Menu Icon
Giao dịch
VNSC / Đầu Tư

Hợp đồng hoán đổi (Swap) là gì? Tìm hiểu khái niệm và vai trò trong tài chính

Hợp đồng hoán đổi (hợp đồng Swap) là một trong những công cụ tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư quản lý rủi ro lãi suất, tỷ giá và giá cả hàng hóa. Nhờ đó, hợp động này được sử dụng phổ biến trong các giao dịch tài chính phức tạp. Mời bạn cùng VNSC tìm hiểu về hợp đồng Swap trong bài viết dưới đây.

Hợp đồng hoán đổi (hợp đồng Swap) là gì?

Hop-dong-hoan-doi-la-gi-Tim-hieu-khai-niem-va-vai-tro-trong-tai-chinh

Hợp đồng hoán đổi là thỏa thuận giữa hai bên nhằm trao đổi chuỗi các dòng tiền hoặc giá trị tài sản tài chính tại một thời điểm trong tương lai, dựa trên những nguyên tắc nhất định. Trong thỏa thuận này, các khoản thanh toán định kỳ hoặc giá trị tài sản trao đổi có thể được quy định dựa trên các yếu tố như lãi suất, tỷ giá hối đoái hoặc giá hàng hóa.

Các loại hợp đồng hoán đổi phổ biến

Có 3 loại hợp đồng hoán đổi phổ biến, gồm hợp đồng hoán đổi lãi suất, hợp đồng hoán đổi tiền tệ và hợp đồng hoán đổi hàng hóa. Cụ thể như sau:

Hợp đồng hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swap)

Hợp đồng hoán đổi lãi suất là loại hợp đồng giữa hai bên trao đổi dòng tiền được tính theo mức lãi suất cố định và dòng tiền được tính theo lãi suất thả nổi. Đây là loại hợp đồng hoán đổi được sử dụng phổ biến nhất.

Hop-dong-hoan-doi-lai-suat-Interest-Rate-Swap

Một số khái niệm quan trọng trong hợp đồng này:

  • Principal (Số tiền gốc danh nghĩa): Đây là số tiền được dùng để tính toán lãi suất, nhưng không thực sự được trao đổi giữa hai bên.
  • Floating Rate (Lãi suất thả nổi): Thường dựa trên một chỉ số như LIBOR, SOFR, hoặc Euribor. Lãi suất này thay đổi theo thị trường.
  • Fixed Rate (Lãi suất cố định): Lãi suất không thay đổi trong suốt thời gian của hợp đồng.
  • Counterparties (Hai bên tham gia): Một bên trả lãi suất cố định và nhận lãi suất thả nổi, và bên còn lại thực hiện ngược lại.

Cách thức hoạt động

Dựa trên một số tiền/mức vốn danh nghĩa theo thỏa thuận, một bên cam kết trả khoản tiền tính theo mức lãi suất cố định, bên còn lại cam kết trả khoản tiền theo mức lãi suất thả nổi trong một số năm nhất định. Dòng tiền được trao đổi không bao gồm phần gốc mà chỉ liên quan đến phần lãi suất.

Để tránh thực hiện nhiều giao dịch, nếu lãi suất thả nổi và lãi suất cố định chênh lệch nhau, thay vì cả hai bên thanh toán toàn bộ khoản lãi suất, chỉ thanh toán phần chênh lệch:

  • Nếu lãi suất thả nổi cao hơn, bên hưởng lãi suất thả nổi sẽ trả chênh lệch cho bên còn lại.
  • Nếu lãi suất thả nổi thấp hơn, bên hưởng lãi suất cố định sẽ trả chênh lệch cho bên còn lại.

Ví dụ thực tế

Giả sử Công ty A có khoản vay 10 triệu USD với lãi suất thả nổi (LIBOR + 2%) từ ngân hàng, Công ty B có khoản vay 10 triệu USD với lãi suất cố định 5% từ ngân hàng. Công ty A và Công ty B quyết định tham gia hợp đồng hoán đổi lãi suất để quản lý rủi ro lãi suất và tối ưu hóa chi phí tài chính.

  • Công ty A muốn chuyển từ lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định vì lo ngại có thể tăng trong tương lai.
  • Công ty B muốn chuyển từ lãi suất cố định sang lãi suất thả nổi vì dự đoán LIBOR sẽ giảm và muốn tận dụng điều này để tiết kiệm chi phí.

Cả hai bên thỏa thuận hoán đổi như sau:

  • Công ty A sẽ trả lãi cố định cho Công ty B, với tỷ lệ 5% (theo khoản vay của B).
  • Công ty B sẽ trả lãi thả nổi cho Công ty A, với tỷ lệ LIBOR + 2% (theo khoản vay của A).
  • Thời gian thanh toán: 6 tháng/lần (có thể thay đổi tùy thỏa thuận giữa A và B).

