Việc quản lý chi tiêu và vấn đề tài chính gia đình luôn là nỗi lo của nhiều cặp vợ chồng. Chi tiêu hộ gia đình thường sẽ phát sinh nhiều khoản, nhiều vấn đề hơn so với cá nhân. Việc quản lý chi tiêu không hiệu quả sẽ khiến gia đình bạn thường xuyên lâm vào cảnh kẹt tiền hay khó khăn để hoàn thành mục tiêu mua nhà, mua xe. Bài viết dưới đây của VNSC sẽ giúp bạn biết cách quản lý chi tiêu gia đình hiệu quả hơn.
Lý do bạn nên áp dụng quản lý chi tiêu gia đình ngay
Gia đình duy trì hoạt động cần thực hiện các chi tiêu tài chính. Việc quản lý đóng vai trò quan trọng giúp bạn giám sát dòng tiền và các vấn đề tài chính của gia đình. Lý do bạn nên áp dụng ngay các biện pháp để quản lý chi tiêu gia đình 4 người hàng tháng.
- Áp dụng các biện pháp cụ thể giúp theo dõi dòng tiền thu và chi, cân bằng lại tài chính cho gia đình, hạn chế các vấn đề lạm phát, chi tiêu quá mức.
- Áp dụng các biện pháp quản lý tài chính gia đình giúp bạn thực hiện được mục tiêu tài chính như: Xây dựng quỹ tiết kiệm dự phòng, mua nhà, mua xe, có tiền để chi trả cho các vấn đề ốm đau phát sinh.
- Việc quản lý tài chính gia đình giúp bạn chủ động đối phó với các vấn đề rủi ro bất ngờ ảnh hưởng đến nguồn thu của gia đình: Thất nghiệp, lạm phát, tai nạn mất sức lao động…
- Quản lý chi tiêu minh bạch rõ ràng giúp các thành viên hiểu và hạn chế các tranh cãi về tiền bạc giữa vợ chồng.
Nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ khi quản lý chi tiêu
Quản lý chi tiêu cho gia đình cũng tương tự như cách quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, các khoản thu chi sẽ có sự khác biệt, người nắm giữ tay hòm chìa khóa và quản lý thu chi cần nắm rõ các nguyên tắc để đạt kết quả tốt:
Lập kế hoạch chi tiêu chi tiết
Nguyên tắc đầu tiên trong việc quản lý tài chính gia đình là cần lên kế hoạch chi tiêu chi tiết dựa trên thói quen, sinh hoạt và điều kiện tài chính của từng gia đình. Việc lên kế hoạch từ trước sẽ giúp bạn kiểm soát hoạt động chi tiêu quá mức ngân sách cho phép trong mỗi tháng.
Phân chia tỷ lệ các khoản chi dựa trên nhu cầu và tình hình thực tế của mỗi gia đình. Bạn cần chia các khoản chi thành các nhóm chính:
- Các chi tiêu thiết yếu như: Ăn uống, nhà ở, điện nước, học phí của con cái, tiền xăng xe di chuyển… Đây là những khoản chi cố định bắt buộc chi ra hàng tháng để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho các thành viên. Tỷ lệ này thường từ 50-60% thu nhập của gia đình.
- Quỹ tiết kiệm hàng tháng: Số tiền được tích lũy phục vụ mục tiêu dài hạn như mua nhà, mua xe hay quỹ hưu trí. Số tiền tiết kiệm hàng tháng sẽ dao động từ 10-15%.
- Quỹ dự phòng khẩn cấp: Số tiền được sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp như ốm đau, tai nạn, thất nghiệp… Ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính và thu nhập của gia đình, giúp các thành viên vượt qua giai đoạn khó khăn. Số tiền nên chích ra cho quỹ dự phòng thường là 10% thu nhập hàng tháng.
