Phân kỳ là tín hiệu phổ biến cho thấy sự đảo chiều của giá so với xu hướng trước đó. Trong phân tích kỹ thuật, các nhà đầu tư thường dựa vào phân kỳ để tìm kiếm cơ hội giao dịch hiệu quả. Vậy phân kỳ là gì và cần lưu ý những gì khi áp dụng trong đầu tư? Hãy cùng tìm hiểu trong nội dung dưới đây!
Phân kỳ là gì?
Phân kỳ (Divergence) là trường hợp khi hướng chuyển động của giá ngược lại so với hướng của chỉ báo. Các hướng di chuyển sẽ được xác định bằng các đáy/ đỉnh của nến giá và chỉ báo. Đây được xem là điểm đảo chiều có độ tin cậy cao cho nhà đầu tư để nắm bắt cơ hội.
Trong xu hướng tăng của nến giá, khi chỉ báo đảo chiều giảm nghĩa là báo hiệu nến giá cũng sắp đảo chiều giảm. Ngược lại trong xu hướng giảm của nến giá, khi chỉ báo có hướng di chuyển đi lên là tín hiệu cho thấy giá có thể tăng trong tương lai.
Các dạng phân kỳ phổ biến
Trong phân tích kỹ thuật, phân kỳ là công cụ mạnh mẽ giúp nhà đầu tư nhận biết tín hiệu đảo chiều giá. Mỗi loại phân kỳ có đặc điểm riêng và mang lại tín hiệu dự báo khác nhau. Hiện nay phân kỳ được chia thành ba loại chính: phân kỳ thường, phân kỳ ẩn và phân kỳ phóng đại.
Phân kỳ thường
Phân kỳ thường là loại xuất hiện phổ biến trên biểu đồ giá và chỉ báo kỹ thuật, giúp nhà đầu tư xác định xu hướng đảo chiều của cổ phiếu.
Phân kỳ dương (Bullish Divergence)
Phân kỳ dương xảy ra khi xu hướng giá đang giảm. Các đáy của biểu đồ giá nối lại với nhau tạo thành một đường đi xuống, nhưng chỉ báo kỹ thuật lại cho thấy xu hướng tăng. Điều này thể hiện động lượng giảm đang suy yếu, báo hiệu khả năng đảo chiều từ giảm sang tăng.
Đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư xem xét lệnh mua, kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác để tối ưu hóa quyết định.
Phân kỳ âm (Bearish Divergence)
Ngược lại, phân kỳ âm xuất hiện khi giá đang tăng nhưng chỉ báo kỹ thuật lại trong xu hướng giảm. Mức tăng của cổ phiếu có dấu hiệu suy yếu, và đây là tín hiệu cho thấy giá có thể đảo chiều từ tăng sang giảm.
Nhà đầu tư nên cân nhắc lệnh bán cổ phiếu và sử dụng thêm các mô hình nến đảo chiều như Dark Cloud Cover hoặc Shooting Star để đưa ra quyết định chính xác hơn.
Phân kỳ ẩn
Phân kỳ ẩn giúp nhà đầu tư dự đoán sự tiếp diễn của xu hướng giá hiện tại. Loại phân kỳ này được chia thành hai nhóm chính: phân kỳ ẩn tăng giá và phân kỳ ẩn giảm giá.
Phân kỳ ẩn tăng giá
Trong xu hướng tăng, phân kỳ ẩn tăng giá xảy ra khi đáy sau cao hơn đáy trước, nhưng chỉ báo lại có xu hướng giảm. Đây là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng vẫn còn mạnh mẽ và sẽ tiếp tục.
Nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội này để đặt lệnh mua, với mức vốn từ 30-40%, đồng thời kết hợp thêm các chỉ báo kỹ thuật để tăng độ chính xác.
Phân kỳ ẩn giảm giá
Trong xu hướng giảm, phân kỳ ẩn giảm giá xuất hiện khi chỉ báo kỹ thuật cho tín hiệu tăng, dù giá đan giảm. Điều này báo hiệu giá có khả năng tiếp tục giảm sâu.
Nhà đầu tư nên xem xét việc bán cổ phiếu để tránh rủi ro giảm giá trong giai đoạn này. Kết hợp chỉ báo với khối lượng giao dịch sẽ giúp nắm bắt xu hướng rõ ràng hơn.
Phân kỳ phóng đại
Phân kỳ phóng đại xuất hiện khi thị trường đi ngang trong quá trình tích lũy, báo hiệu một xu hướng mới có thể sẽ diễn ra rất nhanh sau đó. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm gặp.
Phân kỳ phóng đại tăng (Exaggerated Bullish Divergence)
Khi giá hình thành hai đáy bằng nhau nhưng chỉ báo kỹ thuật lại tăng, phân kỳ phóng đại tăng sẽ xuất hiện. Đây là dấu hiệu tích lũy đã kết thúc và thị trường chuẩn bị cho xu hướng tăng mới, cơ hội tốt để nhà đầu tư đặt lệnh mua, tối ưu hóa lợi nhuận từ xu hướng tăng sắp tới.
Phân kỳ phóng đại giảm (Exaggerated Bearish Divergence)
Ngược lại, nếu giá cổ phiếu hình thành xu hướng tích lũy và chỉ báo kỹ thuật có xu hướng giảm, phân kỳ phóng đại giảm báo hiệu một xu hướng giảm mới sẽ diễn ra.
Nhà đầu tư nên xem xét bán cổ phiếu để tránh rủi ro khi giá giảm mạnh.
