Thuế quan Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến bức tranh kinh doanh của công ty do đã có sự chuẩn bị từ trước.
Chiều ngày 23/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (Pan Group – HOSE: PAN) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại Hà Nội.
Tính đến 14h, Đại hội cổ đông có 152 cổ đông và người được ủy quyền tham dự, đại diện cho 62,18% cổ phần có quyền biểu quyết.
Quý 1/2025 đạt 194 tỷ đồng LNST, tăng 15,2% so với cùng kỳ
Khai mạc đại hội, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN Group nhận định năm 2024 đầy biến động nhưng kinh tế Việt Nam và Tập đoàn PAN vẫn tăng trưởng mạnh.
Năm 2024, công ty đạt doanh thu kỷ lục 16.182 tỷ đồng và 1.167 tỷ đồng lãi sau thuế hợp nhất, tăng trưởng lần lượt 22,5% và 42,8% so với năm 2023.
Doanh thu và lợi nhuận mảng thủy sản tăng trưởng tốt nhất với mức tăng lần lượt 33% và 38% so với năm 2023. Mảng thực phẩm đóng gói tăng trưởng lần lượt 18% và 28%. Mảng nông nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 13% và 15%.
Nếu loại trừ thu nhập bất thường từ CTCP Khử trùng Việt Nam (mã CK: VFG), lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 609 tỷ tăng trưởng 50% so với năm 2023 và vượt kế hoạch 36%.
Sang năm 2025, Pan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất là 17.256 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.407 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến là 1.210 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 4% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ là 672 tỷ đồng, tăng 10%.
Công ty dự kiến phân phối lợi nhuận năm 2025, chia cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 5% (tương đương 500 đồng/1cp).
Tại ĐHĐCĐ, Tổng Giám đốc PAN Group, bà Nguyễn Thị Trà My đã báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 4.119 tỷ đồng, tăng 19% so với quý I/2024, hoàn thành 24% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 194 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ, thực hiện được 29% kế hoạch năm.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 108 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, hoàn thành 16% kế hoạch.
Việc lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng trưởng cao cũng đến từ việc các công ty mà PAN nắm tỷ lệ cao đều có tăng trưởng tốt trong quý I: Bibica, Aquatex Bentre, VFC, Vinaseed… tăng trưởng tốt. Cùng với đó, Tập đoàn tăng tỷ lệ sở hữu tại PAN Farm cũng làm cho lợi nhuận về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng cao hơn so với tỷ lệ tăng của lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế.
Bà My đánh giá, kết quả quý 1/2025 cho thấy sự tăng trưởng tích cực của PAN Group ở nhiều lĩnh vực cốt lõi. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ Mỹ, vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, điều này cần được theo dõi sát sao trong các quý tiếp theo để đảm bảo hoàn thành mục tiêu cả năm.
Bà Nguyễn Thị Trà My – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PAN Group.
Thảo luận đáng chú ý:
1. Công ty có bị ảnh hưởng bởi việc áp thuế của Mỹ không? Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu sang Mỹ trên tổng doanh thu là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng nhiều nhất với thông tin áp thuế của thị trường Mỹ hầu như chỉ có mảng tôm.
Với kinh nghiệm kinh doanh, chúng tôi đã nhận thức được vấn đề này từ nhiều năm trước và có sự chuẩn bị trong nhiều năm, tìm các thị trường thay thế phù hợp với sản phẩm của tập đoàn. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ của tập đoàn rất nhỏ.
Việc tạo ra những sản phẩm truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính như Nhật, EU, Trung Đông… Các sản phẩm chế biến sâu đến giờ chưa ảnh hưởng vì các nhà mua hàng phản hồi chấp nhận trả thuế để mua từ thị trường Việt Nam.
Đứng giữa những vấn đề bất biến, kết quả kinh doanh của tập đoàn và các công ty thành viên đều tăng trưởng.
Bà Nguyễn Thị Trà My: Kể từ đại dịch Covid-19, chúng tôi đã tái cấu trúc thị trường, sản phẩm, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng. Riêng mảng tôm, Khang An Foods đang tập trung vào các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Anh… trong khi Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Trong những năm gần đây, Khang An Foods làm rất tốt về phát triển bền vững (ESG). Các nhà nhập khẩu tại thị trường Mỹ như Costco đã sang kiểm tra, đánh giá rất cẩn thận.
Tuần trước, khách hàng Costco liên hệ và mong muốn nhập khẩu sản phẩm tôm của Khang An Foods vào thị trường Mỹ với nhãn đen – đây là thương hiệu uy tín, giá nhập cao hơn 1 USD/kg, tức cao hơn 20-25% so với sản phẩm tương tự. Đến hiện tại, Khang An Foods đã ký với đối tác 2.000 tấn.