- Quỹ đối ngoại, giao lưu: Đây là khoản tiền chi cho việc chăm sóc các mối quan hệ của gia đình như mừng cưới, thăm nom người ốm, mua quà cho bố mẹ, người thân khi có dịp đặc biệt. Tỷ lệ số tiền cho khoản đối ngoại này sẽ thường khoảng 5%.
- Quỹ giải trí, chăm sóc sức khỏe tinh thần: Đây là khoản chi cho nhu cầu giải trí của các thành viên, kết nối gắn kết mối quan hệ gia đình như du lịch, xem phim, picnic hay các hoạt động vui chơi định kỳ… Số tiền trích ra cho khoản giải trí có thể từ 5-10% tùy từng gia đình.
Việc lên kế hoạch chi tiêu cần có sự thảo luận giữa các thành viên trong gia đình. Sự đồng thuận giữa các thành viên, kể cả các bé sẽ giúp kế hoạch được thực hiện, không có tranh cãi trong quá trình thực hiện.
Theo dõi chặt các chi tiêu
Theo dõi chặt chi tiêu bằng cách ghi vào sổ chi tiêu gia đình hoặc bạn có thể sử dụng app để quản lý. Đây là công việc cần làm đều đặn, hàng ngày để theo dõi xem dòng tiền được sử dụng như thế nào.
Bạn cần ghi rõ các khoản chi dù là nhỏ nhất của các thành viên. Tất cả cần được tổng hợp để tính toán chính xác và lên kế hoạch chi tiêu phù hợp cho những tháng tiếp theo.
Hãy ghi rõ các chi tiêu và tổng hợp lại vào cuối tháng để nắm rõ khoản nào đã chi tiêu hợp lý, khoản nào đang bị thiếu, khoản nào cần cắt giảm, khoản nào cần bổ sung để đạt mục tiêu tài chính… Việc thắt chặt theo dõi chi tiêu của gia đình cần được công khai, bàn luận giữa các thành viên để không gây ra tranh cãi.
Cắt giảm các khoản chi không cần thiết
Dựa trên thông tin được ghi chép hàng tháng từ sổ chi tiêu gia đình, bạn có thể tiến hành cắt giảm các khoản chi không cần thiết, khiến tài chính bị thâm hụt và ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn của gia đình.
Các khoản chi tiêu có thể cắt giảm và thay thế bằng biện pháp phù hợp hơn giúp tối ưu chi phí mà vẫn đảm bảo sự thống nhất giữa các thành viên. Gia đình có thể áp dụng một số biện pháp để cắt giảm các khoản chi không cần thiết như:
- Tự nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoài, ăn đồ ăn nhanh sẽ tốn kém chi phí hơn.
- Hạn chế mua sắm quần áo, tái sử dụng các món đồ còn giá trị, có thể sửa chữa nếu đồ điện tử trong gia đình bị hư hỏng thay vì mua mới.
- Tiết kiệm điện năng, nước và các khoản liên quan đến sinh hoạt trong gia đình. Những khoản chi này khá nhỏ nên thường không được chú ý, nhưng nếu tiết kiệm sẽ tối ưu chi phí hơn.
Xây dựng quỹ dự phòng
Việc quản lý chi tiêu không thể thiếu việc xây dựng quỹ dự phòng tài chính cho gia đình. Quỹ này khác với khoản tiết kiệm dài hạn, có thể được sử dụng bất cứ khi nào khi gia đình gặp khó khăn tài chính hay các tình huống bất ngờ.
Quỹ dự phòng này có thể là khoản gửi tiết kiệm ngân hàng hay mua bảo hiểm bảo vệ. Số tiền dự phòng này sẽ là cứu cánh giúp đảm bảo an toàn tài chính của gia đình.
Tự động hóa khoản tiết kiệm
Xây dựng thói quen tiết kiệm hàng tháng và tự động hóa khoản tiết kiệm đó. Bạn có thể thực hiện bằng cách chuyển ngay số tiền tiết kiệm vào quỹ tiết kiệm ngay sau khi nhận lương để tránh bị tiêu mất.
