Khi phân tích báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, lợi nhuận gộp là chỉ số quan trọng mà nhà đầu tư cần theo dõi để có thể đánh giá được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Có rất nhiều nhà đầu tư dựa vào chỉ số này để đưa ra quyết định mua/bán chứng khoán. Vậy lợi nhuận gộp hay lãi gộp là gì? Cách tính lợi nhuận gộp và ý nghĩa của chỉ số này thế nào?
Lợi nhuận gộp là gì?
Lợi nhuận gộp (Gross profit) là khoản doanh thu của công ty được tính sau khi khấu trừ hết các chi phí từ giai đoạn sản xuất đến khi bán thành công sản phẩm/dịch vụ. Lợi nhuận gộp là yếu tố thể hiện mức độ hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chỉ số này phản ánh rõ ràng nhất hiệu quả của các thành phần đóng góp vào quá trình kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ công ty. Chính vì vậy mà nhiều người gọi nó là “thước đo thành công” trong doanh nghiệp.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp
Khi phân tích lợi nhuận gộp người ta thường xem xét những khoản chi phí ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp là:
- Giá nguyên vật liệu (bao gồm cả phí vận chuyển);
- Chi phí sử dụng lực lượng lao động;
- Chi phí khấu hao tài sản trong quá trình sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ;
- Chi phí vận chuyển
- Chi phí địa điểm, kho bãi, bảo quản hàng hóa;
- Chi phí marketing, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Đặc điểm của lợi nhuận gộp
Một số đặc điểm nổi bật của lợi nhuận gộp có thể kể đến như:
- Đây là chỉ số tài chính được tính bằng hiệu của doanh thu và giá vốn hàng bán.
- Lợi nhuận gộp chỉ bao gồm chi phí biến đổi, không tính đến phần chi phí cố định.
- Lợi nhuận gộp đánh giá hiệu quả tổ chức trong việc sử dụng lao động và vật tư của mình để sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
- Chỉ số này chỉ phản ánh giá vốn hàng bán, trong khi lợi nhuận ròng tính tất cả các loại chi phí của công ty. Đây là điểm khác biệt cơ bản của 2 loại lợi nhuận.
- Tỷ suất lợi nhuận gộp là công cụ phái sinh của lợi nhuận gộp, cho biết bao nhiêu phần trăm doanh thu mà công ty kiếm ra có thể được áp dụng cho chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Ý nghĩa lợi nhuận gộp
Lợi nhuận gộp có ý nghĩa quan trọng với cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư khi tìm hiểu một công ty/mã cổ phiếu. Thông qua lợi nhuận gộp, nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều thông tin để đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đó. Một số ý nghĩa cụ thể của chỉ số này có thể kể tới như:
- Lợi nhuận gộp vạch ra từng loại chi phí và vai trò của chúng trong quá trình kinh doanh giúp chủ doanh nghiệp đánh giá chính xác tình hình hoạt động của tổ chức, từ đó kiểm soát chi phí, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
- Lợi nhuận gộp chính là “thước đo thành công” của doanh nghiệp. Nó có tác động rất lớn đến quyết định mở rộng quy mô kinh doanh hay lựa chọn thu hẹp, rút gọn quy mô. Căn cứ vào các chỉ số tài chính, trong đó có lợi nhuận gộp mà công ty sẽ xem xét việc phân phối các loại chi phí, có biện pháp kiểm soát tốt lợi nhuận gộp giúp thu hút các nhà đầu tư đầu tư vốn vào công ty cao hơn.
- Lợi nhuận gộp được dùng làm căn cứ để so sánh, đánh giá các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Đây là chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh, nếu doanh nghiệp có lợi nhuận gộp cao so với các đối thủ cùng ngành, chứng tỏ doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả, có sức khỏe tài chính tốt.
Như đã nói ở trên, doanh nghiệp căn cứ vào mức lợi nhuận gộp để đánh giá hiệu quả hoạt động động sản xuất kinh doanh sản phẩm. Tuy nhiên quá trình sản xuất/ kinh doanh bao gồm rất nhiều khâu và thành phần nên dễ hiểu khi các công ty mắc sai lầm trong quá trình tính toán. Dẫn tới việc nhầm lẫn giữa mức lãi và lỗ.
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng trong quá trình xem xét chọn lựa một công ty, nhà đầu tư cần lưu ý các chỉ số tài chính khác để đưa ra lựa chọn khách quan, chính xác nhất.