Chia sẻ thêm câu chuyện của Fimex VN trong quý vừa rồi, các nhà nhập khẩu Mỹ ráo riết thúc đẩy tăng xuất khẩu trong quý I. Câu chuyện 90 ngày hoãn thuế, nói là 90 ngày nhưng thời gian vận chuyển đã cần 45 ngày, như vậy chúng tôi chỉ có 45 ngày đêm để sản xuất và xuất khẩu kịp trong quý II. Sản lượng xuất khẩu đã đạt 80%, chỉ còn 20% trong ba quý cuối năm.
Thanh khoản của thị trường Mỹ rất thấp so với các thị trường xuất khẩu khác như Australia, EU, Nhật Bản… Trong kịch bản xấu nhất, việc áp thuế cũng không ảnh hưởng nhiều đến Tập đoàn.
Các năm tới, chúng tôi đã có kế hoạch tăng cường các sản phẩm cao cấp vào các thị trường gần, giảm thiểu chi phí vận chuyển. Số liệu thống kê, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2024 chỉ khoảng 18%, trong đó tôm chiếm 13%. Đây là con số rất nhỏ trong bức tranh lớn của Tập đoàn.
2. Vì sao năm nay PAN vẫn trả cổ tức 5% trong khi lãi nhiều hơn năm trước?
Việc Tập đoàn PAN đầu tư tài sản để có một hệ sinh thái trong nhiều năm qua, một phần không nhỏ đến từ tiền vay của CGIF. Việc dùng một phần lợi nhuận hiện tại cùng những khoản khác để trả những phần đã đầu tư đường dài là một trong những ưu tiên rất quan trọng để tăng tính hiệu quả. Với lộ trình này, năm sau và năm sau nữa tỷ lệ chia cổ tức sẽ được tăng lên.
3. Tập đoàn PAN lần lượt thay Chủ tịch nhiều công ty con trong các năm gần đây. Liệu có vấn đề gì không?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Nếu không thuộc Tập đoàn PAN mà thuộc công ty nhà nước thì những tất cả những lãnh đạo các công ty đó đã về hưu từ rất nhiều năm trước. Còn nếu là tập đoàn tư nhân khác, khi M&A các công ty thành viên, họ đã thay lãnh đạo ngay từ khi thương vụ được hoàn tất.
Với Tập đoàn PAN, chúng tôi thì đã khai thác, đã cùng với lực lượng cán bộ này trong nhiều năm, thậm chí có người hơn chục năm.
“Tre già măng mọc”, đến lúc cần thay thì phải thay vì đó là nguyện vọng của người lao động và là quy luật thực tiễn. Ai cũng đến lúc cần phải nghỉ, đến lúc phải tìm lực lượng thay thế.
Đây không phải năm đầu tiên chúng tôi thay lãnh đạo đầu ngành của các công ty thành viên. Trước đây 2-3 năm, chúng tôi đã thay vị trí Chủ tịch và một số vị trí chủ chốt của Aquatex Bentre, rồi đến Lafooco, Bibica. Kết quả là các công ty đều tốt hơn rất nhiều.
Năm nay, chúng tôi thay vị trí Chủ tịch Vinaseed. Những năm trước, Vinaseed chỉ đặt tăng trưởng lợi nhuận 2% so với cùng kỳ. Còn năm nay, chỉ sau 2 tháng thay Chủ tịch, công ty đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 14% so với cùng kỳ. Nếu so 14% với 2%, con số 12% là không nhiều, nhưng về tỷ lệ đó đạt mức tăng trưởng 700% so với năm trước. Đó là con số quá ấn tượng, nếu không dũng cảm thì không ai dám tự tin đưa ra kế hoạch này. Tôi tin tưởng 100% rằng các công ty thành viên đều phát triển trong tương lai.
4. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng từng nói “cổ đông chưa giúp PAN Group viral”. Với kết quả kinh doanh ấn tượng của cả hệ sinh thái, cũng như giá cổ phiếu trong năm qua, xin hỏi câu chuyện “viral” đã thành hiện thực?"
Ông Nguyễn Duy Hưng: Không có công cụ đo đếm nào thể hiện việc cổ đông có giúp cổ phiếu có viral hay không, nhưng câu hỏi này cho thấy cổ đông đã rất trách nhiệm với những gì đóng góp cho tập đoàn.
Lời hứa về lợi nhuận, chúng tôi đã thực hiện như cam kết. Còn điều công ty không làm được là giá cổ phiếu. Chúng tôi hy vọng năm 2025 giá cổ phiếu PAN sẽ tốt hơn. Điều đó không có nghĩa là công ty có thể làm được gì với giá cổ phiếu, nhưng trên góc nhìn của nhà đầu tư, khi người ta hết quan tâm đến những thứ phát triển nóng, nhiều rủi ro, đến thời điểm nào đó toàn thế giới sẽ quay lại những giá trị liên quan đến vấn đề sinh tồn như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước… Đó là cơ hội để Tập đoàn PAN bứt phá trong năm nay và những năm tiếp theo.
