Nhiều khách hàng quốc tế đã đặt hàng may mặc và giày dép từ Việt Nam, thông báo cho các công ty sản xuất chuẩn bị tâm thế để đón lượng lớn hàng hóa trong năm nay.
Năm vừa qua, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nước ta sụt giảm gây tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế trong nước. Điều tích cực nhất là chuỗi suy giảm lâu nhất trong quãng thời gian 10 năm qua của lĩnh vực sản xuất xuất khẩu nước ta đã chạm đáy và có nhiều khả năng sẽ phục hồi tăng trưởng trở lại trong năm 2024 tới đây, đây là nhận định của VinaCapital.
Đơn hàng xuất khẩu toàn cầu đã bắt đầu tăng trở lại, khi lượng hàng tồn kho dịp cuối năm 2023 của các nhà bán lẻ Hoa Kỳ đã giảm 5-7% so với năm 2022, dữ liệu dựa trên báo cáo lợi nhuận của một số tổ chức doanh nghiệp như: Best Buy, Target, Walmart, Nike… Lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ Mỹ thời điểm cuối năm 2022, tăng hơn 20% so với năm 2021, khiến các doanh nghiệp này phải nỗ lực hơn trong việc giải quyết hàng tồn và hậu quả kéo theo số lượng đơn hàng xuất khẩu trên toàn cầu sụt giảm trong giai đoạn năm 2023.
Năm 2024 tới đây, VinaCapital đưa ra nhận định kỳ vọng hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ sẽ phục hồi một phần bởi dư nợ tín dụng tại Mỹ đã tăng lên gần 40% trong suốt 2 năm vừa qua. Điều này đã hạn chế người tiêu dùng Mỹ tiếp tục mua sắm các sản phẩm Made in Vietnam. Tất cả đều được thể hiện qua doanh số bán hàng không như mong đợi trong dịp Black Friday năm vừa qua ở Mỹ.
Lĩnh vực xuất khẩu linh kiện máy tính, hàng điện tử đã tăng trở lại, nhưng mảng xuất khẩu hàng may mặc và điện thoại thông minh vẫn đang đi xuống. Doanh số sản phẩm máy tính và các sản phẩm dành cho xu hướng làm việc từ xa (Work from home) đã suy giảm mạnh sau đại dịch Covid-19. Thay vào đó, người tiêu dùng lại có nhu cầu nâng cấp thiết bị máy tính của mình để có thể sử dụng chương trình liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Đây là lý do lý giải vì sao công ty nghiên cứu Canalys lại đưa ra dự báo doanh số máy tính toàn cầu sẽ phục hồi từ mức giảm 12% (năm 2023) lên mức tăng 10% trong năm nay.
Trái ngược với đó, doanh số điện thoại thông minh trên toàn cầu sẽ chỉ phục hồi từ mức giảm 3,5% (năm 2023) lên mức tăng 3,8% trong năm nay, theo phân tích của IDC. Doanh số tiêu thụ điện thoại di động đã tăng trở lại lần đầu sau 2 năm, vào cuối thời điểm 2023, nhưng không giống trường hợp sản phẩm máy tính, người dùng không có nhiều nhu cầu nâng cấp thiết bị smartphone của họ.
Kết quả hiện tại là ngành sản phẩm công nghệ đã chạm đáy, dẫn đầu bởi nhu cầu thay thế thiết bị điện tử tiêu dùng như công ty Standard Chartered đã đưa ra trong báo cáo chiến lược toàn cầu năm 2024. Báo cáo này cũng theo dõi hoạt động xuất khẩu hàng điện tử sẽ dẫn đầu cho xu hướng phục hồi tăng trưởng xuất khẩu tại châu Á – một tin vui cho lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam trong năm nay. Thêm vào đó, báo cáo chiến lược năm 2024 của JPMorgan cũng nhấn mạnh hơn về sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ tại châu Á, dấu hiệu tích cực cho tăng trưởng GDP của nước ta trong năm nay.
Bên cạnh đó, lĩnh vực nhập khẩu linh kiện điện tử vào Việt Nam phục vụ sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử tiêu dùng đang có xu hướng tăng lên. Đây cũng là chỉ báo đáng tin cậy rằng các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị nguồn lực cho sản xuất các đơn hàng mới.
Cuối cùng, hoạt động xuất khẩu giày dép và may mặc của nước ta vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, bởi sức mua từ thị trường lớn nhất thế giới vẫn còn yếu. Một số nhà cung cấp lớn đang thực hiện chuyển nhà máy ra khỏi châu Á, nhằm tránh khỏi khả năng phải nhập cotton hay các nguyên liệu khác từ Trung Quốc.
Mặc dù vậy, khách hàng quốc tế vẫn đặt hàng giày dép và may mặc từ Việt Nam, đã thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất về việc chuẩn bị đón lượng lớn đơn hàng xuất khẩu trong năm nay, theo nguồn tin của ngành. Các công ty sản xuất còn cho biết khách hàng của họ quay lại đặt đơn nhỏ và giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng từ giai đoạn 6-12 tháng trước đó.