Công ty chứng khoán MBS mới đây vừa đưa ra dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng trưởng vượt bậc 25% so với cùng kỳ trong quý IV, mức cao nhất từ quý II/2022 được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất đang trên đà phục hồi…
Theo đó lợi nhuận cả năm có thể đạt mức tăng 18% YoY, so với mức giảm 4% năm 2023, đánh dấu giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới.
Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng 15% YoY và giữ nhịp cho toàn thị trường. Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật như: Bất động sản +1005%, hàng không +591%, bán lẻ +162%, từ mức nền thấp. Ngành thép cũng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Quý IV/2024, các doanh nghiệp thép được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa tăng, khi cuối năm là đợt cao điểm đẩy mạnh hoàn tất các dự án bất động sản và đầu tư công. Tuy nhiên, xuất khẩu thép sẽ gặp nhiều bất lợi khi thị trường EU đang điều tra chống bán phá giá vào HRC, cũng như Mỹ dự kiến sẽ tăng cường các biện pháp bảo hộ mới.
MBS đánh giá thị trường nội địa sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của ngành thép trong quý IV, dự kiến tăng 17% YoY. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của toàn bộ ngành cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu như than và quặng giảm lần lượt 17% và 16%, trong khi giá thép xây dựng giảm 110% so với cùng kỳ.
HPG dự kiến ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 3.768 tỷ đồng tăng 25% YoY, nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiển 1 điểm % lên 14% và sản lượng tăng 12% YoY. Với các doanh nghiệp tôn mạ, lợi nhuận ròng của NKG dự báo tăng 664% YoY nhờ biên lợi nhuận gộp tăng 8% từ 4,5% của năm 2023. Trong khi HSG dự báo lợi nhuận ròng đạt 220 tỷ đồng tăng 114% YoY.
Với ngành bán lẻ, Quý IV là một bức tranh có sự phân hóa giữa các ngành bán lẻ khác nhau. Trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe. Điểm sáng trong quý IV vẫn là ngành bán lẻ sản phẩm tiêu dùng và dược phẩm.
Ngành bán lẻ dược phẩm hiện đại đang trong đà mở rộng chuỗi, cụ thể là Long Châu mở rộng thêm 50 nhà thuốc trong quý IV, với doanh thu/ cửa hàng duy trì ở mức 1,2 tỷ đồng/ tháng và tiếp tục mở thêm trung tâm tiêm chủng.
Việc mở rộng nhanh chóng mảng tiêm chủng, có thể khiến cho Long Châu có thêm chi phí mở mới 1 lần và thương hiệu này ghi nhận lỗ ròng trong quý IV. Ở mặt khác, An Khang dùng việc đóng của các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả và tập trung thay đổi sản phẩm giúp tối ưu chi phí, giảm lỗ ròng của quý IV.
Ngoài ra, với mảng bán lẻ tạp hóa tiêu dùng, Bách Hóa Xanh vẫn mở mới thử nghiệm khoảng 35 cửa hàng ở khu vực miền Trung, tiếp tục lãi ròng kể từ quý II/2024.
Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng như MWG, FPT shop đã giảm tốc độ đóng cửa hàng, gia tăng doanh thu/ cửa hàng trong mùa mua sắm cuối năm. Việc mức nền giá bán năm 2024 tăng 5-10% cùng với giảm chi phí từ các cửa hàng không hiệu quả, giúp MWG và FPT shop tiếp tục đà tăng lợi nhuận ròng mạnh mẽ trong quý IV.
Trong mùa cao điểm cuối năm, ngành bán lẻ trang sức như PNJ tiếp tục đẩy mạnh thành công mảng bán lẻ, đặc biệt là sản phẩm có tỷ lệ vàng cao, giúp doanh thu mảng bán lẻ tăng 16% YoY. Biên lợi nhuận gộp của PNJ dự kiến tăng 2 điểm % so với cùng kỳ.