Ưu điểm và hạn chế khi sử dụng lợi nhuận gộp
Ưu điểm
- Lợi nhuận gộp loại bỏ yếu tố chi phí quản lý/điều hành. Như vậy công ty có thể suy nghĩ về cách sản phẩm của mình hoạt động hoặc sử dụng các chiến lược kiểm soát chi phí lớn hơn. Cũng vì lẽ đó mà nhiều doanh nghiệp ưu tiên phân tích lợi nhuận gộp thay vì lợi nhuận ròng.
- Nhiều đánh giá cho thấy lợi nhuận gộp dễ kiểm soát hơn so với các khía cạnh khác của công ty. Chẳng hạn như việc phân tích những chi phí không thể tránh khỏi trong quá trình kinh doanh như tiền thuê nhà, bảo hiểm, vật tư, … tương đối khó kiểm soát. Lợi nhuận gộp sẽ bỏ qua các chi phí này, giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về tình hình kinh doanh, kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
- Chỉ số này được quyết định bởi doanh thu thuần và giá vốn hàng bán. Bản thân doanh nghiệp có thể thay đổi theo hướng chiến lược nhiều thành phần của lợi nhuận gộp hơn lợi nhuận ròng.
Nhược điểm
- Các nhà đầu tư xem xét thu nhập của những công ty tư nhân phải tự làm quen với các mục chi phí trên bảng cân đối kế toán không chuẩn hóa, vì các khoản này có thể có hoặc không được tính vào lợi nhuận gộp.
- Mặc dù chỉ số lợi nhuận gộp rất hữu ích trong việc xác định tình trạng của tổ chức, nhưng bản thân công ty phải chủ động điều tra tất cả các luồng doanh thu và từng thành phần của giá vốn hàng bán để thực sự hiểu tại sao hiệu quả hoạt động của mình lại kém.
- Phân tích lợi nhuận gộp của công ty dịch vụ cần xem xét kỹ lưỡng vì đôi khi tổ chức này không có giá vốn hàng bán.
Hướng dẫn tính lợi nhuận gộp chính xác nhất
Nhà phân tích hoàn toàn có thể tự tính lợi nhuận gộp của một doanh nghiệp dựa vào Doanh thu và giá vốn.
Công thức tính lợi nhuận gộp
Công thức tính chính xác là:
Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán
Trong đó:
- Doanh thu thuần = Doanh thu – Các khoản giảm trừ.
- Đây là khoản lợi nhuận thực tế doanh nghiệp thu được từ việc bán các loại hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Các khoản giảm trừ bao gồm chi phí thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu… và các chi phí giảm giá, chiết khấu, hàng trả lại…
- Giá vốn hàng bán là chi phí sử dụng để tạo ra sản phẩm từ khâu sản xuất đến khi bán thành công sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Giá vốn hàng bán có thể bao gồm: Giá nguyên vật liệu, thuê kho, lưu trữ, marketing, chi phí vận chuyển, nhân sự…
Ví dụ: Doanh thu của một doanh nghiệp A là 500.000.000 VNĐ. Giả sử chi phí nguyên vật liệu: 200.000.000 VNĐ, chi phí trả cho người lao động: 80.000.000 VNĐ.
Lợi nhuận gộp = 500.000.000 – (200.000.000 + 80.000.000) = 220.000.000 VNĐ
⇒ Mức lãi gộp của công ty A là 220.000.000 VNĐ.
Tìm hiểu tỷ suất lợi nhuận gộp
Khi xem xét chỉ số lợi nhuận gộp, không thể bỏ qua tỷ suất lợi nhuận gộp – Gross Profit Margin. Đây là chỉ số có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Dựa vào nó mà nhà phân tích có thể so sánh từng giai đoạn tài chính của công ty so với các doanh nghiệp cùng ngành, từ đó đánh giá hiệu quả kinh doanh của tổ chức, mục tiêu xây dựng chiến lược tối ưu chi phí và tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo.
Công thức tính:
Tỷ suất lợi nhuận gộp (%) = Lợi nhuận gộp / Tổng doanh thu
Trên đây là toàn bộ những thông tin giải đáp chi tiết về lợi nhuận gộp, cách tính, ý nghĩa của nó khi phân tích tài chính doanh nghiệp. Hy vọng nội dung trên đã đem tới các thông tin hữu ích, giúp nhà đầu tư vận dụng hiệu quả trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.