VN-Index có một ngày giao dịch đầy biến động. Có những thời điểm, VN-Index đã vọt lên trên tham chiếu, nhưng kết phiên, chỉ số này vẫn mất 8,53 điểm. Thanh khoản hôm nay vọt tăng, lên hơn 16.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục một phiên mua ròng hơn 261 tỷ đồng.
Giảm gần 9 điểm trên nền thanh khoản cao
Khi thị trường mở cửa, VN-Index bất ngờ tụt mạnh do áp lực từ nhóm VN30. Trong buổi sáng, đã có thời điểm chỉ số đại diện sàn HOSE bay cao, sau đó lại nhanh chóng giảm xuống dưới tham chiếu.
Sang đến buổi chiều, đà giảm của thị trường tiếp tục được nới rộng. VN-Index kết phiên giảm 8,53 điểm, còn 951,12 điểm (-0,89%). Chỉ số VN30-Index mất 11,35 điểm, còn 945,54 điểm (-1,19%).
Trên HOSE có 189 mã giảm và 251 mã tăng. Riêng nhóm VN30 có 12 mã tăng và 18 mã đóng cửa dưới tham chiếu. NVL và PDR tiếp tục nằm sàn. Dù trong phiên sáng, đã có thời điểm cổ phiếu NVL tăng hơn 4% và có hơn 128 triệu cổ phiếu được sang tay.
BID, VNM và EIB là 3 mã có đóng góp tích cực nhất, giúp VN-Index tăng hơn 2,5 điểm. Ở chiều ngược lại, VIC, VCB và VHM là 3 mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất, khiến VN-Index mất hơn 6,2 điểm. Trong khi 10 mã đóng góp tích cực nhất chỉ giúp chỉ số chung tăng hơn 3,5 điểm thì 10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đã lấy đi hơn 10,6 điểm.
Đà giảm của thị trường hôm nay đến từ sức ép của nhóm VN30. Trong buổi chiều, có tới 22/30 mã mất giá so với buổi sáng, trong đó có nhiều mã đảo chiều từ xanh sang đỏ. ACB giảm tới 3,6% so với phiên sáng, kết phiên đóng sửa 1,2%. GAS cũng giảm 2,7%, kết phiên mất 1,9% điểm. VHM, VIB, VIC, VJC cũng giảm hơn 2% trong phiên chiều và cả ngày mất điểm mạnh.
Về phía nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản tiếp tục có một ngày giao dịch tiêu cực, mất gần 3% điểm. Cổ phiếu thiết bị điện cũng có biên độ giảm cao, mất hơn 2,14%, POT và VTH giảm hết biên độ. Ở chiều ngược lại, PHN tăng hết biên độ.
Nhóm chế biến thuỷ sản, bán lẻ, ngân hàng, vật liệu xây dựng cũng đóng cửa dưới tham chiếu. Ở nhóm ngân hàng, EIB sau khi giảm kịch sàn vào hôm qua, hôm nay đã phục hồi trở lại tăng hết biên độ. VCB (-2%), ACB (-1,2%), CTG (-0,8%), HDB (-1,%), TCB (-1,8%) và VIB (-1,6%) là 5 mã mất điểm trong nhóm ngân hàng, kéo tụt đà tăng của cả nhóm, kết phiên toàn nhóm ngân hàng mất 0,51%.
Ở chiều ngược lại, nhóm chứng khoán, khai khoáng lại có một phiên giao dịch khả quan. Nhóm khai khoáng là nhóm ngành có biên độ tăng cao nhất (+3,81%). Ở nhóm dầu khí, PVC, POS tăng hết biên độ. Nhiều mã có mức tăng hơn 6% như PVD (+6,4%), PVB (+8,8%), BSR (+7,8%), OIL (+7,1%).
Thanh khoản hôm nay tăng cao, đạt gần 16.700 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với hôm qua. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục một phiên mua ròng hơn 261 tỷ đồng. Trong đó, VNM và SSI là 2 mã được mua ròng nhiều nhất, giá trị lần lượt là +74,36 và +67,57 tỷ đồng. DGC là mã bị bán ròng mạnh nhất (-68,34 tỷ đồng).
Tin tức thị trường:
- Trong ngày 16/11 vừa qua, nhiều lãnh đạo của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã hoàn tất việc bán giải chấp với số lượng hơn 5,7 triệu cổ phiếu. Trong đó có chủ tịch Nguyễn thiện Tuấn. Chủ tịch DIG đã bán gần 2,24 triệu cổ phiếu DIG, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,04% xuống còn 7,68%, tương ứng giảm từ 49 triệu cổ phiếu xuống còn 46,8 triệu cp.
- Ngân hàng VIB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ tại công ty TNHH một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản VIB (VIBAMC). Số vốn điều lệ được bổ sung là 250 tỷ đồng, giúp VIBAMC tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ lên 350 tỷ đồng. VIBAMC là công ty con thuộc VIB, do VIB sở hữu 100% vốn điều lệ.
- HĐQT CTCP Nam Long (NLG) vừa phê duyệt nghị quyết phát hành trái phiếu đợt 2. Trái phiếu sẽ được phát hành riêng lẻ, với giá trị lên tới 500 tỷ đồng. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn dự kiến là 7 năm. Mức lãi suất được tính bằng tổng lãi suất cơ bản cố định + 3,5%/năm.
- CTCP Camimex Group (CMX) dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường từ ngày 15/12/2022 – 31/01/2023. Ngày 8/12 sẽ là ngày cuối cùng để đăng ký tham gia ĐHĐCĐ bất thường.
- CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) dự kiến sẽ phát hành hơn 10,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10%. Tổng giá trị phát hành vào khoảng 102,1 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2021.