Trong đầu tư chứng khoán, nhiều mô hình và công cụ được sử dụng để đánh giá mức lợi nhuận kỳ vọng cũng như độ rủi ro của mã chứng khoán nào đó. CAPM là một trong những mô hình được ứng dụng phổ biến nhất trong phân tích chứng khoán. Hãy cùng VNSC tìm hiểu rõ hơn về mô hình CAPM là gì, cách tính cũng như ứng dụng của CAPM như thế nào nhé.
Mô hình CAPM là gì?
CAPM – Capital Asset Pricing Model được hiểu là mô hình định giá vốn tài sản trong đầu tư chứng khoán, khá nổi tiếng. Mô hình CAPM định giá mối quan hệ giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro hệ thống của một tài sản cụ thể nào đó.
Mô hình CAPM được phát triển bởi 3 chuyên gia kinh tế học hàng đầu là: William Sharpe, Jack Treynor và John Lintner. Dựa trên mô hình CAPM, nhà đầu tư có thể đánh giá lợi tức kỳ vọng của một khoản đầu tư cụ thể, từ đó quyết định có nên xuống vốn hay không. Trong đầu tư chứng khoán, mọi khoản đầu tư đều có thể có rủi ro, nhưng dựa trên CAPM, nhà đầu tư có thể hiểu được mức lợi tức dựa trên mức độ rủi ro được giả định.
Bằng cách so sánh tỷ lệ sinh lời yêu cầu và khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu thực tế ROE, sẽ cho cái nhìn tổng quan về khả năng sinh lời của mã chứng khoán doanh nghiệp đó.
Nguyên tắc cơ bản sử dụng trong mô hình CAPM là: [High risk – High return]. Có nghĩa, nếu bạn yêu cầu hiệu suất sinh lời lớn thì chi phí sử dụng vốn sẽ càng cao. Do vậy, việc lựa chọn mã chứng khoán doanh nghiệp sẽ khắt khe hơn.
Công thức tính CAPM như thế nào? Ví dụ về mô hình CAPM
Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về công thức xác định CAPM và ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn về mô hình này.
Công thức tính CAPM chuẩn nhất
Để xác định lợi nhuận kỳ vọng của một mã chứng khoán hay một khoản đầu tư sẽ áp dụng theo công thức sau:
Re = Rf + [Beta x (Rm – Rf)]
Trong đó các chỉ số:
- Re là lợi tức kỳ vọng của một khoản đầu tư cụ thể. Chỉ số này sẽ là kỳ vọng riêng của nhà đầu tư hoặc dựa trên dữ liệu lịch sử của các chỉ số cụ thể.
- Rf là mức lãi suất phi rủi ro, tức với mức này thì rủi ro đầu tư gần như bằng 0. Tại sàn chứng khoán châu Âu, giá trị chứng khoán kho bạc được sử dụng đại diện cho lãi suất phi rủi ro. Hoặc, Rf cũng được lấy dựa trên lãi suất trái phiếu kho bạc chính phủ kỳ hạn 10 năm.
- Rm là tỷ lệ tăng trưởng của thị trường.
- Beta là chỉ số độ nhạy chứng khoán trước sự thay đổi của thị trường. Trường hợp, Beta = 1 có nghĩa biến động bằng mức trung bình thị trường, Beta > 1 là mức độ biến động lớn hơn mức trung bình thị trường, beta < 1 là mức độ biến động nhỏ hơn mức trung bình thị trường.
Dựa trên công thức tính Re, có thể thấy phần bù rủi ro chính là Rm-Rf, Beta sẽ là thước đo biến động thị trường. Theo công thức, có thể thấy mã chứng khoán đang biến động nhiều hay ít so với biến động thị trường.
Ví dụ về mô hình CAPM dễ hình dung nhất
Chúng ta sẽ tìm hiểu ví dụ mô hình CAPM để hiểu rõ hơn về công thức tính toán này.
Khi bạn dự định đầu tư 100 triệu và mã chứng khoán XYZ, hệ số Beta lúc này là 1.2. Giả sử, lãi suất phi rủi ro lúc này là 3%, nhà đầu tư kỳ vọng giá trị thị trường sẽ tăng trưởng 5%/ năm. Vì vậy, lợi nhuận kỳ vọng được xác định theo mô hình CAPM với công thức sẽ như sau:
Re= 3% + 1.2 × (5% – 3%) = 5.4%
Dựa trên mô hình CAPM, nhà đầu tư có thể xác định được mức lợi nhuận kỳ vọng đối với mã chứng khoán XYZ. Tùy theo giá trị hiện tại của mã XYZ đang nhỏ hơn hay thấp hơn mức giả định mà nhà đầu tư có kế hoạch mua vào hay bán ra. XYZ đang được định giá rẻ hơn, nhà đầu tư có thể thay đổi khoản đầu tư có kỳ vọng cao hơn.
