Ngày 2/2, Thủ tướng đã có cuộc khảo sát thực địa, kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ thực hiện hai dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị – Chi Lăng (Lạng Sơn).
Yêu cầu Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục cải tiến, nâng cao công nghệ nhằm sẵn sàng cho các dự án quan trọng
Trong những ngày đầu xuân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chương trình công tác khởi công, kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Ngày 2/2, Thủ tướng đã có cuộc khảo sát thực địa, kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ thực hiện hai dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị – Chi Lăng (Lạng Sơn).
Sau khi trực tiếp kiểm tra thực địa các dự án và nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy hai dự án cao tốc này.
Theo thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các nhà đầu tư, nhà thầu đã liên kết với các bên, khẩn trương thực hiện các thủ tục một cách bài bản. Nhà đầu tư Đèo Cả cũng có các ban quản lý, trung tâm đào tạo, là đơn vị “thiện chiến” trong thi công, nhất là khoan hầm…
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục cải tiến, nâng cao công nghệ hiện đại nhằm sẵn sàng cho các dự án sau này, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh doanh nghiệp lớn hỗ trợ, hướng dẫn cho doanh nghiệp địa phương cùng làm, cùng phát triển.
“Đề nghị Tập đoàn Đèo Cả tăng cường đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, đồng thời đảm bảo 6 tiêu chí quan trọng: an toàn lao động, tiến độ, chất lượng, vệ sinh môi trường, năng suất và hiệu quả đầu tư”, Thủ tướng giao 6 nhiệm vụ cho nhà đầu tư.
Tiến độ hai dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Hữu Nghị – Chi Lăng
Trước đó, Thủ tướng đã đi thị sát hiện trường hai dự án cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được khởi công từ ngày 1/1/2024 và phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Tổng mức đầu tư của dự án là 23.000 tỷ đồng
Tại giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93km, tổng mức đầu tư là 14.114 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Theo báo cáo tại buổi thị sát, đến nay, đã cơ bản bàn giao mặt bằng toàn tuyến được 93,14 km /93,35 km, đạt 99,8% chiều dài tuyến. Các địa phương, cơ quan đang triển khai thủ tục xây dựng 6 khu tái định cư và thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật (22 vị trí đường điện cao thế), tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Về thi công, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công huy động 36 mũi thi công, 650 thiết bị, 1.500 nhân sự, đã hoàn thành thông hai hạng mục hầm xuyên núi. Tổng sản lượng thực hiện các gói thầu được 1.360,01/10.056,85 tỷ đồng, đạt 13,52% hợp đồng, nhanh hơn 0,54% so với kế hoạch.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương việc triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh; đồng thời triển khai các đoạn tuyến để kết nối cao tốc này với TP. Cao Bằng (dài 17km) và tới cửa khẩu Tà Lùng (13km).
Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng dài khoảng 59,87km (gồm 43 km cao tốc và 16,87 km tuyến nối đến cửa khẩu), đi qua địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn.
Sau hoàn thành, dự án sẽ kết nối các cửa khẩu Hữu Nghị – Cốc Nam – Tân Thanh đến các trung tâm kinh tế Hà Nội – Bắc Giang – Bắc Ninh; rút ngắn thời gian kết nối ra các cảng biển tại khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh.
Giai đoạn phân kỳ, dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 80km/h, tổng mức đầu tư là 11.029 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cao tốc sẽ hoàn thành năm 2026 và phấn đấu thông xe trong năm 2025.
Theo báo cáo, đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án được 47,34 km/59,87 km tổng chiều dài toàn tuyến, tương đương 79%.
Về thi công, các nhà thầu đã huy động 806 kỹ sư và công nhân, 397 thiết bị, tổ chức 39 mũi thi công. Doanh nghiệp dự án đặt mục tiêu thông tuyến trong năm 2025, với sản lượng dự kiến 4.623,53 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ dự án còn chậm so với kế hoạch, đồng thời việc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chậm huy động được nguồn vốn vay cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn về xây dựng đoạn tuyến kết nối tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng tới cửa khẩu Tân Thanh và nâng cấp tuyến đường kết nối Lạng Sơn với Thái Nguyên.
Hà Giang