Giả sử LIBOR = 4% trong kỳ thanh toán (giả định mỗi kỳ thanh toán là 6 tháng):

  • Công ty A (trả lãi cố định cho B): 10 triệu USD x 5% x 6/12 = 250.000 USD.
  • Công ty B (trả lãi thả nổi cho A): 10 triệu USD x (4% + 2%) x 6/12 = 300.000 USD.

Vì lãi suất có chênh lệch, thay vì thực hiện 2 giao dịch, bên B chỉ cần chuyển cho bên A phần chênh lệch là 50.000 USD trong 1 giao dịch để tiết kiệm chi phí.

Hợp đồng này chỉ diễn ra quá trình giao dịch giữa 2 bên A và B, không liên quan đến ngân hàng. Ngân hàng vẫn nhận lãi từ các khoản vay của A và B theo lãi suất và kỳ hạn ban đầu (A trả lãi thả nổi LIBOR + 2%, B trả lãi cố định 5%). Hợp đồng hoán đổi lãi suất không làm thay đổi khoản vay của A và B với ngân hàng, nhưng giúp A và B thay đổi cấu trúc lãi suất để quản lý rủi ro.

Hợp đồng hoán đổi tiền tệ (Currency Swap)

Hợp đồng hoán đổi tiền tệ (Currency Swap) là hợp đồng giữa hai bên thỏa thuận trao đổi dòng tiền định kỳ bằng hai loại tiền tệ khác nhau, thường bao gồm cả phần gốc và lãi. Mục đích chính của hợp đồng hoán đổi tiền tệ là để quản lý rủi ro tỷ giá, giảm chi phí vay vốn hoặc tối ưu hóa dòng tiền trong giao dịch quốc tế.

Hop-dong-hoan-doi-tien-te-Currency-Swap

Cách thức hoạt động

Hai bên trao đổi số tiền gốc bằng hai loại tiền tệ khác nhau ngay tại thời điểm bắt đầu hợp đồng. Đến cuối kỳ, hai bên sẽ hoàn trả số tiền gốc cho nhau theo tỷ giá đã thỏa thuận ban đầu (hoặc tỷ giá giao ngay tại thời điểm kết thúc hợp đồng, tùy thỏa thuận). Định kỳ, hai bên thanh toán lãi suất dựa trên số tiền gốc đã trao đổi và theo loại tiền tệ tương ứng, lãi suất có thể cố định hoặc thả nổi.

Ví dụ thực tế

Giả sử, Công ty A (ở Mỹ) cần 10 triệu EUR để mở rộng hoạt động ở châu Âu nhưng gặp khó khăn khi vay trực tiếp bằng đồng EUR, Công ty B (ở châu Âu) cần 10 triệu USD để đầu tư vào thị trường Mỹ nhưng lo ngại rủi ro tỷ giá của đồng USD. 

  • Công ty A: Khoản vay 11 triệu USD (vay từ ngân hàng Mỹ, tương đương 10 triệu EUR theo tỷ giá 1 EUR = 1.1 USD). Lãi suất: 5%/năm cố định.
  • Công ty B: Khoản vay 10 triệu EUR (vay từ ngân hàng châu Âu). Lãi suất: 3%/năm cố định.

Hai công ty đồng ý ký kết hợp đồng hoán đổi tiền tệ để trao đổi tiền gốc và lãi, với điều kiện như sau:

    • Tỷ giá cố định ban đầu: 1 EUR = 1.1 USD.
    • Thời hạn hợp đồng: 3 năm, thanh toán lãi suất định kỳ 6 tháng/lần.
    • Trao đổi gốc: A trao 11 triệu USD cho B. B trao 10 triệu EUR cho A.
  • Thanh toán lãi suất:
    • Công ty A trả lãi suất 3%/năm (bằng EUR) cho B, dựa trên số tiền gốc 10 triệu EUR.
    • Công ty B trả lãi suất 5%/năm (bằng USD) cho A, dựa trên số tiền gốc 11 triệu USD.
  • Hoàn trả gốc: Sau 3 năm, A trả lại 10 triệu EUR cho B, và B trả lại 11 triệu USD cho A theo tỷ giá đã thỏa thuận (1 EUR = 1.1 USD).

Giả sử tính lãi suất 6 tháng/lần, trong kỳ tính lãi đầu tiên:

  • Công ty A trả lãi bằng EUR cho B: 10 triệu EUR ×3 % × 6/12​ = 150.000 EUR.
  • Công ty B trả lãi bằng USD cho A: 11 triệu USD × 5% × 6/12 ​= 275.000 USD.

