Mặc dù ghi nhận khoản lãi khủng trong quý III năm nay, nhưng ông lớn lĩnh vực thủy sản cũng chỉ mới hoàn thành 18% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Công ty Cổ phần Nam Việt – Navico (HoSE – ANV) vừa công bố kết quả kinh doanh của quý III/2024 với doanh thu cao nhất trong 5 năm trở lại đây và con số ghi nhận được là 1.341 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ vừa qua sụt giảm từ mức 8,3 tỷ đồng xuống còn 2,4 tỷ đồng. Trong khi nhóm hoạt động phi tài chính vẫn chiếm tới 28 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Navico mang về con số 27,9 tỷ đồng sau thuế tương đương với mức tăng 2.584% so với cùng kỳ là 1 tỷ đồng.
Theo giải trình của Công ty CP Thủy sản Nam Việt, sản lượng tăng đã kéo theo lợi nhuận gộp tăng mạnh. Tuy nhiên, chi phí bán hàng cũng tăng do giá cước tàu vận chuyển quốc tế biến động mạnh, hệ quả xấu từ các cuộc xung đột trên thế giới.
Lũy kế của 9 tháng đầu năm nay, doanh thu đạt con số 3.550 tỷ đồng. Tuy ghi nhận khoản lãi lớn tại quý III vừa qua nhưng do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trong giai đoạn đầu năm, nên lợi nhuận 9 tháng của Navico vẫn chỉ đi ngang so với thực hiện cùng kỳ, đạt con số cụ thể 42,5 tỷ đồng. So sánh với mục tiêu đầu năm 2024 là doanh thu 5.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 360 tỷ đồng thì Nam Việt mới chỉ hoàn thành được 71% kế hoạch doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của Công ty CP Thủy sản Nam Việt đã đạt con số 4.988 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ chiếm khoảng 72 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có thêm 60 tỷ đồng tiền gửi đang nắm giữ đến ngày đáo hạn. Phần lớn tài sản của Navico đang nằm dưới dạng tồn kho, chiếm khoảng 2.007 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là tài sản cố định hữu hình gồm nhà xưởng, máy móc, đã khấu hao gần hết từ 1.432 tỷ đồng đến nay xuống chỉ còn hơn 298 tỷ đồng.
Ở bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Navico chiếm khoảng 2.130 tỷ đồng, tương đương với 42,7% tổng nguồn vốn. Trong đó, khoản nợ ngắn hạn đang ghi nhận ở mức 1.600 tỷ đồng, nợ dài hạn đạt mức 162 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp này ghi nhận ở mức 2.858 tỷ đồng với khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và đang cao vượt vốn góp chủ sở hữu là 1.529 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty CP thủy sản Nam Việt vừa đón tin vui từ thị trường Mỹ
Giữa tháng 9/2024, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin cho DOC đã công bố kết quả sơ bộ của cuộc điều tra hành chính và xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam, cho giai đoạn 1/8/2022 đến 31/7/2023 (POR20).
Theo kết quả này, DOC đã xác định kết quả sơ bộ: Nhiều nhà xuất khẩu phi lê cá tra từ Việt Nam không có hành vi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá phi lê Việt Bam sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào.
Trong đợt này, ghi nhận có 8 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã đủ điều kiện hưởng mức thuế riêng, bao gồm các đơn vị như: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp), Công ty TNHH Biển Đông (Bien Dong SeaFood), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành, Công ty TNHH Một Thành viên Thủy sản Đông Á (Đong A SEAFOOD), công ty Hùng Cá 6, Công ty TNHH Nam Việt (Navico) và Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF (NTSF SEAFOODS).
Theo quy định, DOC sẽ đưa ra thông báo kết quả cuối cùng về thuế chống bán phá giá trong vòng 120 ngày, kể từ ngày công bố kết quả điều tra sơ bộ.