Các app quản lý chi tiêu hiện nay khá hữu ích, giúp tự động phân chia số tiền theo tỷ lệ đã thiết lập trước. Tiền lương về tài khoản sẽ được tự động trích và gửi tiết kiệm, giúp bạn không lạm chi.
3 phương pháp quản lý chi tiêu gia đình phổ biến
Quản lý chi tiêu gia đình luôn là vấn đề đau đầu với nhiều người. Đặc biệt những người mới bắt đầu tập làm quen với thói quen quản lý chi tiêu sẽ khá khó khăn không biết bắt đầu từ đâu. Nếu bạn đang loay hoay tìm kiếm phương pháp quản lý chi tiêu phù hợp, có thể áp dụng 3 cách phổ biến dưới đây được các chuyên gia tài chính đánh giá cao:
Phương pháp 6 chiếc lọ
Phương pháp 6 chiếc lọ là cách quản lý chi tiêu gia đình khá phổ biến, được nhiều bà nội trợ áp dụng. Cụ thể, phương pháp này sẽ chia nhỏ nguồn thu nhập thành 6 phần với mục đích sử dụng khác nhau. Tỷ lệ các phần sẽ được chia dựa trên nhu cầu chi tiêu của các gia đình, thói quen sinh hoạt và mục tiêu tài chính.
Các lọ và mục tiêu chi tiêu cùng tỷ lệ phần trăm mà bạn có thể tham khảo áp dụng cho gia đình mình:
- Lọ chi tiêu cần thiết chiếm 55% cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như ăn uống, nhà ở, đi lại, học tập cố định, chi trả hóa đơn thiết yếu…
- Lọ tiết kiệm dài hạn chiếm 15% phục vụ nhu cầu mua nhà, mua xe, nghỉ hưu.
- Lọ giáo dục chiếm 10% quỹ dành cho chi phí học hành của con cái, nâng cao kỹ năng nghề, mua sách…
- Lọ quỹ dự phòng tài chính 10% thu nhập dành cho các biến cố có thể xảy ra trong tương lai, giúp ổn định cuộc sống gia đình.
- Lọ hưởng thụ chiếm 10% thu nhập phục vụ cuộc sống tinh thần của các thành viên bằng cách chi cho hoạt động giải trí, vui chơi, mua sắm hay du lịch.
- Lọ từ thiện 5% cho các mục tiêu chăm sóc mối quan hệ, quà tặng người thân bạn bè, mừng cưới hoặc làm từ thiện.
Phương pháp 50-20-30
Phương pháp 50-20-30 cũng là một cách quản lý tài chính khá phổ biến. Với 50-20-30, bạn có thể chia thu nhập của mình thành 3 nhóm chính, với các nhiệm vụ cụ thể như sau:
- 50% cho chi tiêu thiếu yếu của gia đình trong tháng.
- 20% cho tiết kiệm và quỹ dự phòng tài chính.
- 30% cho chi phí học tập, mua sắm, giải trí và các mối quan hệ của gia đình.
Phương pháp 50-20-30 thường được áp dụng nhiều cho quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, việc áp dụng để quản lý chi tiêu cho gia đình cũng có thể mang lại hiệu quả. Bạn cần phân chia các khoản chi chi tiết hơn trong từng mục, có thể điều chỉnh thay đổi một chút để phục hợp hơn với đặc điểm và nhu cầu của gia đình.
Phương pháp Kakeibo
Kakeibo là một phương pháp quản lý chi tiêu của người Nhật rất nổi tiếng, được nhiều chuyên gia tài chính đánh giá cao. Ở đây, Kakeibo là ghi chép chi tiêu vào sổ kế toán gia đình.