Ưu điểm và hạn chế khi sử dụng mô hình CAPM
Mô hình CAPM được nhiều nhà đầu tư áp dụng để đánh giá lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai. Tuy nhiên, mô hình này cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng bạn cần hiểu rõ để áp dụng hiệu quả.
Ưu điểm của mô hình CAPM khi định giá cổ phiếu:
- Công thức tính CAPM đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng cho người mới khi tham gia thị trường chứng khoán chưa có nhiều kinh nghiệm.
- Với mô hình CAPM, việc định giá sẽ không giới hạn danh mục đầu tư cụ thể. Giả định của CAPM là nhà đầu tư có danh mục đa dạng với khẩu vị rủi ro khác nhau.
- CAPM điều chỉnh phù hợp với thực tế thị trường, bởi mô hình không bỏ qua các yếu tố thực tế như mức độ rủi ro hay lợi nhuận thực tế… Từ đó đánh giá mã chứng khoán và danh mục đầu tư hiệu quả hơn.
Hạn chế của mô hình CAPM khi ứng dụng thực tế:
- Mô hình tập trung duy nhất và rủi ro hệ thống, trong khi mã chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố rủi ro khác nhau.
- CAPM là mô hình giai đoạn do vậy, chúng ta không thể xem xét tác động trong các chu kỳ tiếp theo hoặc giai đoạn trong tương lai.
- Nhiều nghiên cứu cho thấy mô hình CAPM còn nhiều bất cập và chưa thực sự chính xác.
Có thể thấy, mô hình CAPM còn nhiều mặt hạn chế về dự đoán, định giá cổ phiếu. CAPM hỗ trợ đánh giá lợi nhuận kỳ vọng trong 1 giai đoạn ngắn, nhà đầu tư cần kết hợp nhiều yếu tố để xác định được mã chứng khoán có đáng đầu tư hay không.
Ứng dụng và ý nghĩa mô hình CAPM trong đầu tư chứng khoán
Mặc dù phụ thuộc khá nhiều vào các giả định nhưng mô hình CAPM vẫn được nhiều người ưa chuộng ứng dụng trong phân tích đầu tư chứng khoán.
Ý nghĩa của mô hình CAPM trong đầu tư chứng khoán
Mô hình CAPM hay bất cứ mô hình dự đoán tài chính nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Do vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi áp dụng CAPM trong phân tích tài chính, định giá tài sản vốn. Ý nghĩa của mô hình CAPM trong thực tế được các chuyên gia xem là công thức hoàn hảo để tính toán lợi tức của một khoản đầu tư.
Trong thực tế, sự giao động của giá cổ phiếu sẽ dẫn đến sự giao động của lợi nhuận. Dựa trên mô hình CAPM, nhà đầu tư có thể quan sát thấy cổ phiếu rủi ro có thể kết hợp sao cho danh mục đầu tư ít rủi ro hơn, từ đó hỗ trợ nhà đầu tư điều chỉnh các mã cổ phiếu phù hợp.
Ứng dụng mô hình CAPM trong đầu tư như thế nào?
Mô hình CAPM đóng vai trò quan trọng trong giả định tài sản và mô hình tài chính. Dựa trên kết quả tính CAPM, nhà đầu tư xác định được giá trị nội tại của cổ phiếu, trong các trường hợp:
- Giá trị đang giao dịch trên thị trường thấp hơn giá trị nội tại của cổ phiếu đó. Lúc này, nhà đầu tư nên mua vào để tối ưu lợi nhuận.
- Khi giá trị đang giao dịch trên thị trường cao hơn giá trị nội tại, nên bán ra để thu lợi nhuận.
Ngoài ra, mô hình CAPM còn được ứng dụng trong:
- Ước tính giá trị lợi nhuận kỳ vọng của khoản đầu tư.
- Đánh giá hiệu quả của danh mục đầu tư hiện tại, từ đó điều chỉnh lại danh mục hiệu quả và phù hợp hơn.
- Tính toán định giá giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định mua vào – bán ra hay giữ lại mã chứng khoán đó.
Mô hình CAPM cũng như các mô hình tài chính khác, sẽ giúp nhà đầu tư nhận định đánh giá mã cổ phiếu dựa trên một yếu tố cụ thể. CAPM giúp định giá vốn khoản đầu tư, tính toán xác định lợi nhuận kỳ vọng từ đó giúp bạn đưa ra quyết định giao dịch phù hợp. Hy vọng những chia sẻ trên đây về mô hình CAPM sẽ giúp nhà đầu tư hiểu và áp dụng hiệu quả.