Nếu hai bên đồng ý Netting (bù trừ lãi), dòng tiền thực tế chỉ là phần chênh lệch giữa hai khoản lãi đã tính:

Quy đổi lãi suất: Giả sử tỷ giá vẫn cố định là 1 EUR = 1,1 USD.

  • Lãi Công ty A phải trả cho B: 150.000 × 1,1 = 165.000 USD. 
  • Lãi Công ty B phải trả cho A: 275,000 USD.
  • Chênh lệch lãi suất: 275.000 USD – 165.000 USD = 110.000 USD.

Như vậy, Công ty B trả 110.000 USD cho Công ty A trong kỳ thanh toán này.

Với hợp đồng này, Công ty A dễ dàng tiếp cận 10 triệu EUR cho hoạt động tại châu Âu mà không cần trực tiếp vay vốn từ ngân hàng châu Âu, Công ty B tiếp cận 10 triệu USD để đầu tư tại Mỹ với chi phí lãi suất ổn định.

Hợp đồng hoán đổi hàng hóa (Commodity Swap)

Hợp đồng hoán đổi hàng hóa là hợp đồng trao đổi giá trị của hàng hóa giữa hai bên, giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động giá cả thị trường.

Hop-dong-hoan-doi-hang-hoa-Commodity-Swap

Cách thức hoạt động

Một bên cam kết trả giá cố định cho hàng hóa, bên còn lại trả giá thả nổi dựa trên giá thị trường. Dòng tiền trao đổi được tính toán theo giá trị của hàng hóa tại thời điểm giao dịch.

Ví dụ thực tế

Giả sử Công ty sản xuất dầu thô A lo ngại rằng giá dầu thô có thể giảm trong tương lai, ảnh hưởng đến doanh thu nên muốn ổn định dòng tiền bằng cách bán dầu thô với giá cố định. Nhà máy lọc dầu B cần mua dầu thô để sản xuất, lo ngại giá dầu thô có thể tăng, khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao nên muốn đảm bảo chi phí bằng cách mua dầu với giá cố định.

Hai công ty ký kết hợp đồng hoán đổi với điều kiện sau:

  • Khối lượng dầu: 100.000 thùng dầu mỗi tháng.
  • Thời gian hợp đồng: 1 năm (12 tháng).
  • Giá cố định (Fixed Leg): Công ty B đồng ý trả cho Công ty A giá cố định là 70 USD/thùng.
  • Giá thả nổi (Floating Leg): Công ty A đồng ý trả cho Công ty B giá thị trường của dầu thô (WTI, giá được niêm yết hàng tháng).

Giả sử giá thị trường của dầu thô (WTI) biến động theo từng tháng như sau:

Commodity Swap

Tháng Giá thị trường (USD/thùng) Khối lượng (thùng) Giá cố định (USD/thùng) Dòng tiền Netting (USD)
1 75 100.000 70 A trả B: 100.000 × (75 - 70) = 500.000
2 65 100.000 70 B trả A: 100.000 × (70 - 65) = 500.000
3 70 100.000 70 Không ai trả cho ai (giá bằng nhau).
... ... ... ... ...
12 80 100.000 70 A trả B: 100.000 × (80 - 70) = 1.000.000

Giao dịch hợp đồng diễn ra như sau:

  • Khi giá thị trường cao hơn giá cố định (75 USD/thùng): Công ty A (nhà sản xuất dầu) phải trả phần chênh lệch giá thả nổi so với giá cố định cho Công ty B.
  • Khi giá thị trường thấp hơn giá cố định (65 USD/thùng): Công ty B (nhà máy lọc dầu) phải trả phần chênh lệch giá cố định so với giá thị trường cho Công ty A.
  • Khi giá thị trường bằng giá cố định (70 USD/thùng): Không có khoản thanh toán nào giữa hai bên, vì giá thỏa thuận đã đúng với giá thị trường.

Tổng kết dòng tiền sau 12 tháng:

  • Công ty A (nhà sản xuất dầu): Được bảo vệ khỏi rủi ro giá dầu giảm, đảm bảo nhận được doanh thu tương đương với giá cố định 70 USD/thùng.
  • Công ty B (nhà máy lọc dầu): Được bảo vệ khỏi rủi ro giá dầu tăng, đảm bảo chi phí nguyên liệu không vượt mức giá cố định 70 USD/thùng.