5. PAN có kế hoạch tăng vốn tại công ty mẹ hay thoái vốn tại công ty thành viên không?
PAN sẽ thực hiện các kế hoạch này nếu tạo ra hiệu quả. Quan điểm của PAN Group là khi sáp nhập các công ty về tập đoàn, làm sao phải làm doanh nghiệp đó phát triển tốt hơn. Nếu không làm được mới xem xét thoái vốn cho đối tác. Điều quan trọng là doanh nghiệp thuộc PAN phải phát triển bền vững và tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
6. Những tiêu chí M&A của Tập đoàn PAN là gì, có bao giờ PAN từ chối không?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng Tập đoàn nông nghiệp, hy vọng đóng góp nâng tầm nông nghiệp Việt, tất cả những gì hệ sinh thái có cùng giấc mơ, chúng tôi sẽ làm. Khi chúng tôi nghiên cứu có M&A, việc quan trọng nhất là chúng tôi phải cảm nhận được mong muốn đồng hành của người ta, lĩnh vực kinh doanh có phù hợp và cuối cùng là điều người ta nói và cách người ta làm có thống nhất không, nếu không, chúng tôi kiểm soát bằng cách nào. Khi làm đúng được ba điều này, chúng tôi sẽ quyết định. Có rất nhiều doanh nghiệp, chúng tôi đi sâu nhưng thực tế không M&A.
7. Lợi thế của bà My mang lại cho Vinaseed là gì?
Bà My cho biết việc cùng lúc giữ hai vai trò – Tổng giám đốc Tập đoàn PAN và Chủ tịch HĐQT Vinaseed – cho thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của Vinaseed trong hệ sinh thái PAN.
Lợi thế đầu tiên đó là kinh nghiệm điều hành ở cấp độ tập đoàn. Thứ hai là kinh nghiệm trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản trị chuyên nghiệp, minh bạch. Mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều công ty thành viên của PAN như FMC, BBC, Lafooco, hay VFC – và giờ là Vinaseed.
Thứ ba, với hiểu biết sâu sắc về hoạt động kinh doanh của các công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong tập đoàn, bà sẽ điều phối để các công ty hỗ trợ lẫn nhau.
Thứ tư là lợi thế về tài chính. Ngay sau khi bổ nhiệm giám đốc tài chính mới – người được điều chuyển từ PAN, Vinaseed đã bắt đầu làm việc với các ngân hàng ngoại và tổ chức tài chính nước ngoài.
Lợi thế cuối cùng là về hợp tác quốc tế, đặc biệt trong mảng R&D. Vinaseed đã và đang làm việc với những tổ chức lớn như IRRI, cũng như các công ty quốc tế chuyên về giống rau. Ngày 9/5 tới, Vinaseed sẽ phối hợp cùng PAN tổ chức một hội nghị quốc tế đầu tiên tại Viện Nông nghiệp để tăng cường hợp tác và phát triển sản phẩm mới trong tương lai.
Đi cùng tất cả những điều đó là văn hóa doanh nghiệp của PAN – một văn hóa chia sẻ, đổi mới sáng tạo và minh bạch. Với mô hình mới và quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ đang diễn ra, Vinaseed sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho cổ đông, cho ngành nông nghiệp và đặc biệt là cho người nông dân.
8. Tôi ít thấy các sản phẩm của hệ sinh thái ở các siêu thị ở Hà Nội, ngoài Bibica và Vinaseed, vậy liệu doanh nghiệp có ưu tiên thêm các sản phẩm để bán nội địa không?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Đây là điều chúng tôi đang rất quan tâm. Để làm được những sản phẩm thương mại bán trong nước không phải ngày 1 ngày 2, vì sản xuất phải ở quy mô đủ lớn thì mới hiệu quả. Đây là việc chúng tôi đang làm.
9. Trong quý I, Fimex VN có thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 23 tỷ và 12 tỷ, vấn đề này như thế nào?
Việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải trích dự phòng theo quy định của công ty kiểm toán. Đây là chuyện bình thường. Tùy theo mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp cụ thể, nếu thấp hơn mức dự phòng thì sẽ hoàn lại.
10. Xin chủ tịch giải thích rõ hơn tại sao PAN lại vay nợ lớn như vậy, hơn 11.000 tỷ đồng. Trong khi kế hoạch mở rộng chưa rõ ràng. Số vốn này đang dùng làm gì, có làm tăng chi phí tài chính của Tập đoàn không?
Thật ra đây là những sản phẩm tài chính, không rủi ro, không phải vay nợ để đầu tư tài sản cố định. Với PAN, việc kiểm soát rủi ro là yếu tố đặt lên hàng đầu.
Nợ 11.000 tỷ nhưng tải sản tương đương nhiều hơn. Tất cả những tải sản này đều có tính thanh khoản cao. Đây hoàn toàn là sản phẩm tài chính. Tăng chi phí tài chính nhưng lợi nhuận thu lại còn cao hơn. Đó là chuyện bình thường của Tập đoàn đa ngành.