Các chỉ báo nhận diện phân kỳ phổ biến
Phân kỳ có thể được nhận diện thông qua các chỉ báo kỹ thuật, giúp nhà đầu tư nhận biết tín hiệu đảo chiều trong xu hướng giá. Một số chỉ báo phổ biến bao gồm MACD, RSI và Stochastic.
MACD
MACD (Moving Average Convergence Divergence) là chỉ báo động lượng giúp xác định xu hướng giá tiếp theo bằng cách so sánh hai đường trung bình động (EMA). MACD bao gồm hai thành phần chính: đường EMA và biểu đồ cột (MACD Histogram).
- Khi đường MACD di chuyển trên đường 0, giá đang trong xu hướng tăng.
- Khi đường MACD dưới đường 0, giá đang trong xu hướng giảm.
- Phân kỳ xảy ra khi chỉ báo và giá di chuyển ngược chiều, báo hiệu khả năng đảo chiều của xu hướng.
MACD là chỉ báo rất hữu ích để nhận diện tín hiệu đảo chiều. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên kết hợp MACD với các chỉ báo khác như Bollinger Bands hoặc SMA để tăng độ chính xác và tránh quyết định chủ quan.
Chỉ báo RSI
RSI (Relative Strength Index) đo lường sức mạnh của cổ phiếu dựa trên động lượng và dao động từ 0-100.
- Khi RSI trên mức 70, cổ phiếu đang trong trạng thái quá mua, có khả năng điều chỉnh giảm.
- Khi RSI dưới mức 30, cổ phiếu ở trạng thái quá bán, thường báo hiệu khả năng hồi phục.
RSI chủ yếu được sử dụng để nhận diện phân kỳ. Bullish Divergence xảy ra khi RSI tăng trong khi giá giảm, cho thấy khả năng đảo chiều tăng. Bearish Divergence xảy ra khi RSI giảm trong khi giá tăng, báo hiệu xu hướng giá có thể đảo chiều giảm.
Nhà đầu tư nên cân nhắc lệnh mua khi xảy ra Bullish Divergence và kết hợp với mức giá quá bán để tận dụng cơ hội tốt. Ngược lại, nếu xảy ra Bearish Divergence và cổ phiếu đang trong vùng quá mua, nhà đầu tư nên cân nhắc bán để tránh rủi ro giảm giá.
Stochastic
Stochastic Oscillator là chỉ báo động lượng so sánh giá đóng cửa hiện tại với biên độ giá của 14 phiên giao dịch gần nhất. Chỉ báo này được cấu thành từ hai đường: %K (giá trị động lượng) và %D (đường tín hiệu), với phạm vi dao động từ 0 đến 100.
- Khi Stochastic trên mức 80, cổ phiếu đang trong vùng quá mua.
- Khi Stochastic dưới mức 20, cổ phiếu đang trong vùng quá bán.
Phân kỳ xuất hiện khi Stochastic và giá di chuyển ngược chiều nhau. Trong Bullish Divergence, giá giảm nhưng chỉ báo lại tăng, cho thấy đây là thời điểm mua thích hợp. Ngược lại, trong Bearish Divergence, giá tăng nhưng chỉ báo giảm, nhà đầu tư nên cân nhắc bán cổ phiếu để tránh rủi ro.
Những lưu ý trong việc sử dụng phân kỳ
Phân kỳ là hiện tượng phổ biến xuất hiện trong các xu hướng tăng và giảm của thị trường, giúp nhà đầu tư nhận diện sớm dấu hiệu đảo chiều. Tuy nhiên, tín hiệu phân kỳ không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác. Dưới đây là những lưu ý quan trọng của việc sử dụng phân kỳ trong giao dịch:
- Tín hiệu phân kỳ không phải lúc nào cũng chính xác: Phân kỳ chỉ nên được coi là một tín hiệu tham khảo, không phải là yếu tố quyết định duy nhất trong việc ra quyết định giao dịch. Nhà đầu tư cần thận trọng và kết hợp với các yếu tố khác để tăng độ chính xác.
- Xem xét xu hướng chính của thị trường: Trước khi sử dụng tín hiệu phân kỳ, nhà đầu tư cần xem xét xu hướng chính của thị trường. Phân kỳ trong xu hướng mạnh thường không hiệu quả và dễ gây sai lầm.
- Chú ý đến khối lượng và thời gian tồn tại: Nếu hiện tượng phân kỳ tồn tại quá lâu mà chưa có sự đảo chiều rõ ràng, nhà đầu tư nên kiên nhẫn đợi thêm quá trình pullback (chuyển động ngược xu hướng chính) để xác nhận tín hiệu.
Trên đây là những chia sẻ về phân kỳ là gì cũng như đặc điểm quan trọng của chỉ báo này. Khi được sử dụng một cách cẩn trọng và linh hoạt, phân kỳ sẽ trở thành trợ thủ đắc lực, giúp bạn tối ưu hóa chiến lược giao dịch và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, như mọi công cụ khác, phân kỳ cũng có những hạn chế và không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối. Chính vì vậy, bạn nên kết hợp phân kỳ với các chỉ báo kỹ thuật khác và luôn tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro.
Disclaimers: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư. Nội dung chia sẻ có thể đã cũ do yếu tố thời gian. Vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.
VNSC by Finhay – Tích lũy và đầu tư từ đây
Finhay, chủ quản của Chứng khoán Vina (VNSC): Giấy phép số 50/UBCK-GPHĐKD do Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước cấp ngày 29 tháng 12 năm 2006