác biệt trên, tôi tự tin VinFast cạnh tranh được”, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ.
Trả lời về việc thoái vốn tại VinBrain, VinAI mà không giữ lại và phát triển thêm, Chủ tịch HĐQT nói có 2 lý do.
Một là họ (NĐT nước ngoài – PV) bắt buộc phải đầu tư và phát triển mạnh ở Việt Nam, như thế sẽ lôi kéo được những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ đến Việt Nam, họ phải mở các trung tâm nghiên cứu ở đây, phải dùng người Việt.
Hai là việc Vingroup không tạo ra công ty, tạo ra tài sản để giữ mà là để phát triển.
"Với việc thoái vốn ở đó, tôi đã lập ra quỹ đầu tư 150 triệu USD để thúc đẩy các dự án công nghệ. Các dự án có thể không thành công, Vingroup có thể không được nhưng đất nước sẽ được, các doanh nghiệp có phá sản mấy lần nhưng họ sẽ lớn lên rất nhiều, càng có nhiều cơ hội thất bại thì thành công sẽ càng lớn." – Ông Vượng nói – "Câu chuyện là để thúc đẩy các nền tảng lớn cho đất nước, thúc đẩy các người trẻ, các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ cho Việt Nam."
Mở thêm mảng hạ tầng và năng lượng
Ông Phạm Nhật Vượng cũng cho biết, Vingroup sẽ mở thêm hai trụ cột lớn cho tập đoàn là hạ tầng và năng lượng.
Về hạ tầng sẽ đầu tư tuyến đường sắt là Phú Mỹ Hưng, Cần Giờ, tuyến thứ hai là Hà Nội – Quảng Ninh. Ngoài ra, Vingroup sẽ đăng ký đầu tư các cảng.
Về năng lượng, Tập đoàn sẽ đầu tư năng lượng xanh.
"Lý do làm điện xanh, đó là thứ nhất, rất nhiều người nói chúng ta làm xe điện nhưng xe không xanh vì dùng nhiệt điện để nạp vào. Thứ hai, Việt Nam thiếu điện. Thứ ba, nhiều lãnh đạo cấp cao kêu gọi doanh nghiệp lớn chung tay xây dựng đất nước" – Ông Vượng nói.
Về vốn của hai mảng lớn, sẽ tạm phân bổ, chi phí nào tốt hơn sẽ làm. Định hướng sẽ có EPC 50%, 35% vốn từ ngân hàng, 15% là vốn tự có.
"Cái gì ngon tập đoàn đầu tư, cái gì xương thì tôi sẽ đầu tư. Nói ngắn gọn như thế thôi!" – Tỷ phú chốt.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025
Trong năm vừa rồi, VinFast đã vươn lên vị trí số 1 tại thị trường ô tô Việt Nam với gần 88.000 xe được bàn giao. Trong đó, VF 5 và VF 3 là hai mẫu xe bán chạy nhất thị trường nội địa năm 2024. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu công nghiệp nội địa đứng đầu thị phần ô tô trong nước.
Sang năm 2025, VinFast đặt mục tiêu sản lượng bàn giao tối thiểu gấp đôi năm 2024. Trong năm 2025, VinFast sẽ bàn giao dòng xe dịch vụ Green nhằm khai thác tiềm năng lớn trong lĩnh vực vận tải và taxi xanh. Tại thị trường quốc tế, VinFast có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Indonesia, Philippines và Ấn Độ, đồng thời đưa vào vận hành các nhà máy mới tại Indonesia và Ấn Độ từ năm 2025.
Vinhomes trong năm qua đã bàn giao hàng chục nghìn căn tại Vinhomes Ocean Park 2&3, Vinhomes Royal Island. Sang năm 2025, Vinhomes tiếp tục phát triển các khu đô thị quy mô lớn, tích hợp tiện ích đồng bộ theo mô hình xanh – thông minh, tuân thủ tiêu chuẩn ESG quốc tế. Mở đầu là Dự án Vinhomes Green Paradise vừa được khởi công ngày 19/4/2025 tại Cần Giờ, TP HCM.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Vinpearl tập trung 3 mũi: củng cố thị trường nội địa – mở rộng thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á; đẩy mạnh kênh phân phối trực tuyến; phát triển phân khúc MICE, hướng đến việc biến MICE trở thành nguồn doanh thu chủ lực.
Với khối công nghệ, Vingroup đã thành lập VinRobotics và VinMotion –2 công ty trong lĩnh vực robot và người máy đa năng. Các quỹ đầu tư công nghệ như VinIF và VinVentures cũng tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ các nhà khoa học và dự án khởi nghiệp.
Vinschool, VinUni, Vinmec tiếp tục đầu tư phát triển quy mô, nâng cao chất lượng.
Năm 2024, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần 189.068 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.276 tỷ đồng, tăng 156,6%. Tổng tài sản tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 đạt 839.216 tỷ đồng, tăng 172.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Vingroup dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngọc Điệp