Với phương pháp này, bạn cần ghi rõ tất cả các khoản chi tiêu của gia đình vào một cuốn sổ. Hoạt động ghi chép được thực hiện hàng ngày và tổng hợp vào cuối tháng. Các thành viên sẽ ngồi lại để đánh giá chi tiêu, vấn đề tài chính đang gặp phải để điều chỉnh chi tiêu cho tháng tiếp theo. Dựa trên sổ chi tiêu được ghi chép, các thành viên sẽ cùng đánh giá những tiêu chí sau:
- Thu nhập của gia đình là bao nhiêu, có đáp ứng đủ các nhu cầu thiết yếu, nhu cầu giải trí, tiết kiệm hay không?
- Bạn đang chi tiêu bao nhiêu cho các mục: Nhu cầu thiết yếu, giải trí, tiết kiệm, học tập, đầu tư, các mối quan hệ,…
- Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng?
- Bạn có thể cắt giảm những khoản chi nào? Các khoản chi đã được thực hiện hợp lý hay chưa? Các món đồ mua và các khoản chi có thực sự cần thiết hay không?
Phương pháp Kakeibo sẽ giúp bạn tối ưu các khoản chi và đạt được mục tiêu tài chính mà vẫn đảm bảo sự phù hợp với thói quen sinh hoạt, đặc điểm của từng gia đình.
Công cụ quản lý chi tiêu gia đình giúp bạn theo dõi hiệu quả
Bên cạnh các phương pháp quản lý, những công cụ quản lý chi tiêu như sổ sách, phần mềm excel hay ứng dụng trên điện thoại sẽ rất cần thiết để bạn thực hiện quản lý tài chính hiệu quả.
Ghi chép bằng sổ sách
Ghi chép bằng sổ sách là cách truyền thống để quản lý chi tiêu gia đình. Bạn có thể lập một cuốn sổ nhỏ ghi chép hàng tháng về tổng khoản thu và những khoản chi hàng ngày.
Sổ ghi chép phù hợp cho những người thích ghi chép, được đặt tại nhà để các thành viên có thể ghi chép các khoản chi trong ngày. Sau đó, cả gia đình sẽ tổng hợp sổ ghi chép vào cuối tháng xem dòng tiền âm hay dương, các khoản chi nào chưa phù hợp.
Ghi chép bằng excel
Ghi chép bằng excel phù hợp với những ai có một chút kỹ năng sử dụng máy tính và phần mềm excel. Trên excel có hỗ trợ nhiều công cụ để tính toán, tổng hợp và đưa ra biểu đồ trực quan giúp bạn đánh giá dễ dàng hơn.
Sử dụng excel cũng khá tiện lợi để ghi chép mọi lúc mọi nơi, trên máy tính hoặc điện thoại, giúp bạn không bỏ quên các khoản chi.
Ghi chép trên app quản lý chi tiêu gia đình
Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay có nhiều app quản lý chi tiêu gia đình ra đời và bạn có thể sử dụng. Các ứng dụng quản lý tài chính giúp bạn ghi chép nhanh chóng trên điện thoại, phân bổ chi tiêu vào các mục đã được phân khá chi tiết.
Ứng dụng quản lý chi tiêu có thể chia sẻ cho các thành viên trong gia đình cùng ghi chép và quản lý. Các ứng dụng này cũng đưa ra tổng hợp khá trực quan, cảnh báo giới hạn thông báo đến người dùng khi bạn đang chi tiêu quá hạn mức cho phép.
Trên đây là những chia sẻ khá đầy đủ về nguyên tắc, các phương pháp cũng như công cụ quản lý chi tiêu gia đình. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm thông tin về cách để quản lý tài chính gia đình, kiểm soát chi tiêu hiệu quả.
Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư. Nội dung chia sẻ có thể đã cũ do yếu tố thời gian. Vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.
VNSC by Finhay – Tích lũy và đầu tư từ đây
Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006
- Website: https://vnsc.vn
- Hỗ trợ trực tiếp: m.me/finhayvn
- Group Cộng đồng Finhay: https://www.facebook.com/groups/finhay/