Lợi ích và rủi ro của hợp đồng Swap

Loi-ich-cua-hop-dong-Swap

Lợi ích của hợp đồng Swap

  • Quản lý rủi ro hiệu quả: Hợp đồng Swap cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro từ biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái và giá cả hàng hóa. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có thể sử dụng Swap lãi suất để tránh tác động từ việc tăng lãi suất trong tương lai.
  • Ổn định dòng tiền: Việc chuyển đổi từ lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định giúp các công ty lập kế hoạch tài chính dễ dàng hơn. Chẳng hạn, hợp đồng hoán đổi tiền tệ giúp ổn định dòng tiền khi giao dịch quốc tế trong điều kiện tỷ giá biến động.
  • Tối ưu hóa chi phí: Các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hoặc tài sản với chi phí thấp hơn nhờ hợp đồng hoán đổi Điều này đặc biệt hữu ích khi doanh nghiệp vay vốn từ các thị trường nước ngoài có lãi suất thấp.

Rủi ro của hợp đồng Swap

  • Rủi ro thị trường: Biến động lớn về lãi suất, tỷ giá hoặc giá hàng hóa có thể khiến hợp đồng hoán đổi không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ví dụ, nếu lãi suất cố định giảm mạnh, bên sử dụng lãi suất cố định sẽ chịu thiệt hại.
  • Rủi ro tín dụng: Một bên tham gia hợp đồng có thể không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, gây tổn thất tài chính cho bên còn lại. Điều này thường xảy ra khi một bên đối tác gặp khó khăn về tài chính.
  • Tính phức tạp: Hợp đồng Swap thường có cấu trúc phức tạp và yêu cầu kiến thức chuyên sâu để hiểu rõ các điều khoản, chi phí và rủi ro liên quan.

Rui-ro-cua-hop-dong-Swap

Vai trò của hợp đồng hoán đổi trong tài chính

Trong lĩnh vực tài chính, hợp đồng hoán đổi là công cụ quan trọng với doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư để tối ưu chi phí, quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Cụ thể:

  • Với doanh nghiệp: Hợp đồng hoán đổi giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro lãi suất và tỷ giá trong các giao dịch dài hạn, ổn định dòng tiền để dễ dàng lập kế hoạch ngân sách, đồng thời tối ưu hóa chi phí tài chính, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
  • Với ngân hàng: Ngân hàng sử dụng hợp đồng hoán đổi để cung cấp dịch vụ tài chính linh hoạt cho khách hàng, giảm rủi ro mất cân đối giữa tài sản và nợ thông qua quản lý danh mục hiệu quả, đồng thời tối ưu hóa dòng tiền và lợi nhuận trong bối cảnh biến động thị trường.
  • Với nhà đầu tư: Nhà đầu tư tận dụng hợp đồng để khai thác chênh lệch lãi suất, tỷ giá hoặc giá hàng hóa nhằm tối đa hóa lợi nhuận, bảo vệ danh mục đầu tư trước rủi ro biến động thị trường, và áp dụng các chiến lược đầu tư dài hạn hiệu quả hơn.

Hợp đồng hoán đổi là một công cụ tài chính đa dạng và hiệu quả, giúp quản lý rủi ro và tối ưu hóa tài chính trong các giao dịch phức tạp. Tuy nhiên, để sử dụng hợp đồng này một cách hiệu quả, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nắm vững kiến thức, đánh giá kỹ lưỡng và cân nhắc rủi ro tiềm ẩn.

 

Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư. Nội dung chia sẻ có thể đã cũ do yếu tố thời gian. Vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.

VNSC by Finhay – Tích lũyđầu tư từ đây

Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006

Cùng chủ đề

Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam qua các năm như thế nào?

Lạm phát là một trong những thước đo quan trọng phản ánh tình trạng kinh tế của một quốc gia. Tại Việt Nam, tỷ lệ lạm phát những năm gần …

Author icon VNSC by Finhay Calendar icon 23-12-2024 11:26:57
Top 3 công cụ tính lãi kép online hữu ích

Lãi kép là chiến lược tài chính hiệu quả giúp tăng trưởng tài sản vượt trội, được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng. Tuy nhiên, để tính toán chính xác …

Author icon VNSC by Finhay Calendar icon 19-12-2024 5:12:06
(Cập nhật liên tục) Mức lãi suất ngân hàng nào cao nhất năm 2024?

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất năm 2024? Gửi tiết kiệm là một hình thức đầu tư được những người có khẩu vị rủi ro thấp lựa chọn. Cách …

Author icon VNSC by Finhay Calendar icon 18-12-2024 3:16:16

Trải nghiệm đầu tư thông minh
cùng VNSC by Finhay

QR Code
QR code tải ứng dụng VNSC by Finhay

VNSC by Finhay - Save & Invest

Chứng khoán & các tài sản khác

icon star icon star icon star icon star icon star 20K